03/05/2025
Tác giả: Nguyễn Thanh Việt
Việt Báo biên dịch
2-5-2025
LTS: Nguyễn Thanh Việt là tác giả gốc Việt đoạt giải Pulitzer. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn To Save and to Destroy: Writing as an Other. Dưới đây là bài “How America Became Afraid of The Other” của ông viết về tình hình bài trừ di dân hiện tại ở Hoa Kỳ dưới chính quyền đương thời, đăng trên tạp chí TIME ngày 28 tháng 4.
Nguyễn Thanh Việt, giáo sư đại học Havard (tiểu ban thơ văn)
Tiểu thuyết đầu tay của Viet, The Sympathizer được xuất bản năm 2015 bởi Grove Press /Atlantic. The Sympathizer đã giành giải Pulitzer năm 2016 cho tiểu thuyết hư cấu, giành giải thưởng tiểu thuyết đầu tay của Trung tâm tiểu thuyết hư cấu , huy chương Carnegie cho tiểu thuyết xuất sắc từ Hiệp hội thư viện Hoa Kỳ và giải thưởng văn học tiểu thuyết châu Á/Thái Bình Dương của Hiệp hội thủ thư châu Á/Thái Bình Dương . Cuốn sách cũng đã giành giải Edgar cho tiểu thuyết đầu tay hay nhất của một tác giả người Mỹ từ Hiệp hội nhà văn trinh thám Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết này cũng đã giành giải thưởng hòa bình văn học Dayton .
***
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn luôn có một mối quan hệ phức tạp với di dân và tị nạn, mặc cho một phần trong huyền thoại quốc gia luôn khắc họa hình ảnh chúng ta là một xứ sở của những người mới đến. Trong huyền thoại đó, họ — những di dân — là một phần của chúng ta.
Song song với điều đó, nước Mỹ cũng từng nhiều lần trải qua những cơn bùng phát dữ dội của tâm lý bài ngoại.
Hiện nay cũng vậy, khi chính quyền Trump vũ khí hóa nỗi sợ đối với ‘người khác’, đồng thời khơi dậy một cơn hoảng loạn tinh thần đối với những người được cho là những kẻ xa lạ đang mon men đến bờ cõi chúng ta. Khi những người này, bao gồm cả những người đã là người Mỹ, bị nhìn nhận như một mối đe dọa đối với quốc gia, thì họ không còn được xem là một phần của “chúng ta” nữa. Thay vào đó, họ trở thành “kẻ khác” đối với cái bản ngã tập thể của đất nước.
Điều này không phải là chuyện mới lạ. Vào cuối thập niên 1800, nhiều người Mỹ tin rằng, di dân Trung Hoa mang theo bệnh tật, tội phạm và các tệ nạn, cùng với đạo đức lao động phi nhân tính. Kết quả của những thành kiến ấy là việc đốt phá các khu phố Tàu, các vụ hành quyết tập thể đối với người Trung Hoa, và việc ban hành lệnh cấm gần như toàn bộ di dân từ Trung Hoa.
Với các chính sách thuế quan của mình, Tổng thống Donald Trump có lẽ còn nhắm mục tiêu vào người Trung Hoa một cách công khai hơn, so với khi ông từng gọi COVID-19 là “kung flu”. Tuy nhiên, ông đã khởi đầu chiến dịch tranh cử của mình bằng lời cam kết đóng chặt biên giới Hoa Kỳ để bảo vệ quốc gia khỏi “những kẻ hiếp dâm” người Mexico vào năm 2015, và đến năm 2024 lại cáo buộc các băng đảng Venezuela là mối đe dọa.
Chiến dịch trục xuất mà ông Trump hứa hẹn ngày nay gợi lại những hình ảnh cũ thời thập niên 1920 và 1930, khi chính phủ Hoa Kỳ tiến hành việc vây bắt và cưỡng bức hồi hương khoảng một triệu người Mexico và công dân Mỹ gốc Mexico về lại Mexico.
Việc trừng phạt “kẻ khác” thường mang hình thức một màn kịch và trình diễn, nhằm mục đích giải trí và làm thỏa mãn một số người, đồng thời khiến những người còn lại phải im lặng và quy phục.
Bởi thế, việc trục xuất các băng đảng Venezuela bị cáo buộc, bằng những chuyến bay do Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) vận hành, được thực hiện trước ống kính máy quay: Họ bị ghi hình như những sinh vật hạ đẳng, đầu cạo trọc, mặc đồng phục trắng trẻ con gồm áo sơ mi và quần đùi, bị tước đoạt nhân phẩm.
“Cưỡng bức di dời” (renditioning) là từ ngữ thích hợp hơn “trục xuất” (deportation), vì nhiều người trong số này không được đưa về quê hương gốc, mà bị đưa đến những nơi khác — như các di dân nhiều quốc tịch bị giam giữ trong khách sạn hoặc các trại tập trung giữa rừng ở Panama.
Từ “cưỡng bức di dời” cũng gợi nhắc đến những hành động mà Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) từng thực hiện đối với các nghi phạm khủng bố bị “biến mất” vào những “địa điểm đen” bí mật — điều hoàn toàn phù hợp khi Trump viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Ngoại bang năm 1798, một đạo luật thời chiến từng được dùng để giam giữ người Nhật và công dân Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II, nhằm mô tả các băng đảng Venezuela như những “kẻ khủng bố” đang “xâm nhập” Hoa Kỳ (Tuy nhiên, các thẩm phán liên bang ở New York và Texas đã thách thức hành động này tại tòa án).
Việc các tổng thống và chính phủ mô tả những kẻ bị cáo buộc phạm tội là “khủng bố” khiến tất cả chúng ta lo ngại, bởi “khủng bố” là một nhãn mác có khả năng co giãn vô tận, có thể được áp đặt lên bất kỳ ai mà chính quyền cho rằng đang phá hoại quyền lực của mình.
Điều tồi tệ hơn nữa là một “Cuộc chiến chống Khủng bố” — như cuộc chiến mà Tổng thống George W. Bush tuyên bố sau sự kiện 11/9 — thì không thể nào giành chiến thắng được. Đó là một tình trạng chiến tranh vĩnh viễn, được áp đặt lên một dòng người là “kẻ khác” không bao giờ dứt, đồng thời buộc sự đồng hóa trong lòng nước Mỹ, như khi Bush tuyên bố: “Hoặc các vị đứng về phía chúng tôi, hoặc các vị chống lại chúng tôi”.
Dù có thể chiến thắng trước một nhóm thù địch cụ thể, làm sao có thể đánh bại được sự kinh hoàng? Mối đe dọa của nỗi kinh hoàng sẽ còn tiếp diễn, bởi lẽ kinh hoàng đã tồn tại cùng với sự tò mò và nỗi sợ hãi, với tình yêu và thù hận, ánh sáng và bóng tối — như chính nhịp đập của trái tim con người.
Chủ nghĩa cộng sản, hay bất kỳ hệ tư tưởng nào không được lòng chính quyền đương nhiệm, có thể bị đánh bại — nhưng “kẻ khủng bố” thì không bao giờ mất đi, bởi nỗi kinh hoàng không chỉ đến từ các mối đe dọa thực sự mà còn từ trong chính chúng ta, liên tục sinh ra những bóng ma mới.
Cuộc chiến chống khủng bố có lẽ đã đánh động sâu sắc tâm thức người Mỹ, bởi nỗi kinh hoàng đã luôn là một phần trong đời sống Hoa Kỳ, kể từ những ngày đầu tiên những người định cư châu Âu đặt chân lên mảnh đất này.
Có lẽ, những “người khác” đầu tiên đối với người định cư đến vùng đất này chính là người bản địa. Tiếp theo là những người châu Phi bị bắt cóc và nô lệ, những người mà công sức lao động và thân xác của họ đã giúp tạo dựng nên Hoa Kỳ.
Hoặc cũng có thể, “kẻ khác” đầu tiên đối với những người định cư chính là bản thân vùng đất rộng lớn này — một nơi vừa hứa hẹn sự phong phú, vừa rình rập hiểm họa.
Điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay, khi những người có quyền lợi trong ngành nhiên liệu hóa thạch hứa hẹn rằng đất đai có thể bị khuất phục và biến thành lợi nhuận — cũng như những “kẻ khác” từng khai thác đất đai, từ người nô lệ đến công nhân di trú, từng bị bóc lột.
Bằng cách đối mặt với thiên nhiên hay với con người, những người định cư đã chạm trán điều mà triết gia Emmanuel Levinas gọi là “khuôn mặt của Kẻ Khác”, điều mà Levinas cho rằng có thể khơi dậy lòng trắc ẩn hoặc sự kinh hoàng. Hai cảm xúc đối lập này tiếp tục định hình cảnh quan chính trị và văn hóa Hoa Kỳ ngày nay.
Trong khi có người kêu gọi lòng cảm thông đối với tha nhân, chính quyền Trump lại mô tả các cử chỉ ấy như là sản phẩm của một hệ tư tưởng “đa dạng, công bằng và hòa nhập” – DEI cần phải tiêu diệt. Levinas tin rằng, cuộc gặp gỡ trực diện với ‘Kẻ Khác’ là một nhiệm vụ đạo đức cấp thiết, nhưng Elon Musk lại cho rằng “điểm yếu căn bản của nền văn minh phương Tây chính là lòng trắc ẩn”, vì nó mở ra cánh cửa cho những người không thuộc phương Tây và không [phải là người] da trắng chiếm đoạt.
Không phải ngẫu nhiên khi những người bị đưa tới các nhà tù ở El Salvador bị buộc phải cúi đầu, không cho phép người ta nhìn thấy gương mặt con người của họ.
Không chỉ những kẻ bị cáo buộc là băng đảng mới bị gán nhãn “khủng bố” trong trí tưởng tượng bài ngoại, mà cả những người tị nạn, di dân, dù có giấy tờ hay không, cũng bị xem như những kẻ âm mưu thay thế người da trắng.
Để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị trục xuất, những di dân này bị buộc phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối. Sự khác biệt của họ so với những chuẩn mực quốc gia — da trắng, nam giới, một giới tính, Cơ Đốc giáo — bị xem như là một trở ngại cho quyền tự do ngôn luận, một quyền mà lẽ ra là cốt lõi của nước Mỹ.
Do đó, tất cả những sinh viên quốc tế cho đến nay đã bị bắt và giam giữ bí mật vì biểu tình phản đối cuộc tấn công của Israel vào Gaza đều là người không da trắng, có gốc gác từ các quốc gia như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.
Dù người ta có đồng tình hay không với lời nói của họ, thì họ cũng có quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, với tư cách là cư dân hợp pháp lâu dài hoặc sinh viên quốc tế.
Nhưng điều đáng hỏi là: Khoảng cách giữa một công dân Mỹ, nhất là người không da trắng hay người nhập tịch, với Mahmoud Khalil — cựu sinh viên tốt nghiệp Columbia, hiện là thường trú nhân hợp pháp — hay Rümeysa Öztürk — sinh viên cao học tại Tufts, bị các sĩ quan ICE đeo mặt nạ bắt giữ mà hầu như không thèm xuất trình thẻ hoặc phù hiệu — thực sự đã đi xa đến đâu?
Sự gia tăng quyền hạn đối với họ có thể nhanh chóng lan đến cả công dân Mỹ.
Khi ranh giới giữa việc bắt giữ và bắt cóc, giữa cảnh sát chính quy và mật vụ bí mật, bị làm cho lu mờ, thì tất cả chúng ta — dù là công dân hay không — đều bị đe dọa. Chúng ta bị buộc phải khuất phục trước bất kỳ ai đeo mặt nạ tuyên bố rằng họ đại diện cho pháp luật, giống như những người Venezuela bị đưa đến El Salvador bị buộc phải quỳ trước các lính canh đeo mặt nạ và mặc áo giáp.
Trong nước, cơ chế trục xuất hay đàn áp những kẻ mà nhà nước xem là thù địch sẽ không dừng lại ở người Venezuela hay những người ủng hộ nhà nước Palestine.
Cơ chế quyền lực này dựa trên sự hoang tưởng, với mỗi mối đe dọa mới nảy sinh và lan rộng.
Chiến dịch của chính quyền Trump nhắm vào sinh viên ủng hộ Palestine, chẳng hạn, gắn liền với luận điệu rằng họ đang bảo vệ người Do Thái trong và ngoài các trường đại học.
Nhưng đây chỉ là việc vũ khí hóa chủ nghĩa bài Do Thái, biến một hình thức phân biệt chủng tộc có thật thành công cụ phục vụ mục tiêu chính trị — nơi người Palestine tạm thời thay thế người Do Thái để trở thành “kẻ khác” vĩnh viễn.
Việc trừng phạt những “kẻ khác” làm tê liệt lòng trắc ẩn và sự phản kháng, bởi không ai muốn trở thành mục tiêu tiếp theo.
Vì vậy, chúng ta thấy những người có thể lẽ ra bị xem là “khác” lại quay sang chống lại những kẻ khác đã bị gán mác, như khi một số di dân có giấy tờ hợp pháp ủng hộ việc trục xuất những người di dân bất hợp pháp.
Đừng lầm nghĩ đây chỉ là sự hoang tưởng, bởi nó là một chiến lược chính trị cổ điển được lập lại: chia rẽ để cai trị — chính quyền Trump tấn công từng trường đại học, từng hãng luật, từng nhóm di dân, từng cá nhân.
Mỗi nhóm hy vọng mình sẽ được tha, nhưng cuối cùng, chẳng ai được tha cả.
Bài học cần rút ra là: Chúng ta không thể an toàn bằng cách hiến tế những kẻ khác.
Chủ nghĩa độc tài sẽ không bao giờ hài lòng với chỉ một vật tế thần hay một kẻ thù — nó sẽ đòi hỏi nhiều hơn, vì quyền lực của nó phụ thuộc vào sự trình diễn trừng phạt. Mỗi lần trừng phạt, khả năng kháng cự của tất cả mọi người lại bị suy yếu.
Khi chủ nghĩa độc tài sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc và luật lệ, thì chính các quy tắc và luật lệ ấy cũng dần mất đi khả năng bảo vệ chúng ta.
Giải pháp duy nhất vẫn luôn như vậy và cần được nhắc lại: Đoàn kết là hy vọng duy nhất của chúng ta, đoàn kết là chiến lược tối thượng.
Chúng ta phải từ chối sự chia rẽ, dù được hứa hẹn an toàn bằng cách hiến tế kẻ khác, hay được đề nghị từ bỏ từng quyền một để mong giữ gìn bản thân khỏi nỗi kinh hoàng bất tận.
Giờ đây, Trump đang theo đuổi ý tưởng xóa bỏ quyền công dân theo nơi sinh, với mục tiêu đưa cả những công dân “sinh ra tại chỗ” đến các nhà tù El Salvador.
Chính quyền của ông cũng đang tìm cách mở rộng hệ thống trại giam di dân vì lợi nhuận, với ngân sách 45 tỷ đô la.
Khi nào những trại giam sẽ trở thành trại tập trung — như Franklin Delano Roosevelt đã từng gọi nơi giam giữ người Mỹ gốc Nhật?
Khi nào thì chúng ta sẽ nói: Đủ rồi?
Điều có thể phá hủy xã hội chúng ta không phải là di dân, tị nạn, người Palestine, phụ nữ đòi quyền phá thai, người chuyển giới, hay bất kỳ ai trong số những “kẻ khác” bị dựng lên.
Điều có thể hủy diệt chúng ta chính là nỗi sợ của chính chúng ta — không chỉ đối với tha nhân mà còn đối với chính bản thân mình, với những bí ẩn sâu thẳm không thể giải mã trong lòng mỗi con người.
Và điều có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ và kinh hoàng ấy không phải là trục xuất hay bài xích tha nhân, mà là đồng hành cùng họ, trò chuyện cùng họ, đối mặt với họ.