Những thất bại nhìn thấy từ ‘đại lễ 50 năm giải phóng’

Ba’o Nguoi-Viet

May 1, 2025 

Nam Việt

Hà Nội chưa công bố kinh phí để thực hiện “đại lễ 50 năm giải phóng,” nhưng theo lệ thường tại Việt Nam, các sự kiện tuyên truyền lớn vẫn được rút từ ngân sách nhà nước, kết hợp với các nguồn xã hội hóa, mà các con số chi tiết hiếm khi được công bố rộng rãi.

Nhìn tổng thể, ngân sách thực hiện cho duyệt binh, pháo bông, hậu cần… là rất lớn.

Chỉ riêng bắn pháo bông, chính quyền TP.HCM phải chịu tiền, ước tính chi phí cho hoạt động bắn tầm cao, tầm thấp, hỏa thuật, hậu cần và tổ chức, tại 30 điểm trong ngày 30 Tháng Tư, vào khoảng gần 4 tỷ đồng.

Dù là hoạt động tuyên truyền của nhà nước, nhưng các chi phí này thường được “huy động” từ nguồn xã hội hóa, chủ yếu từ các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân. Con số chính xác chỉ nằm trong báo cáo tài chính chính thức từ UBND hoặc Sở Văn Hóa và Thể Thao sau sự kiện, và dĩ nhiên là thường giữ kín.

Kế hoạch cho “đại lễ 50 năm đánh thắng Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam” được chuẩn bị chu đáo từ năm trước, nhưng cuối cùng để lộ ra những điều không hay, nếu không nói là thất bại.

Khách mời quốc tế “anh em” của Hà Nội. (Hình: Tuổi Trẻ)

Khách mời quốc tế của 30 Tháng Tư là ai?

Chưa bao giờ Việt Nam đón nhận sự lạnh nhạt từ thế giới như qua lễ duyệt binh. Không rõ Việt Nam gửi thư mời đi đến bao nhiêu quốc gia, nhưng phía truyền thông nhà nước chỉ dè dặt chính thức nhắc tên vài nước chắc chắn tham dự là Lào, Campuchia, Cuba, Belarus, thậm chí không có tên Nga. Đa số còn lại là đại diện các Đảng Cộng Sản Ấn Độ, Nhật, Ý, Pháp…

Tin tức rò rỉ chuyện Tổng Thống Donald Trump ra lệnh cho các quan chức ngoại giao Mỹ không chính thức tham gia lễ kỷ niệm, đã tạo không khí đóng băng trong quan hệ quốc tế, khiến các phóng viên quốc tế vào Việt Nam đưa tin dịp này đều có an ninh kèm chặt. Chỉ duy nhất dạ tiệc vào tối 29 Tháng Tư của giới quan chức và các cơ quan ngoại giao đóng tại Việt Nam thì được nói là khá nhiều nước tham dự, nhưng chi tiết về dạ tiệc này không được đưa tin rộng rãi.

Trung Quốc diễn hành tại Sài Gòn (Hình: SGGP)

‘Nghiến răng’ đón Trung Quốc diễu hành

Trên các trang mạng xã hội, người dân Việt Nam vẫn diễu cợt câu chuyện 118 lính Trung Quốc đến Việt Nam diễu binh theo lời mời của phe quân đội, nhưng dồn dập tin tức và hình ảnh về việc Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên đá Hoài Ân của Việt Nam ở biển Đông và tuyên bố chủ quyền rất “đúng lúc” khiến hình ảnh tốt đẹp của việc “đóng góp” cho đại lễ từ phía Trung Quốc trở nên hết sức gắng gượng.

Suốt hai tuần, kể từ khi tin tức Trung Quốc “vỗ mặt” Việt Nam trên biển Đông, phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam chết lặng và không có lời đáp nào, mặc dù hai ngày sau đó, Tòa Bạch Ốc lên tiếng cảnh cáo, và nói đây là một hành động “khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.”

Trên các trang mạng báo Trung Quốc đua nhau ca ngợi sự có mặt của lính Trung Quốc diễu hành tại Việt Nam, và bình luận rằng mọi thứ nồng nhiệt và được người Việt Nam chào đón hơn cả phần trình diễn của quân đội chủ nhà.

Tuy vậy, an ninh cho phần lính Trung Quốc diễu hành được tổ chức chặt chẽ. Mọi thành phần chống Trung Quốc xâm lược biển đảo đều bị công an giữ chặt tại nhà. Nhiều người được “mời làm việc” đúng ngày lễ. Giới dư luận viên tung bài viết, nói ra rả đừng nghe bọn “ba sọc” kích động mà chống lính Trung Quốc, làm tổn hại quốc gia. Ngoài những tiếng reo hò cỗ vũ đã được dàn dựng khi lính Trung Quốc diễu hành, người ta chỉ được dăm ba tiếng hô “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.”

Tô Lâm phát biểu, kêu gọi gác lại quá khứ, tiến đến tương lai (Hình: QĐND)

Diễn văn chính lễ 30 Tháng Tư của CSVN vẫn không thật lòng

Ngôn luận chính của dịp 50 năm chấm dứt chiến tranh, xoay quanh các phát biểu của Tổng Bí Thư Tô Lâm bộc lộ nhiều điều, mà giới phân tích cho rằng còn đầy bóng tối, và chủ yếu cho thế thế giới thấy có chút đổi khác, mặc dù, cốt lõi cộng sản vẫn không thay đổi.

Chủ nghĩa dân tộc, dòng máu Lạc Hồng, tình anh em cùng trong một quốc gia… được họ Tô nhắc đi nhắc lại, ông cũng có lời trân trọng với những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Có thể nói, về mặt ngôn từ, đây là lần đầu tiên một tổng bí thư có phát ngôn cởi mở như vậy về cộng đồng này, đặc biệt khi đề cập đến người Việt ở nước ngoài, bao gồm những người rời đi trong làn sóng thuyền nhân.

Tuy nhiên, lời nói của ông Tô hay Đảng Cộng Sản chưa đi đôi với hành động. Việc vẫn nuôi dưỡng một đạo quân hàng ngày chửi rủa, bẻ cong và phủ nhận lịch sử, vẫn dùng cách gọi thù địch như “ngụy quân,” “ngụy quyền” trong truyền thông chính thống, cổ xúy sỉ nhục cờ vàng VNCH… tạo nghi ngờ về tính chân thành của thông điệp lúc này.

Cũng có ý kiến cho rằng bài phát biểu của ông Tô Lâm có thể phục vụ mục đích chính trị nội bộ, như củng cố hình ảnh cá nhân hoặc tạo sự đồng thuận trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại Hội Đảng XIV. Thông điệp hòa hợp bị coi chỉ là một chiến lược tuyên truyền ngắn hạn, thay vì cam kết lâu dài.

Ông Tô Lâm kêu gọi gác lại lịch sử, hướng tới tương lai, nhưng từ chối nhìn nhận những sai lầm và đau thương mà các công dân VNCH đã chịu, như chính sách cải tạo đối với quân nhân và quan chức VNCH, cùng với việc tịch thu tài sản, đã để lại nhiều vết thương khó lành. Việc kêu gọi nghe xuôi tai này, tạo hoài nghi về khả năng thực hiện hòa hợp của chính quyền hiện nay.

Hòa giải dân tộc là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự thay đổi từ cả hai phía – chính quyền và cộng đồng người Việt từng đứng ở hai bờ chiến tuyến, nhưng không có lộ trình rõ ràng và những hành động thiết thực, lại tạo thêm sự bất tín.

Nửa thế kỷ, tính kiêu ngạo vô lối cộng sản vẫn y nguyên 

Tính kiêu ngạo cộng sản cố hữu của Hà Nội vẫn lộ rõ qua vụ dựng pano sỉ nhục Mỹ vào dịp 30 Tháng Tư rồi vội vã gỡ xuống trong một ngày. Nhưng đó cũng chỉ là một trong hàng trăm kiểu tuyên truyền, quảng bá cho bộ mặt “cộng sản quang vinh tự hào.” Sự kiện nhục nhã chung cho mọi cơ quan truyền thông CSVN là vội vàng lấy tấm ảnh làm giả hình ảnh cờ đỏ sao vàng, có dòng chữ tiếng Anh “Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất Việt Nam,” tung hô rằng đã xuất hiện trên màn hình lớn của công ty NASDAQ ở Quảng Trường Thời Đại tại New York, Mỹ.

Nhiều báo của Việt Nam cùng dẫn nguồn lấy từ trang cá nhân của Đại Sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Nhưng trong vài giờ đồng hồ, nhiều người chỉ ra những chi tiết chỉnh sửa. Đến ngày 1 Tháng Năm, hầu hết báo đều gỡ tin và ảnh này, mà không có lời xin lỗi hay đính chính nào.

Một trong những điều mỉa mai, là chính quyền TP.HCM cho dựng pano có hình cô Nhíp dẫn quân Bắc Việt vào Sài Gòn. Thế nhưng giờ đây cô Nhíp đã tham gia dòng người bỏ đảng, tìm đến cuộc sống tự do của “kẻ thù Đế Quốc Mỹ,” và hơn thế nữa là cô còn đang sống trong lòng của những người đào thoát khỏi chế độ Bắc Việt từ năm 1975 đến nay.


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay