Mật nghị Hồng y chịu trách nhiệm bầu người kế nhiệm giáo hoàng Phanxicô sẽ bắt đầu hôm 07/05/2025. Với các chính sách hỗ trợ tích cực những người nghèo khổ nhất, dang tay tiếp đón di dân, tư tưởng tương đối tiến bộ, trái ngược hoàn toàn với ý thức hệ của Donald Trump, giáo hoàng Phanxicô đã đi ngược lại làn sóng chủ nghĩa dân tộc toàn cầu trước khi qua đời. Giờ đây, chính quyền Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump muốn chứng kiến một giáo hoàng bảo thủ hơn.
Đăng ngày: 28/04/2025

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, ngày 24/05/2017. REUTERS/Evan Vucci/Pool
Một trong những hình ảnh cuối cùng của giáo hoàng Phanxicô là một ngày trước khi tạ thế, ngài mỉm cười với J. D. Vance, phó tổng thống Hoa Kỳ, người đã gia nhập Công Giáo vào năm 2019. Sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin Lành ở bang Ohio, ông Vance là người ủng hộ một Công Giáo kêu gọi sự trở lại của một nước Mỹ bảo thủ, đồng nhất với ý thức hệ của Donald Trump, cách xa ý thức hệ của giáo hoàng Phanxicô hàng vạn dặm. Trong suốt thời gian làm giáo hoàng, ngài đã tìm cách chống lại sự ích kỷ của các quốc gia, thúc đẩy các nước tiếp đón di dân và hỗ trợ những người nghèo khổ. Về một số vấn đề xã hội, giáo hoàng Phanxicô đã bảo vệ tư tưởng tiến bộ tương đối, làm xáo trộn một Giáo hội vốn bảo thủ từ trước đến nay.
Ngay từ năm 2016, giáo hoàng Phanxicô đã công kích Donald Trump và chính sách di cư khắc nghiệt của ông khi tuyên bố : “Người muốn xây dựng tường mà không xây cầu thì không phải là người Công Giáo.”
Giáo hoàng quá cố cũng đã tìm cách ngăn chặn làn sóng dân tộc chủ nghĩa dân túy cả ở ngoài Hoa Kỳ. Đồng hương Achentina của ngài, tổng thống Javier Milei, đã gọi giáo hoàng Phanxicô là “kẻ ngốc”, coi ngài là “hiện thân của cái ác trên Trái đất”. Giáo hoàng cũng đã phản đối các lập trường gây tác hại đến môi trường của cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, đặc biệt trong khu vực Amazon. Cho đến lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng, giáo hoàng vẫn tỏ ra lo lắng về nỗi đau khổ của người Palestine, lên án cuộc chiến mà thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khơi mào ở dải Gaza.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ có một công cụ gây ảnh hưởng lớn đối với Tòa Thánh, đó là khoản tiền tài trợ hàng triệu đô la. Mặc dù Mỹ, quốc gia chủ yếu theo đạo Tin Lành, chỉ có “20,8%” tín đồ Công Giáo, nhưng các nhà tài trợ của họ lại chiếm gần 40% số tiền đóng góp cho Tòa Thánh, theo nhận định của nhà báo Christine Pedotti trên France 24 hôm 22/04.
France 24, ngày 25/04, có bài phỏng vấn Nicolas Senèze, phóng viên thường trú tại Vatican của nhật báo Công Giáo La Croix từ 2016 đến 2020 và là tác giả của cuốn “Comment l’Amérique veut changer de pape” (Hoa Kỳ muốn thay thế giáo hoàng bằng cách nào), kể về cách các nhóm vận động Mỹ đã tìm cách lật đổ giáo hoàng và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Phanxicô ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump. RFI xin giới thiệu.
Liệu Mỹ có phải là nhà tài trợ lớn nhất của Vatican ? Sức mạnh tài chính này có mang lại cho Hoa Kỳ tầm ảnh hưởng đặc biệt ?
Nicolas Senèze : Những con số mà chúng ta thường nhắc đến về tài trợ của Mỹ liên quan đến những gì gọi là “tiền quyên góp dành cho Thánh Phêrô”. Đây là cuộc quyên góp toàn cầu nhằm tài trợ cho các hoạt động của Tòa Thánh. Trong một thời gian dài, đúng là gần như một nửa số tiền đến từ Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây, các nguồn tài trợ đã trở nên đa dạng hơn. Vào năm 2023, theo báo cáo mới nhất từ nền tảng quyên góp chính thức của Vatican, Mỹ chỉ còn chiếm khoảng 28% số tiền quyên góp, nhưng vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất với 13 triệu rưỡi euro.
Cần phải nói thêm rằng tiền quyên góp dành cho Thánh Phêrô đạt khoảng 48 triệu euro vào năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tài chính của Tòa Thánh đến từ các khoản đầu tư tài chính và bất động sản, cũng như từ doanh thu từ các bảo tàng Vatican.
Vì vậy, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất đối với tiền quyên góp dành cho Thánh Phêrô, nhưng không phải là nguồn tài trợ chính của Vatican nói chung.
Sức mạnh tài chính này tuy nhiên có thể trở thành công cụ gây áp lực. Có thể sẽ hình thành một hình thức “bắt chẹt trợ giúp nhân đạo và tài chính”. Ví dụ, việc cắt giảm ngân sách của USAID đã tác động mạnh đến các hoạt động từ thiện của Giáo hội Công Giáo trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Washington có thể gây áp lực với các hồng y châu Phi và nói “các ngài hãy bỏ phiếu theo ý chúng tôi và các khoản tài trợ sẽ được khôi phục”.
Tôi rất ngỡ ngàng khi nghe các hồng y châu Phi kể lại rằng ngay từ thời tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã gây áp lực về những hỗ trợ nhân đạo đối với các vấn đề như phá thai. Đây là một kiểu bắt chẹt trợ giúp nhân đạo mà chính quyền Trump giờ đây vẫn áp dụng.
Làm thế nào phe bảo thủ Mỹ có thể tác động đến cuộc bỏ phiếu bầu giáo hoàng ?
Nicolas Senèze : Trong số 135 hồng y cử tri, tầm ảnh hưởng của các hồng y bảo thủ người Mỹ như hồng y Raymond Leo Burke khá hạn chế. Họ chỉ chiếm phần nhỏ và không có tầm ảnh hưởng thực sự để bầu ra một giáo hoàng có cùng chung quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có những cách khác để gây áp lực. Trong cuốn sách của mình, tôi kể về chiến dịch “Red Hat Report”, nhằm bôi nhọ hình ảnh của một số hồng y. Không loại trừ khả năng, trước thềm hội nghị, một hồ sơ về một hồng y nào đó có thể được công bố mà họ không thể phản bác. Với thời đại mạng xã hội, điều này khá dễ dàng. Các hồng y cử tri có thể nghĩ rằng “không có lửa thì không có khói”, và ứng viên đó sẽ bị loại.
Những người ủng hộ Donald Trump cũng kiểm soát hệ thống tình báo Mỹ và có thể dùng công cụ này chống lại một ứng viên nào đó. Đây là cách để gây áp lực với Mật nghị Hồng y, với mục đích bầu lên một vị giáo hoàng không nhất thiết phải là “người của họ”, nhưng ít ra là một người mềm mỏng, có thể kiểm soát được. Mục tiêu là loại bỏ tất cả những ứng viên có đủ bản lĩnh để duy trì những cải cách của giáo hoàng Phanxicô.
Mọi người đã thấy những nỗ lực kiểu này vào năm 2018. Giám mục Vigano, cựu đại sứ của giáo hoàng tại Mỹ, đã công bố một bức thư yêu cầu giáo hoàng Phanxicô từ chức, cáo buộc ngài là đồng phạm của hồng y McCarrick trong các vụ bê bối lạm dụng tình dục.
Giáo hoàng Phanxicô là người đại diện cho một Công Giáo đa văn hóa, trái ngược với KitôGiáo bản sắc mà phe bảo thủ ủng hộ Donald Trump thúc đẩy. Liệu tầm nhìn của ngài có thể tồn tại trong một thế giới ngày càng phân cực ?
Nicolas Senèze : Việc bầu chọn giáo hoàng Phanxicô đã xác nhận một sự chuyển biến dân số trong Giáo hội hướng về các quốc gia phương Nam. Theo tôi, đây là một trong những lý do chính giải thích các chống đối nhắm vào giáo hoàng Phanxicô : một phần của Công Giáo châu Âu rất khó chấp nhận rằng một người có thể theo Công Giáo mà không theo mô hình châu Âu.
Trong nhiều thế kỷ, châu Âu đã dẫn dắt Giáo hội, và ngày nay, một bộ phận Công Giáo ở châu Âu và Mỹ khó chấp nhận việc một tín đồ Công Giáo với những ảnh hưởng văn hóa từ Mỹ Latinh, châu Phi hay châu Á.
Giáo hoàng Phanxicô đã rất chú trọng đến Công Giáo đa văn hóa. Nhưng đối với những người mang tư tưởng phân biệt bản sắc, chủ nghĩa đa văn hóa là điều không thể chấp nhận. J. D. Vance là một ví dụ điển hình. Phó tổng thống Mỹ có những quan điểm trái ngược hoàn toàn với giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt là về tình yêu trong Kitô Giáo. Ông Vance bảo vệ ý tưởng phải yêu quý gia đình trước tiên, rồi đến cộng đồng, sau đó là đất nước và cuối cùng là những người xa lạ. Giáo hoàng Phanxicô đã đáp lại rằng hình mẫu của tình yêu Kitô Giáo chính là người Samari nhân lành, vượt ra khỏi vòng tròn này.
Giáo hoàng Phanxicô đại diện cho một Giáo hội mang tính toàn cầu, đa văn hóa, trong một thế giới đa cực. Nhưng giờ đây, thế giới không còn đa cực, ta thực sự thấy những đế chế đang được hình thành, trong khi ngài Phanxicô luôn từ chối trở thành “người làm từ thiện cho phương Tây”.
Đối với ngài, giáo hoàng phải là người lãnh đạo tất cả các tín đồ Công Giáo – người Nga, người Ukraina… – và không thể là một giáo hoàng của phe này chống lại phe kia. Ngài luôn chối bỏ những logic của đế chế hoặc cuộc đối đầu giữa các nền văn minh.
Ngày nay, tôi nghĩ rằng các hồng y có đủ tính đa dạng và chính họ đại diện cho những nền văn hóa cực kỳ khác biệt để không rơi vào cạm bẫy bầu ra một giáo hoàng chỉ đại diện cho một nền văn hóa duy nhất.