Nước Mỹ dân túy có mong kết thúc thương mại toàn cầu để đi đến tự cung tự cấp? – Jackhammer Nguyễn

Ba’o Tieng Dan

Jackhammer Nguyễn

5-4-2025

Con số 300 tỷ dollars là thặng dư mậu dịch trong lĩnh vực dịch vụ của nước Mỹ trong năm 2024. Con số này được báo New York Times trích dẫn từ các số liệu của chính phủ Mỹ. Và dĩ nhiên, thặng dư mậu dịch này không bao giờ được những người ủng hộ chính sách của tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nhắc tới.

Ông Trump và các đồng minh của ông cho rằng, Mỹ bị thâm thủng mậu dịch vì các quốc gia khác, đồng minh cũng như đối thủ, chơi xấu.

Thâm thủng mậu dịch mà ông Trump và các đồng minh đề cập là mậu dịch hàng hóa. Thặng dư mậu dịch của Mỹ là mậu dịch dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ bao gồm tài chính, thiết kế, phần mềm, công nghệ mới…

Dĩ nhiên là con số này chỉ chiếm khoảng ¼ số thâm thủng mậu dịch trong lĩnh vực hàng hóa (năm 2024), nhưng thặng dư mậu dịch dịch vụ tăng dần hàng năm: Năm 2021 thặng dư mậu dịch dịch vụ chỉ 21 tỷ dollars; năm 2022 là 23 tỷ; đặc biệt, từ năm 2022 sang năm 2023 có bước nhảy vọt, từ 23 tỷ lên 278 tỷ. Trong khi đó, thâm thủng mậu dịch hàng hóa có lúc tăng lúc giảm.

Điều này khẳng định Hoa Kỳ là cường quốc không có đối thủ trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực nhiều giá trị thặng dư nhất (added value, nói nôm na là có lời nhất), lĩnh vực tinh xảo nhất trong lịch sử sản xuất của cải của loài người.

Việc Hoa Kỳ liên tục gia tăng thặng dư mậu dịch dịch vụ và thâm thủng mậu dịch hàng hóa (lúc nhiều lúc ít), khẳng định một sự phân công của thế giới hiện đại, là Hoa Kỳ ngày càng đảm nhận vai trò dịch vụ, phần còn lại của thế giới, nơi nhiều nơi ít, đảm nhận vai trò sản xuất hàng hóa.

Chúng ta có thể ví nôm na như sau: Hoa Kỳ là khu thị tứ phồn thịnh, phần còn lại của thế giới là thôn quê, vất vả hơn, với câu so sánh mà người Việt hay nói, “giàu nhà quê không bằng lê la thành thị”.

Điều này dẫn tới việc Hoa Kỳ là quốc gia giàu có nhất trên thế giới, tính đến cuối năm 2024.

Thế nhưng, tại sao có nhiều người Mỹ không vui, không cảm thấy hạnh phúc, và họ đã ủng hộ tay dân túy Donald Trump thắng cử tổng thống? Sau vài tuần lễ cầm quyền đầy xáo trộn, và cuộc chiến thương mại do Trump phát động có nguy cơ gây suy thoái nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu, nhiều cử tri của ông ta đã lên tiếng, hay cắn răng, phản đối, nhưng vẫn còn nhiều người ủng hộ.

Có nhiều phân tích về nguyên nhân của việc này, kể cả những yếu tố tâm lý. Nhưng có lẽ yếu tố bình đẳng trong việc phân chia của cải đóng vai trò cao nhất về sự không hài lòng của người Mỹ.

Theo số liệu thống kê năm 2022, thì số người Mỹ giàu nhất, chiếm 10% dân số, nắm đến 69% của cải của nước Mỹ. Trong khi đó, số người nghèo nhất chiếm 50% dân số Mỹ, chỉ nắm 3% của cải.

Sự bất công này được Donald Trump và đồng minh lợi dụng một cách thành công, dán nhãn đảng Dân chủ đối lập là đảng của giới tinh hoa giàu có, còn đảng Cộng hòa là đại diện cho lớp thợ thuyền nghèo khổ.

Điều trớ trêu là, chính quyền hiện nay của Mỹ, do Donald Trump đứng đầu, lại là tập hợp của giới tài phiệt Hoa Kỳ, trong đó có người giàu nhất thế giới là Elon Musk, giữ vai trò cố vấn. Và Elon Musk cùng đám đàn em của ông ta đang ra sức đập phá các định chế nhà nước, các định chế có nhiệm vụ giúp đỡ những người nghèo khó, trong các chương trình thực phẩm, y tế, nông nghiệp…

Tệ hơn nữa, chính quyền Trump hiện nay đang âm mưu giảm thuế cho giới tài phiệt trong vòng 10 năm tới, và số tiền này sẽ được cắt ra từ ngân khoảng trợ cấp y tế dành cho người nghèo.

Đây có thể nói là cuộc lừa đảo vĩ đại, không kém cái gọi là “cuộc cách mạng tháng 10 Nga”, xảy ra cách đây hơn một trăm năm.

Steve Bannon, người được xem như lý thuyết gia của phong trào dân túy MAGA (Make American Great Again) do Trump dẫn đầu, từng công khai nói ông ta là một Leninist, sẵn sàng sử dụng những biện pháp bẩn thỉu nhất, phi dân chủ nhất như Lenin đã từng làm, để tranh đoạt quyền lực. Lenin là người sáng lập ra hệ thống các nước cộng sản toàn thế giới, nay đã sụp đổ.

Hôm thứ tư, ngày 2 tháng 4 năm 2025, Trump chính thức phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông ta nói rằng, quốc gia nào không muốn bị Mỹ đánh thuế mậu dịch thì hãy mở nhà máy sản xuất tại Mỹ. Câu nói này có ý nghĩa kết liễu thương mại thế giới. Thế giới sẽ là những quốc gia tự cung tự cấp, giống như những “pháo đài công nông lâm ngư nghiệp”, mà tay tổ cộng sản Việt Nam là Lê Duẩn đã tuyên bố sau năm 1975.

Hãy tưởng tượng một doanh nhân Việt Nam, hay Cambodia, mở nhà máy may quần đùi tại Hoa Kỳ, sản xuất quần đùi cho người Mỹ dùng!?

Trở lại vấn đề bất bình đẳng trong việc phân chia của cải ở Mỹ, cách thức để giải quyết hữu hiệu cho việc này có lẽ chỉ là hệ thống thuế và an sinh xã hội mà thôi. Nhưng đảng Dân chủ với những đề xuất tăng thuế lên giới tài phiệt đã thất bại, ý tưởng sâu rộng hơn nữa của thượng nghị sĩ Bernie Sanders và các đồng minh cấp tiến của ông là tăng thuế các tập đoàn kinh tế và tăng phúc lợi xã hội, trong đó quan trọng nhất là chăm sóc ý tế toàn dân, cũng đã thất bại.

Người Mỹ bị ám ảnh bởi các chính sách mang tính xã hội cấp tiến, mà giới tài phiệt hay dán nhãn là cộng sản, là độc tài, là xã hội chủ nghĩa, là toàn trị… thì nay họ có một nhà cầm quyền tài phiệt đang mong muốn đi đến toàn trị, từ văn hóa, khoa học cho đến kinh tế thương mại.

Tại Greenland, hòn đảo giàu tài nguyên mà Trump và các tài phiệt đồng minh mong chiếm hữu, dân chúng diễn dịch khẩu hiệu MAGA thành Make America Go Away.

YouTube player

 

Được xem 6 lần, bởi 6 Bạn Đọc trong ngày hôm nay