Bác Học CARREL với PHÉP LẠ LỘ ĐỨC

Bác Học CARREL với PHÉP LẠ LỘ ĐỨC

Alexis Carrel là một bác sĩ nổi danh người Pháp, từng được giải Nobel về y khoa vào năm 1912 vì đã sáng chế ra tim nhân tạo và mạch máu nhân tạo giúp giữ các phần cơ thể con người và thú vật được tiếp tục sống vô thời hạn ngoài thân thể. Ông cũng từng là một người hoàn toàn mất Đức Tin Công giáo.Nhưng sau đó nhờ Mẹ Maria, ông đã tìm lại được niềm tin này.

Dạo năm 1903 Alexis Carrel được một người bạn bác sĩ nhờ tháp tùng một đoàn hành hương Lộ Đức. Trên chuyến tàu hỏa có thiếu nữ Marie Bailly Ferrand, 24 tuổi, bị lao phổi ở thời kỳ chót và lại mắc thêm chứng bịnh sưng màng bụng  đau đớn. Cô đã được bác sĩ nổi danh tên là Broumilloux ở Bordeaux chữa trị mà không chút thuyên giảm. Bác sĩ Carrel cũng khám bịnh cho cô Marie Bailly. Đứng trước trường hợp vô phương cứu chữa của bịnh nhân, Carrel tự nhủ: “ Nếu người bịnh này mà được khỏi, thì thực có phép lạ. Tôi sẽ tin và sẽ đi tu.”

Đến Lộ Đức, cô Marie Bailly lại được bác sĩ Carrel  và một bác sĩ bạn khám nghiệm lần nữa. Khi họ sắp rời bịnh nhân thì một thiếu nữ xin phép mang cô Bailly đến hồ tắm nước suối hang đá Đức Mẹ. Bác sĩ Carrel vặn hỏi: “ Nếu cô ta chết dọc đường thì các người làm sao?”  Thiếu nữ đáp: “ Cô ta nài nỉ tôi mang cô ta nhúng xuống hồ tắm. Chính vì mục đích đó mà cô ta đã từ Bordeaux đến đây.” Bác sĩ Carrel và bác sĩ bạn tin chắc bịnh nhân không còn phương cứu chữa và có thể chết trong vòng một giờ. Nhưng nhờ sự can thiệp của một nữ tu, họ đành cho phép mang cô Marie Bailly đến hồ tắm. Carrel lại nói nhỏ vào tai bác sĩ bạn: “ Nếu cô này mà khỏi bịnh, tôi sẽ tin có phép lạ.”

Cô Bailly được khiêng trên cáng và được đắp chăn. Cái bụng to tướng phình lên và khuôn mặt nhợt nhạt. Cô được đưa vào trong hồ tắm. Nhưng một lát sau người ta khiêng cô ra và nói: “ Các nữ tu chỉ thấm nước rửa bụng sơ sơ cho cô mà thôi chứ không nhúng xuống hồ. Cô Bailly được khiêng đến trước hang đá Đức Mẹ. Bác sĩ Carrel và bác sĩ bạn cũng đi theo. Đôi mắt của Carrel vẫn không rời cô Bailly. Bất chợt Carrel tái mặt. Ông thấy cái bụng của cô Bailly dần dần xẹp xuống và nét mặt của cô không còn nhợt nhạt như trước nữa. Ông tiến lại gần bịnh nhân để bắt mạch và thấy tim cô đập đều hòa. Ông hỏi: “ Cô thấy thế nào?” Bịnh nhân đáp: “ Tôi thấy khỏe khoắn  mặc dù không được mạnh lắm nhưng tôi cảm thấy khỏi bịnh rồi, thưa bác sĩ.”

Bác sĩ Carrel chạy lại văn phòng y khoa, thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Bác sĩ giám đốc Boisarie yêu cầu đưa bịnh nhân trở lại dưỡng đường ngày hôm sau để tái khám.

Ngày hôm sau, cô Marie Bailly được chứng thực là khỏi bịnh hoàn toàn. Quá nửa đêm hôm đó bá sĩ Carrel đi bách bộ trước Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức và cuối cùng ông vào nhà thờ cầu nguyện với Đức Mẹ. Ông đã tìm lại được Đức Tin và trong 42 năm còn lại của cuộc đời bác sĩ Carrel đã không ngừng làm chứng cho niềm tin Kitô ấy.

Ký sự của ALEXIS CARREL

Sưu tầm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay