Thư viết cho con
Tạp ghi Huy Phương
Thay vì nhận những lời chúc tụng từ con,
ba muốn dành một khoảnh khắc ngắn ngủi
để cám ơn những gì con đã đành cho ba mẹ.
Câu hỏi con vẫn thường đặt ra với ba, là sang đây, con “không được thành đạt như con cái của bạn bè ba, vậy ba có buồn không?”
(Hình minh họa: Jamie Squire/Getty Images) |
Hình như ba đã trả lời với con rồi, nhưng hôm nay, nhân ngày Nghiêm Phụ, ba muốn nói với, không những riêng con, mà với tất cả các con, sau này là những đứa cháu của ba nữa.
Về chuyện “thành đạt,” Dale Carnegie đã nói, “Thành công là đạt được những gì mình mong muốn. Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được.” Như vậy thì con đã “thành đạt” rồi. Theo cha mẹ sang đây, bù lại tuổi ấu thơ nhọc nhằn, con chỉ muốn có công ăn việc làm, được một mái ấm gia đình. Ðạt được những mong muốn đó, chắc chắn là hạnh phúc đã đến với con.
Nhưng thói đời, người ta quan niệm thành đạt là:
– Có được bằng cấp cao, có địa vị trong xã hội.
– Phải được nhiều người biết đến vì sự giàu có, sang trọng của mình.
– Phải được xã hội trọng vọng kính nể
– Phải có quyền lực qua quan hệ với những người trong cộng đồng hay trong cả nước.
Khi xã hội trầm trồ về một trường hợp thành đạt, phải hiểu rằng người ấy đỗ đạt cao, có những tước vị như bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư… hay là những thương gia thành công có nhiều công ty, nhà máy, được gọi là triệu phú, đại gia. Người thành đạt phải kéo theo những điều căn bản cần phải có theo họ như một hay nhiều ngôi nhà lớn, đẹp; xe hơi đời mới; những bộ cánh sang trọng; những buổi tiệc tùng xa hoa và những chuyến du lịch đắt tiền.
Không có nó, không ai xem họ là những người thành đạt, vì người thành đạt không thể ở trong một căn apartment nhỏ hẹp hay đi một chiếc xe cũ tồi tàn.
Quan niệm đó được tiếp nối, con cái họ cũng phải được như họ, nếu không, sẽ không được gọi là một gia đình thành đạt, nếu cha là giáo sư đại học mà con làm công nhân trong nhà máy hay lái taxi.
Người ta thường nói, “chỉ có người hèn, chứ không có nghề hèn!” Ba biết, nói để an ủi, chứ xã hội xếp hạng tầng lớp theo nghề nghiệp. Con cứ nhìn một công nhân làm đường có được người ta xem trọng như một vị giám đốc công ty, một ông dân biểu hay một ông bác sĩ không? Trong quân đội cũng vậy, làm sao người ta coi trọng một binh sĩ hơn một tướng lãnh.
Có phải con suy nghĩ và có mặc cảm về sự thành đạt theo quan niệm này phải không?
Trước hết dưới cái nhìn và tấm lòng của những bậc cha mẹ công bình và đạo đức, một đứa con mạnh khỏe, thành đạt hay một đứa con bệnh hoạn, kém may mắn đều được xem như nhau, có khi còn ưu ái hơn.
Ba muốn dông dài kể câu chuyện ngụ ngôn về Ðứa Con Trai Hoang Ðàng (The Prodigal Son) là một trong những câu chuyện trong Kinh Thánh được yêu thích nhất.
Một người kia có hai con trai, đứa con thứ hai muốn nhận lãnh gia tài phần nó trước khi người cha qua đời. Sau khi nhận phần gia tài của mình, đứa con này bỏ nhà ra đi, tiêu xài phung phí, ăn chơi đọa lạc, cho đến lúc tiền bạc khánh kiệt, thậm chí có lúc đói, phải kiếm miếng ăn trong cái máng heo của người lái heo nó giúp việc.
Một này kia, đứa con hoang đàng quyết định trở về với mái ấm gia đình và thưa với cha rằng, “Cha ơi, tôi thật có tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha hãy tha thứ cho con.”
Nhưng trước đó, trông thấy đứa con trở về từ đằng xa, người cha đã chạy đến ôm lấy con, hôn con, khoác cái áo choàng tốt nhất cho con, đeo nhẫn vào tay con, mang giày vào chân con, và sai gia nhân giết bò để ăn mừng đứa con trở về.
Người con trưởng lâu nay ở cạnh cha có vẻ bất bình, thì người cha nói, “Lâu nay ta nghĩ đứa con này như đã chết, mà bây giờ lại sống; nghĩ đã mất mà bây giờ lại thấy được. Có còn gì vui sướng hơn.”
Ba mẹ đã có một đứa con mất, ra đi biền biệt, không bao giờ tìm thấy lại được, nhưng vẫn còn những đứa con khác còn sống ở cạnh, đó chẳng phải là điều an ủi, hạnh phúc của ba mẹ hay sao?
Ngày ba phải vào nhà tù tập trung, mẹ và các con bỗng hụt hẫng, như con thuyền ra biển gãy tay lái, thành ngữ đúng nhất trong lúc này là “nhà không nóc,” gia đình như con thuyền trôi giạt trên biển cả mênh mông, không biết phương hướng, rồi sẽ về đâu!
Mới lên 8 tuổi, tuổi cắp sách đến trường, chưa bao giờ biết đến những nghịch cảnh của cuộc đời, con thấy buồn vì những ngày không có cha, thời gian kéo dài tưởng như vô tận. Con mặc những chiếc áo cũ đã bạc màu của chị con để lại, con mang đôi dép dài hơn bàn chân của con, con chịu đói, thèm những bữa ăn no như ngày xưa, nhưng con thương mẹ hơn mỗi chiều, khi con vụng về lau nước mắt cho mẹ, và gia đình ít khi còn nghe được tiếng cười. Con quay mặt đi khi thấy những gia đình khác còn có cảnh cha con thân mật, nô đùa.
Vì lòng thương mẹ, con đã không ngần ngại, không mặc cảm, lớn mạnh, can đảm ra đời để giúp mẹ. Nhà không có tiền mua than củi, con đã theo bạn bè mỗi ngày ra bến xe than, nơi những chiếc xe từ miền Ðông chở than về vựa, quét hốt những mẩu than vụn rơi rớt trên đường để chiều nay mẹ nhúm được bếp lửa cho bữa cơm (?) vắng bóng cha.
Con có thể bưng rổ khoai luộc đi quanh xóm hay mớ rau muống được bà ngoại mua về, đi rao cùng xóm để đem về cho mẹ một hai đồng bạc lời, để chiều nay gia đình có thêm được một miếng mì luộc, dù không đủ no.
Những ngày đầu khi gia đình được may mắn đến đây, con cũng chưa biết gì với những niềm vui tự do và hạnh phúc của nước Mỹ, suốt ngày ngồi bên chiếc máy may, để cuối tuần kiếm mấy chục bạc giúp gia đình đứng vững.
Chỉ ngần ấy việc làm của con, ba còn mong đợi, đòi hỏi gì nơi con vì con thành đạt hay không thành đạt theo sự suy nghĩ thông thường của người đời.
Ba mong sau này, con cũng đừng đòi hỏi gì nhiều ở nơi các con của con, như thảm kịch xảy ra cách đây vài năm của một gia đình, mà một bà mẹ chỉ muốn con mình trở thành bác sĩ. Hẳn bậc cha mẹ nào cũng mong cho con thành đạt, nhưng ba có một người bạn giao du đã hơn 10 năm, mà hoàn toàn không biết người này có đến hai người con, một là luật sư, một là bác sĩ, trong khi đó, phải cuối tháng này, lễ tốt nghiệp mới được tổ chức, mà trên mặt báo đã có những bậc cha mẹ vội vã chúc mừng con.
Trong bệnh viện cũng như ngoài đời, nếu ai cũng làm bác sĩ thì còn ai lo cho những công việc khác. Dù có thành đạt người ta cũng đừng nên ngẩng mặt quá cao, hay gọi là thất bại, cũng không nên cúi đầu quá thấp. Thái độ nào cũng dễ làm cho người ta vấp té.
Trong cuộc sống đơn giản, ít ra con cũng đạt được những gì mình mong muốn, đó là hạnh phúc. Ba còn mong muốn gì hơn nơi con.
Hôm nay ngày Lễ Cha, thay vì nhận những lời chúc tụng từ con, ba muốn dành một khoảnh khắc ngắn ngủi để cám ơn những gì con đã dành cho ba mẹ.
Cha của con.