Phạm Minh Chính tới Ba Lan sợ hai từ “cộng sản”

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Văn Khánh

19/01/2025

Hình ảnh biểu ngữ và 1 nhân viên an ninh

Cuộc viếng thăm chính thức Ba Lan của thủ tướng cộng sản Việt Nam Phạm Minh Chính được chính quyền Ba Lan tiếp đón trọng thể như nguyên thủ quốc gia.

Trước kia khi Ba Lan còn là nước cộng sản có quan hệ hữu nghị truyền thống với chính quyền cộng sản Việt Nam từ năm 1950 khi hai nhà nước có quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.

Rút kinh nghiệm của cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây gần chục năm gây nhiều scandal cho cộng đồng hải ngoại ở Séc, lần này ông Chính sang Ba Lan chuẩn bị kỹ lưỡng về lời ăn tiếng nói, ông ta có bộ phận giúp việc ở đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và hội người Việt, cánh tay nối dài của đảng cộng sản, trong các cuộc gặp gỡ, ông Chính tránh nói đến từ “cộng sản”, hoặc nói đến dân chủ tự do.

Ông ta biết ở Ba Lan dân chúng ghét chế độ độc tài cộng sản, không cho xuất hiện đảng đối lập mang tên cộng sản ở Ba Lan, điều này trước khi sang đây ông Chính và đoàn người theo ông ta đều học thuộc lòng, tránh làm trò cười trước bàn dân thiên hạ.

Ông ta khôn khéo biết tâm lý của người dân Việt Nam đang làm ăn ở Ba Lan cần giấy tờ hợp pháp ở nước sở tại và đề nghị chính quyền Ba Lan công nhận cộng đồng người Việt là một dân tộc thiểu số ở Ba Lan, khi đó người Việt sẽ được cấp quốc tịch dễ dàng hơn, tất nhiên khi nói chuyện với Phạm Minh Chính lãnh đạo Ba Lan không nói gì đến trả tự do hàng trăm tù nhân chính trị tại Việt Nam, thủ tướng Tusk với tài ngoại giao muốn quan hệ kinh tế hai chiều trị giá 5 tỷ đô la xuất nhập khẩu và nâng quan hệ đối tác chiến lược.

Chính quyền Ba Lan cũng chưa có vị thế như Đức, Anh , Pháp… can thiệp nhân quyền ở Việt Nam, gây áp lực đòi trả tự do một số tù nhân mà họ muốn bảo lãnh.

Tất nhiên người lao động Việt Nam chỉ cần kiếm tiền, có giấy tờ định cư đi về giữa hai nước thuận tiện, không bị chính quyền cộng sản gây khó dễ, người dân rất thực dụng, vì thế một số người trong cộng đồng săn đón Phạm Minh Chính khá ồn ào theo văn hóa á Đông khổng giáo cộng, tức là phù thịnh, không phù suy, không cần biết chính quyền cộng sản đàn áp khốc liệt quyền con người ở Việt Nam, cấm tự do ngôn luận, cấm các hội đoàn xã hội dân sự độc lập, duy nhất đảng cộng sản hoạt động và phát triển vô tội vạ.

Mặc dù vậy vẫn có nhóm hoạt động dân chủ do cô Tôn Vân Anh muốn truyền đạt thông điệp tới ông Phạm Minh Chính với tư cách thủ tướng hãy trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị tại Việt Nam ngay trong Tết Nguyên đán sắp tới,đây là việc làm thiết thực nhất khi ông ta phát biểu đao to búa lớn ở giảng đường đại học Tổng hợp Warszawa.

Lo sợ quá mất khôn, một số an ninh trong sứ quán dùng sức mạnh cơ bắp xô đẩy những người đối lập và bị phản đối gay gắt khi các nhân viên an ninh Ba Lan cho là không cần thiết, lúc đó biết cộng sản rất sợ bị bóc tẩy đàn áp nhân quyền trong nước bằng khẩu hiệu với các hình ảnh tù nhân in trên băng rôn trước giảng đường đại học Tổng hợp Warszawa.

Người dân Việt Nam ở Ba Lan khoảng gần 30 nghìn người, chủ yếu buôn bán nhỏ, làm quán, làm nail, phần lớn họ không hiểu gì về chính trị, họ có ghét cộng sản cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì cuốn hộ chiếu về quê hương mình, nếu sứ quán làm khó dễ cho họ.

Người dân Ba Lan rất dị ứng với từ “cộng sản” và “độc tài cộng sản” vì trải qua chế độ này ở Ba Lan với sự đàn áp và chết chóc thời chiến tranh lạnh với chế độ Xô Viết giết chết hàng triệu người Ba Lan thời thế chiến thứ hai và sau này khi chế độ cộng sản Ba Lan được thiết lập tới năm 1989 thì bị xóa sổ.

Một số người Việt Nam rất thích sống trong xã hội dân chủ tự do Ba Lan có quốc tịch nước sở tại, khá thành công nhưng vẫn thần tượng lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua sự kiện đón tiếp ông Phạm Minh Chính.

Ở đây có thể giải thích bằng tính thực dụng, tính hẹp hòi ích kỷ của người Việt Nam dù ở nước dân chủ mấy chục năm vẫn ôm chân độc tài lấy hư danh cho mình một cách vô thức, họ không biết sẽ cản trở con đường dân chủ hóa Việt Nam cho bằng bạn bằng bè như Ba Lan ngày hôm nay.

19/1/2025


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay