Sự ‘tuyệt chủng’ của tư bản tử tế-Trúc Phương/Người Việt

Ba’o Nguoi-Viet

January 9, 2025

Trúc Phương/Người Việt

Chưa bao giờ mà giới tư bản Mỹ chứng kiến sự nhố nhăng, lố bịch và sa đọa như lúc này. Thời của những tỷ phú với các hoạt động từ thiện tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến giảm nghèo – thậm chí giúp định hình chính sách công – đã qua.

Ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, trước đó cúi đầu tuân theo chính sách kiểm duyệt của nhà cầm quyền Việt Nam và nay thì quyết định bỏ việc kiểm chứng sự thật tại Mỹ để phù hợp với yêu cầu của ông Donald Trump, tổng thống đắc cử. (Hình: Drew Angerer/AFP via Getty Images)

Bây giờ là thời của sự thô bỉ trắng trợn khi ngày càng có nhiều nhà tư bản sẵn sàng hợp tác với chính quyền độc tài, như trường hợp ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cúi đầu tuân theo chính sách kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản Việt Nam.

Nhắc lại vài huyền thoại tạo nên giá trị Mỹ

Bây giờ là “kỷ nguyên” của sự gieo rắc hỗn loạn khi có những kẻ như ông Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, ủng hộ chủ nghĩa cực hữu và cổ xúy việc đàn áp và phá hoại nền móng dân chủ thế giới (những phát biểu của ông Musk nhằm vào chính giới Âu Châu đang khiến Âu Châu cực kỳ bất bình).

Đây cũng là thời của tư bản xu nịnh và luồn cúi chính quyền – chuyện trước nay chỉ xảy ra ở các nước như Nga, Trung Quốc hay Việt Nam… Tất cả giá trị đạo đức kinh điển mà giới tư bản Mỹ từng vun đắp suốt chiều dài lịch sử và tạo nên sự vĩ đại khác biệt so với phần còn lại của thế giới đang biến mất rõ rệt.

Mỹ có thể không là nơi khai sinh khái niệm đạo đức doanh nghiệp nhưng chắc chắn là nơi từng đi đầu trong việc khuếch trương tinh thần trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp và giá trị đạo đức của đồng tiền. Nước Mỹ từng có một thời – cách đây không lâu -mà giới tư bản sử dụng đồng tiền một cách có đạo đức, có tâm hồn, thông qua hành động từ thiện, hơn là chăm bẳm vun vén cho cá nhân (và sử dụng ảnh hưởng để biến công ty thành công cụ chính trị).

Đơn cử ông Bill Gates, cựu tổng giám đốc Microsoft. Cùng với vợ cũ, Melinda Gates, ông Gates đã sáng lập Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Năm 2010, ông Bill Gates – cùng với tỷ phú Warren Buffett – khởi xướng The Giving Pledge, một cam kết kêu gọi các tỷ phú trên thế giới hiến tặng ít nhất 50% tài sản cho các mục đích từ thiện. Tính đến nay, hơn 230 tỷ phú đã tham gia.

Một trong những đóng góp lớn nhất của ông Bill Gates là lĩnh vực y tế. Quỹ Gates đã đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và phát triển vaccine, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Những tác động cụ thể gồm: Hỗ trợ tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em do các bệnh như bại liệt và sởi; tài trợ hơn $2 tỷ cho các nỗ lực phát triển và phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước nghèo; đầu tư nghiên cứu việc giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét. Quỹ Gates cũng đầu tư vào các chương trình nông nghiệp ở Phi Châu, giúp hàng triệu nông dân tăng năng suất và cải thiện thu nhập…

Còn nhiều gương mặt nữa ít được biết hơn. Ông Chuck Feeney (1931-2023) chẳng hạn. Ông Feeney – với gia sản $4 tỷ – luôn mua quần áo giảm giá, dùng bao nylon đựng giấy má đi làm thay vì cặp da (!), sắm kính ở tiệm thuốc tây hơn là tại các cửa hàng mắt kính hàng hiệu, đeo đồng hồ nhựa rẻ bèo $15 và tất nhiên chẳng bao giờ màng đến việc đi máy bay hạng ghế cao cấp. “Tệ” hơn, ông Feeney thậm chí không có nhà và xe riêng! Ông từng nói với bạn bè rằng tại sao người ta cần đến hơn một đôi giày. Khi đến New York, ông ăn tối bằng cách mua gà rán ở vỉa hè.

“Thật luôn khó cho tôi khi cố hiểu tại sao người ta cần đến ngôi nhà 32,000 foot vuông (gần 3,000m2) hoặc khi có ai đó chở tôi trong chiếc Cadillac sáu cửa, bởi ghế của nó có khác gì ghế trong taxi đâu! Bạn có thể sống thọ hơn nếu đi bộ!” ông Feeney nói, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với tờ BusinessWeek.

Từng kiếm sống bằng nghề bán rượu miễn thuế (thành lập công ty Duty Free Shoppers Group), ông Feeney tích cóp để lập tổ chức từ thiện Atlantic Philanthropies mà theo bài viết của ký giả Jim Dwyer trên New York Times, ông Feeney đã trao $458 triệu cho mục đích từ thiện trong năm 2006, hơn bất kỳ tổ chức từ thiện nào tại Mỹ trừ Tổ Chức Ford và Bill and Melinda Gates Foundations.

Tính từ năm 1982, ông Feeney đã âm thầm trao $4 tỷ trích từ tài sản mình, với vô số dự án trong đó có chương trình tài trợ bệnh xá AIDS ở Phi Châu, nghiên cứu ung thư tại Úc, chỉnh hình biến dạng mặt trẻ em tại Philippines…

Rockefeller là một cái tên nữa không thể không nhắc. Nếu điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá, tài sản mà tỷ phú huyền thoại John Davison Rockefeller tích cóp được là nhiều nhất mọi thời. Trước và sau ông vẫn không có người nào trên thế giới giàu bằng ông! Cho đến khi chết năm 1937, giá trị tài sản của trùm dầu hỏa Rockefeller là $1.4 tỷ trong khi GDP Mỹ thời điểm đó là $92 tỷ (tức bằng 1/65 GDP quốc gia; so với 1/152 GDP của Bill Gates vào thời điểm hoàng kim năm 2006).

Đóng góp từ thiện hào phóng vào những năm sau này khi đã trở thành người giàu nhất thế giới của ông Rockefeller đã bắt đầu từ văn hóa giáo dục gia đình. Từ thuở thiếu thời, ông Rockefeller đã quen và thuộc nằm lòng những bài “nhật tụng” của bố mẹ về đạo đức và tinh thần hiếu học. Không chỉ nói suông, họ còn thực hành bằng cách dạy bọn trẻ cách làm những món quà nho nhỏ cho nhà thờ để tặng người nghèo. Dưới sự hướng dẫn của cha, cậu bé Rockefeller còn lập cả những quyển sổ ghi chép lại cẩn thận từng đồng được cho cũng như từng xu được xài.

Một trong những quyển như vậy còn được giữ lại, “Ledger A” (tập sổ cái A), cho thấy cậu bé Rockefeller đã tẩn mẩn ghi lại mọi khoản chi tiêu, trong đó có nhiều phần được chú là “làm từ thiện.” Tìm được quyển tập nhỏ vào 25 năm sau trong đống giấy tờ cũ, ông Rockefeller nhớ lại cách sống cần kiệm thời ấu thơ, như những hồi ức đẹp đẽ về nền tảng giá trị giáo dục gia đình. “Ledger A” cho thấy cậu trai nhỏ Rockefeller đã tặng 1 xu cho lớp giáo lý vào mỗi chủ nhật; và trong một tháng, có những đoạn ghi việc tặng 10 xu cho các giáo đoàn nước ngoài; 50 xu cho giáo đoàn Mite Society; 12 xu cho giáo đoàn Five Points tại New York; 35 xu cho thầy dạy giáo lý; 10 xu cho người nghèo trong giáo xứ…

Ông Rockefeller đã để lại lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt. Ông đã miệt mài làm từ thiện ở cái thời mà khái niệm “trách nhiệm cộng đồng” của công ty vẫn còn chưa ra đời. Số tiền làm từ thiện của ông Rockefeller còn nhiều hơn cả vua thép Andrew Carnegie – một gương mặt huyền thoại với dấu ấn đậm nét không thua mấy so với ông Rockefeller, vốn nổi tiếng sống vì cộng đồng với tổng số tiền dùng cho từ thiện lên đến $350 triệu.

Từ năm 1855-1934, ông Rockefeller tặng quà cho các tổ chức từ thiện lẫn tổ chức giáo dục với tổng giá trị lên đến $530,853,632 (gửi đến Tổ Chức Rockefeller; General Education Board; Laura Spelman Rockefeller Memorial và Viện Nghiên Cứu Y Học Rockefeller). Đó là chưa kể số quà trị giá hơn $34 triệu cho Đại Học Chicago; cho các giáo hội Tin Lành; cho các tổ chức Thanh Niên Công Giáo (YMCA và YWCA); cho các đại học Yale, Harvard, Columbia, Brown, Bryn Mawr, Wellesley và Vassar…

Sự sụp đổ của lương tri và sự trỗi dậy của ma quỷ

Nhắc lại chuyện từ thiện của các nhà tư bản huyền thoại một thời để một lần nữa thấy rằng việc kiếm tiền và làm giàu là một chuyện; và việc lưu lại lịch sử tên tuổi mình như một tỷ phú có đạo đức và có trách nhiệm với xã hội là chuyện khác. Làm từ thiện thật ra chỉ là một phần. Phần lớn hơn của câu chuyện là thái độ sống, cách sống, khả năng truyền cảm hứng và thông điệp đạo đức từ hành động và lời nói của họ mang lại. Trên thế giới xưa cũng như nay, bất luận xu hướng như thế nào, việc hành xử “vì nhân loại” luôn là điều đáng được tôn trọng. Bất kỳ ông trùm doanh nghiệp nào xây dựng tốt tên tuổi trong hoạt động xã hội cộng đồng cũng ảnh hưởng hình ảnh quốc gia họ.

Và nhà doanh nghiệp có sức ảnh hưởng nào cũng có thể khiến quốc gia “nhục nhã” nếu bất chấp yếu tố đạo đức kinh doanh, trong một thế giới mà sự thật dễ dàng bị bóp méo trên các mạng xã hội; và đặc biệt khi mạng xã hội được chính ông chủ của nó vừa kiếm tiền vừa lợi dụng nó để xây dựng quyền lực chính trị bằng những hành động thấp kém như ngoan ngoãn luồn cúi và lộ liễu “bưng bô.” Ông Bill Gates hay rất nhiều tỷ phú Mỹ khác trước ông hoặc cùng thời với ông không chỉ xây dựng được đế chế doanh nghiệp khổng lồ mang lại sự giàu có cho cá nhân và sự thịnh vượng cho kinh tế quốc gia mà còn kiến tạo được những giá trị nhân loại phổ quát đáng lưu lại trong sử sách mà không hề cần “dựa hơi chính quyền” hoặc khom lưng “hôn nhẫn” chỉ để được “vua” xoa đầu.

Bình luận về sự kiện ông Mark Zuckerberg quyết định bỏ việc kiểm chứng sự thật trên mạng xã hội Facebook, cây bút Chris Stokel-Walker của The Guardian viết rằng điều này dẫn đến một “kỷ nguyên mới của dối trá” và đó là báo hiệu sự “tuyệt chủng” của sự thật trên không gian mạng xã hội. Không chỉ là sự “tuyệt chủng” của sự thật, nó còn là sự “tuyệt chủng” của thế hệ tư bản tử tế và có liêm sỉ một thời giúp tạo nên những giá trị nhân bản vĩ đại cho nước Mỹ mà thế giới từng khâm phục. Đó là một dấu chỉ nữa cho thấy có rất nhiều giá trị Mỹ đang chết đi và thời của âm binh đang vén màn. [qd]


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay