Nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/10:
“Hạ tầng do thám trên đảo Tri Tôn cũng giống như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông và cho thấy họ đang ngày càng áp đảo về năng lực radar trên tuyến hàng hải này. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giám sát hầu hết những chuyển động trên biển hoặc trên không ở Biển Đông và có thể đáp trả theo cách mà mình muốn.”
Uy lực của hệ thống radar SIAR
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks, nhà nghiên cứu từ Rand Corporation, ngày thứ Bảy 26/10 bình luận với BBC News Tiếng Việt về khả năng SIAR có thể phát hiện được máy bay và các thiết bị tàng hình.
“Hệ thống radar SIAR hoạt động trong dải vô tuyến tần số rất cao (VHF).”
“Khả năng phát hiện của radar VHF bị hạn chế bởi ‘bước sóng dài’ của nó cũng như các tín hiệu cạnh tranh, các sự can thiệp điện từ và tầng điện li rời rạc.”
“Tuy nhiên, từ những năm 1990, các chuyên gia Trung Quốc đã tinh chỉnh SIAR thành một thiết bị dò VHF chính xác, một nền tảng thu thập thông tin tình báo và hệ thống dẫn đường tên lửa.”
“Nếu đúng như vậy thì, về mặt lý thuyết, SIAR có thể vượt qua khả năng chống ‘radar băng tần UHF, L và S’ của các chiến đấu cơ tàng hình. Các kỹ sư phương Tây đã tập trung vào việc phát triển các hệ thống chống radar cho các băng tần vi sóng này do những hạn chế từ trước đến nay của VHF.”
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng SIAR có thể có sức mạnh “răn đe đáng kể”:
“Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản, tất cả đều vận hành máy bay tàng hình F-35 (và Mỹ còn có F-22). Những loại máy bay này có thể tiếp cận Biển Đông thông qua hệ thống định vị tiền phương trên bộ và trên biển (chẳng hạn tàu sân bay, lãnh thổ các nước đồng minh và đối tác). Do đó, chỉ cần sự hiện diện của SIAR thôi thì cũng đã có thể đóng vai trò răn đe đáng kể rồi.”
“Hệ thống SIAR có khả năng tích hợp với các hệ thống điện từ khác để tạo ra một mạng lưới răn đe đa miền linh hoạt. Hệ thống này có thể cho phép Trung Quốc tạo một hàng rào bao bọc ranh giới yêu sách đường 10 đoạn trên Biển Đông, một yêu sách rộng lớn điên rồ và thiếu căn cứ, xâm phạm UNCLOS và các luật quốc tế liên quan.”
…
Theo Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins (Mỹ) năm 2020, SIAR phát ra “một lượng năng lượng tương đối lớn”.
Một số nghiên cứu đã xác định radar là nguồn chính của các trường bức xạ cường độ cao có thể gây nhiễu cho hệ thống điện tử hàng không, dẫn đường và thông tin liên lạc của máy bay.
Tiến sĩ Benjamin J. Sack cho biết SIAR có thể tạo nguy cơ đáng kể cho máy bay dân dụng.
“Mạng lưới SIAR đang ngày càng được tăng cường của Trung Quốc có thể tạo thêm một rào cản nữa cho máy bay dân dụng nào muốn đi vào vùng trời đông đúc trên Biển Đông, nơi ngày càng nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc,” ông nói thêm.