Bố
VRNs ( 24.04.2014) – Sài Gòn- Nhà tôi ở bên bờ sông. Sau nhà, những chiếc xà-lan gầm rú, những chiếc vỏ lãi nhỏ nhắn mỏng manh suốt ngày xuôi ngược trên sông, chở đầy ăm ắp những cây củ quả, những hàng nông sản chắc là cây nhà lá vườn. Chiếc ô-bạc-lơ bông bí đặt trên mũi đò mở hết công suất:
– Mười ngàn ba kí bắp cải, bắp cải ba kí mười ngàn.
– Ai hành hẹ, dưa leo, củ sắn, dừa tươi, dừa khô, củ cải trắng, củ cải đỏ, khoai lang, dưa hấu hôn?
Trước nhà, tiếng hú của xe cứu thương, tiếng còi giành đường inh ỏi, tiếng xe tải rầm rập. Và tiếng rao của những chiếc loa vuông trên những chiếc xe gắn máy cũ không thể cũ hơn:
– Sò huyết, sò vôi, sò cò, sò lông đây.
– Giấy thơm chùi miệng chùi tay một cây mười ngàn, bà con cô bác ơi.
– Mua ti-vi, ăm-li, tủ lạnh đây.
Và nhất là bài thuyết minh dài dằng dặc về tiến bộ của khoa học. Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta đã phát minh ra và đưa vào sử dụng sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường không gì hơn được. Kết luận:
– Keo dính chuột, keo dính ruồi đây.
Bấy nhiêu thứ âm thanh (gọi là tiếng động có vẻ chính xác hơn) xô bồ, suốt ngày đêm ra rả tra tấn thính giác con người, làm tôi muốn điên lên. Rồi mất ngủ, rồi thao thức, nhớ linh tinh đủ thứ chuyện, đủ thứ người. Rồi nhớ da diết một người: Bố. Bố nuôi tôi bằng nghề hàn nồi niêu soong chảo lu khạp của bố. Lời rao hàng của bố không có máy tăng âm, không thét vào tai người ta, nhưng ai đã nghe qua một lần là nhớ ngay, không quên được, vì nó buồn buồn, lại vui vui, nghĩa là buồn cười:
– Hàn nồi hàn niêu, hàn cả tình yêu, hàn cả cuộc đời. Hàn niêu hàn nồi, hàn luôn con người, hàn cả trái tim.
* * *
Từ khi lên lớp mười, tôi đã được nghe người ta nói gần nói xa, bóng gió rằng tôi là con nuôi. Các cô các dì tôi thường lườm nguýt:
– Anh nuông chiều nó quá. Nó lớn rồi, anh phải bảo ban dạy dỗ nó, phải nghiêm khắc mới được. Anh không nhớ cha chúng mình thường nói: “Yêu cho roi cho vọt” hay sao?
Tôi trốn học, nhà trường gởi giấy báo về nhà, bố giận lắm. Hôm ấy bố không ăn uống gì. Bố quăng tờ giấy báo đóng dấu đỏ chót của nhà trường lên bàn học của tôi. Tôi thấy rõ bố nén cơn giận:
– Con trả lời bố thế nào đây?
Tôi nói dối, bào chữa:
– Buổi trưa cô giáo dạy môn Tiếng Anh tổ chức mừng sinh nhật, tụi con về trễ 15 phút, cô chủ nhiệm không cho vào lớp.
Cơn giận của bố bùng nổ. Tuy nhiên tôi thấy bố cũng còn cố kiềm chế:
– Con trốn học ngày 2 tháng 3. Sinh nhật cô Nguyễn Thị Mông Triệu dạy môn Tiếng Anh ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Con nỡ lòng nào nói dối bố? Hôm nay bố phạt con không phải vì con trốn học, cũng không phải vì tờ giấy báo kia, mà vì con nói dối bố. Đó cũng là phạt chính bố đã không dạy dỗ con thành một người chân thật. Con lên giường, nằm sấp xuống, bố đánh con ba roi.
Bố thẳng tay vụt cái roi trúc lên người tôi. Đau quá, không chịu nổi. tôi gào toáng lên. Bố ném chiếc roi vào góc nhà, nói cộc lốc:
– Còn hai roi. Để đấy. Cho nợ.
Tôi thấy bố lấy tay áo lau nước mắt. Tôi biết, từ nay, tôi không nỡ, không nên mà cũng không thể nói dối bố được nữa.
Chiều, hàng xóm láng giềng xì xầm với nhau:
– Lão già ác thật, đánh con bé đến không đi nổi, đau đến độ nó phải khóc thét lên, cả xóm nghe thấy. Rõ là khác máu tanh lòng.
Đêm, tôi gục mặt vào gối, khóc thầm cho thân phận mình. Tôi nhất quyết phải hỏi bố cho ra lẽ. Hôm sau, tôi xin lỗi bố, rồi hỏi:
– Bố cho con hỏi hai câu, bố đừng giấu con: Thứ nhất con có phải là con của bố không? Thứ hai…
– Bố biết câu hỏi thứ hai rồi.
Khuôn mặt bố căng ra, có vẻ rất nghiêm trọng:
– Bố chờ đợi câu hỏi này của con từ lâu lắm rồi. Bố hỏi con: Có khi nào con không là con của bố không? Thế này nhé! Bố hứa sẽ nói tất cả khi con khôn lớn, vào một dịp đặc biệt nào đó, ngày con vào đại học chẳng hạn (bố con mình ấn định luôn, ngày con vào đại học nhé!). Lúc ấy con đã trưởng thành. Còn bây giờ, nhiệm vụ của con là học và học được không?
* * *
Tôi trúng tuyển kỳ thi vào đại học. Đó là ước mơ của tôi, cũng là ước mơ của bố, nhưng đối với bố, đó là ước mơ vượt tầm vì bố phải đi vay nặng lãi làng trên xóm dưới mới có tiền cho tôi đi học. Bố chăm chút cho tôi từng li từng tí, như một người cha, đồng thời như một người mẹ. Tôi thương bố quá, vừa muốn bỏ học cho rồi, nhưng lòng lại dặn lòng phải hết sức cố gắng để không phụ công lao và niềm tin yêu của bố. Tôi cũng đã biết hai năm rõ mười về nhân thân vô thừa nhận của tôi. Tôi không nhắc gì đến lời hứa của bố. Nhưng bố không quên. Bố gọi tôi lên phòng bố:
– Bố trả lời cho con không phải hai mà là tất cả mọi câu con hỏi bố hôm nay, như món quà mừng con vào đại học. Nào, con hỏi đi.
– Thôi mà bố. Chẳng có gì quan trọng đâu.
Bố nhìn xa vắng, như thể đôi mắt bố nhìn ra ngoài cửa sổ, mãi tận chân trời quá khứ xa xăm nào đó:
– Bố nhặt được con trong một thùng rác. Tiếng khóc của con đã cứu con. Lúc ấy, người con tím ngắt, lũ kiến cắn khiến môi, mắt con sưng vù lên. Bố đưa con vào bệnh viện, người ta theo nguyên tắc, chỉ đồng ý chữa trị cho con nếu bố trả tiền viện phí, tiền thuốc men, sữa sần, quần áo, tã lót và các chi phí linh tinh khác, và cam kết chịu trách nhiệm chăm nuôi đứa bé. Ơn Chúa, vì thế mà bố con mình có nhau. Con nghĩ xem, có một người đàn bà, vì một lý do nào đó, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã can đảm cưu mang chín tháng mười ngày đứa con của mình, rứt ruột sinh con ra mà không nuôi được, cũng có thể không được nuôi. Người đàn bà ấy, là người mẹ đẻ của con, đau khổ và đáng thương lắm chứ, phải không? Đáng trách phải là người đàn ông bội bạc, là thành kiến xã hội đối với những người lầm lỡ, là dư luận ác tâm, là những bậc ông bà cha mẹ, là những chức dịch chánh phó trương trùm trưởng tân cựu, miệng lúc nào cũng rao giảng lời Chúa, tha thứ bảy mươi lần bảy, nhưng thực tế lại tự cho mình là quan tòa, kết án nạn nhân là chửa hoang, là lăng loàn trắc nết, là kẻ bôi tro trát trấu, làm ô danh gia đình, dòng họ, giáo khu, giáo xứ, là mọi người thấy người ta chết đuối mà không dám đưa tay ra, dù chỉ một ngón tay. Bố gọi đó là sự bất khoan dung, có được không, con gái? Con còn trẻ, đời còn dài, bố thành tâm mong Ơn Trên run rủi cho con được gặp mẹ con, con sẽ hiểu được thế nào là tấm lòng người mẹ.
Bố sòng sọc rít một hơi thuốc lào:
– Câu hỏi thứ hai. Con hỏi về bố phải không?
Tự nhiên nước mắt tôi trào ra:
– Vâng, nhưng không cần nữa đâu, bố ạ! Bố biết cho, bố là bố, là người thân yêu duy nhất, là điểm tựa đời con, thế là đủ với con, bố ạ!
* * *
Tôi ra trường, chưa xin được việc làm, chưa đáp đền công ơn bố được xu teng cắc bạc nào thì bố bỏ tôi mà đi. Bố mất năm bố năm mươi mốt tuổi. Trúng cơn gió độc (chắc là bị tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim gì đó), bố hôn mê sâu, không nói được một lời nào với bất cứ ai. Bố được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đi, bố là một con người; khi về, bố chỉ là một cái xác không hồn. Bố chết như một chiếc lá rụng về cội. Hình như bố không muốn hay không dám làm phiền hà con gái bố và những người thân của bố, dù chỉ một viên thuốc, một hớp nước lã, một thìa cháo hoa, một câu nói cuối đời.
* * *
Hôm thứ tư Lễ Tro, sau khi tham dự thánh lễ khai mạc Mùa Chay Thánh, tôi ra Phục sinh đường giáo xứ viếng bố. Tôi nhìn lên nơi bố yên nghỉ. Một con người chỉ còn một dúm tro trong cái tiểu bé tí kia ư? Nắm tro ấy từ đâu đến? Như thế nào? Rồi đi đâu?…Bố đã được dựng nên và được gởi đến, được đặt để trong thế gian này cho riêng tôi, với bao nhiêu lao công khó nhọc, mồ hôi nước mắt. Bố đã là cha, là bạn thiết, là món quà quý giá nhất trên đời Chúa ban tặng cho tôi. Bố đã yêu thương, đã được chẳng bao nhiêu, nhưng mất mát lại nhiều quá. Bố đã “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” (GS). Bố đã là một con người, vậy mà giờ đây, chỉ còn một nắm tro tàn. Quả thật, cuộc hiện sinh kinh hoàng biết nhường bao. Tôi đăm đắm nhìn lên di ảnh của bố. Bố cười, nụ cười hàm chứa một chút đau đớn cam chịu, nhưng vẫn là nụ cười đã thắng vượt nỗi đau, và cả sự chết, một nụ cười không thể bị già nua đi nữa. Có khi đó còn là nụ cười vĩnh cửu không chừng. Nụ cười của bố như muốn nói với tôi rằng:
-Bố đã từ tro bụi mà đến, thì lại tro bụi mà về. Nhưng con hãy tin đi. Nắm tro bụi này sẽ trỗi dậy trong một thân xác thần thiêng ngày sau hết, giống như thân xác hiển vinh của Đấng đã bị treo lên, đã chịu chết, chịu mai táng và phục sinh, vì bố vì con, cho bố cho con.
Thân Thị Vô Dụng