Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta thấy một hình ảnh truyền thống tuyệt đẹp về Ðức Bà Mân Côi, một tay bồng Chúa Giê-su Hài Ðồng, còn tay kia thì trao Tràng Chuỗi Mân Côi cho thánh Ða-minh, chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đa-minh, để con cái Chúa nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một hơn.
Ma-ri-a đầy ơn phúc
“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc” là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a lúc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Ê-li-sa-bét: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ.”
Những lời của sứ thần Gáp-ri-en và của bà Ê-li-sa-bét trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.”
Quả Phúc Giê-su
Hằng ngày, khi đọc lại lời chào của thiên thần và lời chào của bà Ê-li-sa-bét chúng ta khám phá ra Quả Phúc nơi cung lòng Đức Mẹ là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đây chính là hoa trái mà tiên tri I-sai-a đã báo trước: “Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự, và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào” (Is 4,2). Người Con ấy thuộc miêu duệ Abraham, đã xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, được đầy tràn Thần Khí Chúa. Thiên Chúa đã đặt nơi Người muôn phúc lành và muôn dân nhờ Người mà được chúc phúc, như có lời chép: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).
Kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi
“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc.” Mẹ đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nên nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Ga 1,14). Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói và đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời Mẹ để trở nên người có phúc như Mẹ.
Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Chúng ta ca tụng Đức Ma-ri-a là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần chào. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc” (Lc 1,42). Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy đầy ơn phúc.
Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Đức Mẹ một cách độc nhất vô nhị. Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.
Điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh khi có Thiên Chúa ở cùng, thì cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh. Chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng con tim vui vẻ, chân thành và biết đem ra thực hành. Chúa Giê-su đã cư ngụ nơi lòng Mẹ, Người cũng đến và ở trong những ai yêu mến và tuân giữ lời Người, đón rước Người khi chịu lễ. Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” để tôn vinh Mẹ.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
Phúc nơi Mẹ trổi vượt hơn hết mọi người nữ vì Mẹ đã đầu tư vốn liếng cả cuộc đời cho thánh ý Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Ma-ri-a là người hạnh phúc hơn hết vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Phúc của Mẹ thật khôn ví, vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa. Mẹ có phúc vì Mẹ đã tin như lời bà Ê-li-sa-bét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).
Và Chúa Giê-su Con lòng Bà gồm phúc lạ
Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Người được hình thành nơi Mẹ. Xét về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình.” Về điều này thánh Au-gút-ti-nô giải thích rằng: Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa.”
Bằng việc đón nhận hài nhi Giêsu để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Thánh Tử, Đấng là Hồng Phúc ngay trong lòng mình nữa. Mẹ trở nên người gồm phúc lạ. Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Đức Giêsu. Mẹ của chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,14; Mt 1,23). Mẹ hạnh phúc hơn vì đã trở thành môn đệ Chúa, như lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời. Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện. Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu lại mời gọi ta làm mẹ của Người: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử
Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ thần Gabriel, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu.” Chúng ta hãy phó thác cho Đức Ma-ri-a cuộc sống hiện tại và tương lai. Chẳng có gì Ðức Ma-ri-a được hưởng mà chúng ta lại không được dự phần. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
From: Langthangchieutim