MỐI GIÂY BỀN VỮNG  –  TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Tại Việt Nam chúng ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, gia đình đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.  Những trường hợp đồng tính, sống thử, phá thai cùng với trào lưu phóng khoáng tự do về tính dục đang làm gia đình mất đi ý nghĩa của Đấng Tạo dựng.  Ngay từ khởi đầu lịch sử: Thiên Chúa đã ấn định sự bền vững của mối giây hôn nhân.  Tác giả sách Sáng thế đã ghi lại lời tuyên bố của Ngài như sau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).  Đức Giê-su – trong Bài Tin Mừng – nhắc lại giáo huấn căn bản này, đồng thời Người khẳng định: đó là quy luật do chính Thiên Chúa thiết lập và mang tính bất di bất dịch.  Bất kỳ với danh nghĩa và lý do nào, không ai có quyền thay đổi quy luật đó.

Lời giáo huấn của Chúa Giê-su và Giáo Hội công giáo về sự bền vững của hôn nhân, xem ra như một cung đàn lạc điệu trong thế giới hôm nay.  Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.  Tại Việt Nam đã xuất hiện vài cặp đồng tính tổ chức hôn lễ rất rầm rộ, và đáng buồn thay, có nhiều bạn trẻ lại tung hô cổ võ.  Trước thực tại hôn nhân đổ vỡ, một số bạn trẻ chủ trương không kết hôn để khỏi vướng vào trách nhiệm.  Có những người thực sự sống đời độc thân, nhưng cũng có những người không sống được như thế.  Chủ trương không muốn kết hôn kéo theo sự buông thả trong quan hệ tình dục.  Thỉnh thoảng chúng ta đọc thấy trên mạng những đứa trẻ sơ sinh bị chính mẹ ruột của mình đem bỏ ở cổng chùa hay ở nơi công cộng, đôi khi với vài chữ nguệch ngoạc nhờ ai nhặt được thì nuôi giúp.  Chắc hẳn người mẹ đó cũng rất xót xa và đau lòng, nên thường kèm theo câu “mẹ xin lỗi con.”  Đó là kết cục bi thảm của quan niệm tình dục không cần tình yêu và cũng không cần hôn nhân.

Dựa trên ánh sáng Lời Chúa, Giáo lý Giáo Hội công giáo dạy về sự bền vững của hôn nhân Ki-tô giáo như sau: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống, tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích” (số 1601).

Hôn nhân Ki-tô giáo được gọi là “bí tích” được cử hành trong một nghi thức phụng vụ.  Điều này có nghĩa: mối giây hôn nhân do chính Chúa Ki-tô thiết lập.  Mối giây này bền vững.  Không một lý do nào có thể biện minh cho việc cắt đứt mối giây thiêng liêng này.  Trong nghi thức hôn phối, đôi bạn hoàn toàn tự do và tình nguyện đến trước bàn thờ, công khai bày tỏ sự ưng thuận và hứa hẹn chung thủy trọn đời.  Lời hứa ấy được tuyên bố trước mặt Chúa và trước mặt đại diện Giáo Hội.  Chính vì vậy, mối giây hôn phối rất thiêng liêng.

Là Ki-tô hữu, chúng ta không thể để mình như vật trôi trên sông bị sóng đánh dạt dào một cách thụ động, tức là buông xuôi theo phong trào, theo quan niệm của đám đông dân chúng.  Hơn nữa, chính trong bối cảnh này, người tín hữu có sứ mạng làm chứng cho sự bền vững của hôn nhân Ki-tô giáo và truyền thống một vợ một chồng đã được áp dụng từ nhiều thế kỷ.  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ các cặp vợ chồng tổ chức các dịp kỷ niệm ngân khánh (25 năm), kim khánh (50 năm) và ngọc khánh (từ 60 năm trở lên).  Những sự kiện này, vừa là dịp hâm nóng tình yêu, vừa là lời chứng hùng hồn cho sự bền vững của hôn nhân, khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự chung thủy vợ chồng là điều có thể được.

Người Công giáo tin rằng, đời sống hôn nhân và gia đình luôn có Chúa phù trợ.  Ơn của bí tích Hôn phối luôn hiện hữu trong đời sống gia đình.  Tuy vậy, người vợ người chồng và các thành viên trong gia đình cũng cần phải cộng tác với ơn Chúa, cùng nhau hướng tới mục đích cao cả của hôn nhân, là chia sẻ tình yêu, sinh con cái và dạy dỗ gây dựng sự nghiệp cho những đứa con mình sinh ra.

“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”  Câu nói của A-đam diễn tả sự bình đẳng giới tính giữa người nam và người nữ.  Như thế, từ rất sớm trong lịch sử, giáo huấn về sự bình đẳng đã được ghi trong Kinh Thánh.  Đó cũng là một trong những nền tảng quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình.  Người nam và người nữ đều được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, đều được Ngài yêu thương và mời gọi đạt tới sự thánh thiện.

Theo thánh Phao-lô, mối giây hôn nhân còn tượng trưng cho tình yêu giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội.  Vì vậy mà Giáo Hội được gọi là hiền thê của Chúa.  Đây là mối tình thanh khiết, thánh thiện, là gương mẫu cho mối tình phu phụ được bí tích Hôn phối liên kết.

Đây đó tại Việt Nam chúng ta, tình trạng “chồng chúa vợ tôi” và bạo lực gia đình vẫn tồn tại.  Ước chi mỗi người hãy nhận ra phẩm giá Chúa ban, cùng với sự bình đẳng được quy định do chính Đấng Sáng tạo, để vừa biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, nhất là người phối ngẫu trong cùng một gia đình.

Xin Thánh gia ở Na-gia-rét, là gia đình Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se bầu cử và gìn giữ các gia đình tại quê hương Việt Nam chúng ta.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay