Chúa Nhật Lễ Lá: thấy gì qua sự tung hô của con người
VRNs (13.04.2014) –Sài Gòn– Joe Tremblay là một ký giả cho những sự kiện của một blog Công Giáo. Ông cũng góp bài cho học viện Edmund Burke, đồng thời cũng là khách mời thường xuyên của chương trình Relevant Radio’s. VRNs giới thiệu với các bạn bài viết mới nhất của ông cho ngày Lễ Lá.
Các nhà lãnh đạo như Alexander Đại đế, Mohammad và Napoleon cưỡi ngựa với những chiến binh đầy vũ trang để chiến thắng kẻ thù. Nhưng Chúa của chúng ta vào Chúa Nhật Lễ Lá, cưỡi một con lừa con vào Giêrusalem để chinh phục kẻ thù. Điều này được tiên báo bởi lời ngôn sứ Dacaria: “Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (9,9)
Một con lừa như vậy đã được Mẹ Maria và thánh Giuse dùng để thoát khỏi cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê khi chạy trốn sang Ai Cập, giờ đây được dùng để chở Chúa Giêsu đến với kẻ thù. Trớ trêu thay đó là cách Chúa dùng để làm công cụ cho việc chinh phục thế giới. Như Fulton Sheen nói: ” Chúa Giêsu đã dùng công cụ tồi tệ nhất để chinh phục thế giới và rồi tội ác không bao giờ chiến thắng một lần nữa.”
Điều thú vị là con lừa được dùng cho những khách hành hương chứ không phải dùng cho những kẻ chinh phục thế giới. Chúa Kitô đã tuyên bố, chính Ngài là một vị vua và là khách hành hương nhưng không thuộc về thế giới này. Ngai vàng của Ngài không thiết lập ở Giêrusalem hay Rôma. Trong thực tế, Ngài đã đội triều thiên ở trên trời! Và như một khách hành hương về trời, Ngài đã không quan tâm đến quyền lực thế gian.
Sự xuất hiện với con lừa cho thấy Ngài đến không phải để chinh phục thế giới bằng gươm giáo và chiến binh như cách của Mohammad. Thay vào đó, vũ khí của Ngài là Lời. Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (4:12-13)
Hơn nữa, những khách hành hương lên Giêrasalem vào dịp lễ đó đến từ khắp nơi. Thật ra, một phần lớn những người Do Thái vào thế kỷ thứ I sống ngoài Palestine. Trong Chúa Nhật lễ lá ấy của Chúa Giêsu, cũng có rất nhiều người đến từ Ai Cập, Syria và Persia. Họ lên Giêrusalem theo luật buộc để tham dự Lễ Vượt Qua được tổ chức hằng năm. Và ngay cả những người ngoại kiều họ cũng lên đó vì nghe nói đến sự sống lại kỳ lạ của Lazarô do Chúa Giêsu thực hiện. Trong đám đông hỗn hợp đó, họ đã tung hô Chúa Giêsu là “Con Vua Đavít”, giống như Vua Solomon (con vua Đavít) cưỡi lừa tiến vào Thành vua Đavít.
Trước đó trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu nói rằng ngôn sứ không được đón nhận tại quê hương mình. Thực tế là nhiều đối thủ của Ngài, tức là những người Biệt Phái, Sađốc và Kinh sư, là người Do Thái từ xứ Giuđê không quá xa Nazareth. Nhưng cũng nhiều khách hành hương lên Giêrusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá đã không từ quê hương của Ngài, thậm chí cũng không từ làng của Ngài. Như vậy, họ đã không nuôi định kiến chống lại Ngài như những người đồng hương của Ngài. Và có vẻ như đám đông, đại diện cho thế giới dân ngoại, cuồng nhiệt chào đón vị Chúa chúng ta ở Giêrusalem là Đấng Mêsia của người Do Thái. Tin Mừng nói rằng họ kêu lớn tiếng: “Hosanna! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vương quyền vua Đavít đang đến! Hosanna trên trời cao! “
Chúa Nhật Lễ Lá như là thành của Thiên Chúa và thành của Con Người được hiện diện tại Giêrusalem. Có những người muốn Chúa Giêsu làm vua của họ và có những người khác muốn giết Ngài. Lời tung hô “hosannas” đã được hát lên vào Chúa Nhật lễ lá sẽ bị lấn áp bởi giọng gào to hơn “đóng đinh nó đi!” vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
Không nghi ngờ gì nữa, Chúa chúng ta đã gây tác động trên các Tông Đồ. Trong những năm sau đó, các Tông Đồ là các giám mục đầu tiên của Giáo Hội, sẽ phải nhớ rằng, họ sẽ không có được sự thoải mái, dễ dàng với các đặc quyền như là nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ đã cảm nghiệm được rằng chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi mà sự tung hô nhường đường cho những lời kết án. Họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu nói trong bữa Tiệc Ly là môn đệ không lớn hơn Thầy. Những gì xảy đến với Chúa Giêsu cũng sẽ xảy ra với họ.
Đây là một bài học hữu ích cho những người người lãnh đạo Giáo Hội. Nếu chúng ta tìm kiếm chính Thiên Chúa trên hết và hướng mắt về Thiên Đường, sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì cho dù có ai đề cao hay xem thường chúng ta. Như vậy, người môn đệ của Chúa Kitô sẽ không bị tác động gì với những lời hứa giả dối của thế gian vì họ đang theo đuổi phần thưởng trên trời.
Hoàng Minh