August 5, 2024
Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra với đầy rẫy nghi vấn về gian lận và thao túng kết quả. Phân tích từ phe đối lập cho thấy 80% số phiếu cho thấy đương kim tổng thống Maduro đã không giành chiến thắng tại bất kỳ nơi nào trong số 24 tiểu bang của quốc gia này.
Trước các chứng cứ đưa ra, Brazil, Colombia và Mexico – những quốc gia trung tả có tiếng nói trong khu vực – kêu gọi Hội Đồng Bầu Cử Quốc gia Venezuela sớm công bố kết quả kiểm phiếu chi tiết.
Về phía chính phủ, Maduro biện minh cho sự trì hoãn này là do một cuộc tấn công mạng từ Bắc Macedonia, mà không phải Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng đây chỉ là chiêu bài câu giờ nhằm tạo điều kiện cho chiến dịch truy quét và bịt miệng những người giám sát bỏ phiếu thuộc phe đối lập.
Để lấp liếm trước những chứng cứ không thể chối cãi, chính quyền Maduro triển khai hàng loạt biện pháp đàn áp phe đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi. Đe dọa những người phản đối và tham gia biểu tình, Maduro phát trên truyền hình hình ảnh 75 người biểu tình bị bắt giữ, cạo trọc đầu, mặc đồng phục tù nhân bị buộc hô khẩu hiệu ủng hộ chính quyền.
Maduro cho biết hơn 1,200 người ủng hộ phe đối lập bị bắt giữ và chính quyền đang ráo riết truy lùng thêm 1,000 người nữa, đặc biệt nhắm vào những người giám sát bỏ phiếu. Hai nhà tù bỏ hoang đang được chuyển đổi thành “trung tâm giáo dục lại” – một dấu hiệu đáng lo ngại về làn sóng đàn áp chính trị sắp tới.
Có thể thấy rằng, nhà độc tài Maduro đang làm tất cả để cố gắng duy trì chính phủ thiên tả theo định hướng xã hội chủ nghĩa của mình một cách vô vọng khi ông đem cả lực lượng yểm trợ từ Cuba cộng sản vào đàn áp nhân dân đất nước mình. Nguồn tin từ phe đối lập cho biết lực lượng đặc nhiệm “Black Wasps – Ong Bắc Cày Đen” của Cuba được đưa đến Caracas để hỗ trợ Maduro đàn áp người biểu tình và bảo vệ ông trước sự đào ngũ của quân đội và lực lượng bán quân sự của chính mình. Một đoạn video được quay qua rèm cửa sổ cho thấy một hàng lính đặc nhiệm Cuba tuần tra trên một con phố ở Caracas.
Cuộc biểu tình ôn hòa mang màu sắc “cách mạng màu” nằm lật đổ chính quyền Maduro tại Venezuela hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ nó có thể định hình tiến trình dân chủ hóa tại Châu Mỹ Latinh. Thành bại của phong trào này sẽ là phép thử cho sức bền của mô hình độc tài mới đang lan rộng trong khu vực.
Trên khắp Tây bán cầu, nền dân chủ đang bị dập tắt hoặc bị thách thức một cách nghiêm trọng. Trong 20 năm qua, Venezuela, Nicaragua và El Salvador rơi vào chế độ độc tài của Hugo Chavez, Nicolás Maduro, Daniel Ortega và Nayib Bukele.
Cuối năm 2022, tổng thống Peru lúc bấy giờ, Pedro Castillo, thất bại trong việc thiết lập chế độ độc tài khi nỗ lực giải tán quốc hội, và thành lập chính phủ khẩn cấp, cũng như kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội mới nhằm xây dựng Hiến Pháp mới trong bối cảnh cơ quan lập pháp của quốc gia này đang chuẩn bị bãi nhiệm ông. Hành động này đã gây sự phẫn nộ sâu sắc ở Tòa Án Hiến Pháp và Quốc Hội, khiến họ coi đây là một hành động “vi phạm hiến pháp” và gây ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Peru. Cuối cùng ông Castillo bị Quốc Hội phế truất, rồi bị cảnh sát Lima bắt giam sau đó vì tội “âm mưu đảo chính.”
Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) ở Caracas ngày 25 Tháng Ba, 2024 (Hình: RONALD PENA/AFP/Getty Images)
Quốc gia Trung Mỹ Guatemala cũng suýt nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi văn phòng của bà tổng chưởng lý Consuelo Porras đã tuyên bố kết quả bầu cử vô hiệu do cáo buộc vi phạm trong quá trình thu thập chữ ký của đảng ông Bernardo Arévalo, ứng viên đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Guatemala vào Tháng Tám 2023.
Hành động trên của bà Porras gây phản ứng mạnh mẽ từ các nhà quan sát quốc tế và các tổ chức quốc tế như Liên Minh Châu Âu với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích các hành động được coi là một cuộc đảo chính nhằm lật đổ kết quả bầu cử này, cho rằng chúng đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ và thường thấy trong các chế độ độc tài. Ông Arévalo mô tả những nỗ lực này là một “cuộc đảo chính chậm,” cho rằng đây là động cơ chính trị nhằm bảo vệ quyền lực cho giới chính trị cũ vốn bị chỉ trích về tham nhũng.
Và tại đất nước lớn nhất Trung Mỹ và có đường biên giới với Hoa Kỳ, nhiều sự hoài nghi được đặt ra cho nữ tổng thống đầu tiên mới đắc cử của Mexico, bà Claudia Sheinbaum, có tiếp tục làm suy yếu các cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực dân chủ mà người tiền nhiệm của bà đã bắt đầu hay không.
Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng thành phố Mexico và là một nhà khoa học về khí hậu, đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mexico với tỉ lệ chiến thắng áp lực từ 58% đến 60% trong cuộc đua có hai ứng cử viên nữ dẫn đầu. Tuy nhiên, chiến thắng vang dội này không xóa đi được những hoài nghi về cam kết của bà với nền dân chủ. Việc bà Sheinbaum quyết tâm kế thừa các chương trình xã hội của người tiền nhiệm, ông Andrés Manuel López Obrador (AMLO) – vốn bị chỉ trích là tập trung quyền lực vào tay tổng thống và làm suy yếu nền dân chủ – càng khiến nhiều người lo ngại. Liệu bà Sheinbaum có tiếp tục “lối mòn” của ông AMLO và bóp nghẹt các cơ chế kiểm soát quyền lực, hay sẽ tạo ra một hướng đi riêng, minh bạch và dân chủ hơn cho Mexico?
Nếu ông Maduro thành công trong việc dập tắt làn sóng biểu tình và duy trì quyền lực, đó sẽ là tín hiệu nguy hiểm, tiếp tay cho các nhà độc tài khác trong khu vực hành động liều lĩnh hơn, như lạm dụng bầu cử, vi phạm nhân quyền và tham nhũng mà không gặp phải sự phản kháng đủ mạnh từ cộng đồng quốc tế, trong khi tiếng nói của người dân bị dập tắt bởi sự đàn áp. Sự thoái lui của dân chủ từng xảy ra trước đây khi nhiều nền dân chủ non trẻ ở Mỹ Latinh sụp đổ trong Chiến Tranh Lạnh, và chỉ được hồi sinh sau khi nó kết thúc.
Thêm sáu năm nữa của ông Maduro ở Venezuela sẽ không chỉ là tai họa cho mười hai triệu người Venezuela dũng cảm bỏ phiếu cho nền dân chủ sau gần ba thập niên chìm trong ảo vọng về con đường xã hội chủ nghĩa. Nó còn có thể là cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy chủ nghĩa độc tài lan rộng ra toàn khu vực.
Kể từ thời Hugo Chávez, Venezuela đã là “lá cờ đầu” trong việc thiết lập một mạng lưới các quốc gia độc tài tại Châu Mỹ Latin, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, chia sẻ chiến lược và năng lực giám sát dân sự. Các quốc gia độc tài áp dụng chung một công thức đàn áp: theo dõi và quấy rối đối thủ chính trị, tấn công truyền thông và biến người di cư thành con bài chính trị. Không chỉ vậy, nhóm nước này còn gia tăng hợp tác với Nga và Trung Quốc, tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định của toàn khu vực.
May mắn là tình hình chính trị Venezuela hiện nay chưa phải là kết quả cuối cùng. Các đảng phái đối lập của Venezuela đã đoàn kết theo cách mà họ chưa từng có trong nhiều năm. Các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử cho thấy ông Maduro sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu cuộc bầu cử được tự do và công bằng, và hàng triệu người Venezuela nhận thức rõ rằng cuộc bầu cử đã bị thao túng. Khi họ mất niềm tin vào kết quả bỏ phiếu, người dân Venezuela xuống đường để đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Sẽ là một chiến thắng lớn lao cho quá trình đấu tranh dân chủ ở Trung và Nam Mỹ nếu ông Maduro cuối cùng bị buộc phải từ chức hoặc chấp nhận thỏa thuận với phe đối lập để mang lại một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Lịch sử cho thấy thay đổi dân chủ thường xảy ra theo từng đợt. Các phong trào đối lập thành công có thể thu được đà và lan rộng sang các nước khác, nhanh chóng phơi bày điểm yếu của các nhà độc tài đương nhiệm ở nơi khác và thúc đẩy thay đổi. Nếu ông Maduro từ chức, các chế độ độc tài ở Cuba và Nicaragua có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn từ người dân của họ.
Cuối cùng, như lời kêu gọi của giám đốc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk kêu gọi, chính quyền Venezuela của ông Maduro “phải tôn trọng quyền của tất cả người dân Venezuela được tụ tập và biểu tình một cách hòa bình cũng như bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do và không sợ hãi.”
Hãy để người dân Venezuela thực sự được quyết định vận mệnh đất nước mình trước khi tình hình trở nên bạo lực và mọi thứ sụp đổ.