July 30, 2024
*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh
Những ngày cuối đời, ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trước mắt công chúng với bộ dạng sức khỏe ngày càng kém, nhưng không phải là quá kém đến mức thập tử nhất sinh.
Sau ngày phải muối mặt chấp thuận đề cử ông Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an và thượng tuần tháng 06/2024, cho dù trước đó đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị 9 loại Lương Tam Quang ra khỏi Bộ Chính Trị.
Bà Ngô Thị Mận (trái), đứng trước quan tài chồng, ông Nguyễn Phú Trọng, cùng ông Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái) và Chủ tịch nước Tô Lâm (giữa), trong tang lễ ngày 26 Tháng Bảy 2026 ở Hà Nội. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)
Để gỡ gạc, một tuần lễ sau đó, trung tuần Tháng Sáu 2024, ông Trọng đã chỉ đạo truyền thông trong nước đưa tin về việc ông họp với các lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, trong các hình ảnh được truyền đi, ông trông phương phi, khỏe mạnh, tươi cười ngồi giữa Chủ tịch nước Tô Lâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chánh Văn phòng Trung ương đảng Nguyễn Duy Ngọc. Trong ảnh, ông Trọng ngồi chính giữa, vị trí trung tâm quyền lực, như ngụ ý rằng ông ấy vẫn là người nắm giữ quyền lực cao nhất, chứ không phải là người đã từng bị ép buộc phải chấp nhận nhân sự làm Bộ trưởng Bộ Công an từ nguồn khác.
Vẫn Tháng Sáu, vào dịp hạ tuần, báo chí Nga đưa hình ảnh ông Trọng ngồi hội đàm với nguyên thủ của họ là Tổng thống Putin tại Hà Nội, nhân dịp ông Putin đến thăm Việt Nam.
Chưa hết, đến đầu Tháng Bảy 2024, trong Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, tin dẫn từ truyền thông trong nước cho biết, ông Trọng lại gởi văn bản đến yêu cầu lực lượng Công an cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ bí mật Nhà nước, tập trung phòng, chống cài cắm nội gián của “các thế lực thù địch”, tránh tình trạng “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”.
Cho thấy rằng, tuy không khỏe như trước, nhưng ông ấy vẫn đủ sức theo dõi tình hình và chỉ đạo sát sao công việc, kể cả tiếp quốc khách nước ngoài. Đột ngột 10 ngày sau, ngày 18/07/2024, Bộ Chính trị CSVN ra thông báo cho rằng ông ấy lâm bệnh và cần phải nghỉ việc để điều trị tích cực. Chỉ 24 giờ sau, ông ấy được thông báo chính thức là đã qua đời.
Thông báo cần được điều trị tích cực rồi thông báo qua đời chỉ trong 24 giờ sau đó, có nghĩa là ông ấy chỉ được điều trị bệnh trong một ngày ngắn ngủi rồi xuôi tay!? Diễn biến khá lạ lùng này khiến công chúng không khỏi nghi ngờ. Họ vẫn không chắc rằng nguyên nhân ông Trọng qua đời là theo cách tự nhiên do bệnh, già? Hoặc do ai đó đã quá sốt ruột, nên quyết định cấp tốc “làm công tác nhân sự” với trường hợp đặc biệt của ông Trọng.
Nhưng điều chúng ta biết rất rõ rằng nếu ông Trọng sống thêm khoảng ít thời gian nữa thôi, thì với vụ Ciputra đã được Bộ Công An tung ra một cách hữu ý sau 2 thập kỷ được ưu tiên giấu nhẹm, thì khi qua đời, tang lễ của ông Trọng sẽ lặng lẽ hơn rất nhiều và thậm chí, rất có thể sẽ có một phiên bản Vũ Mão đến đọc bản điếu văn hạ nhục người quá vãng như trong tang lễ tướng Trần Độ…
Vì nếu sống thêm nữa, điều đó đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian tại vị chức vụ tổng bí thư của ông Trọng đến tận thời điểm tổ chức đại hội đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026. Khi ấy, chưa rõ ông Trọng đã sẵn sàng nghỉ hưu hay chưa? Hoặc lại vẫn ung dung tại vị nhiệm kỳ thứ tư với tư cách “Trường hợp đặc biệt” như đã từng có tiền lệ vào năm 2021.
Chưa kể rằng, nếu quyết định nghỉ hưu, thì rất có thể ông ấy sẽ có sự chọn lựa người kế vị khác chứ không phải chọn lựa ông Tô Lâm, một người đầy tham vọng đang rất sốt ruột với việc ông Trọng quá lỳ lợm và quá thọ trong chiếc ghế tổng bí thư lâu đến như vậy!
Không chỉ thế, dù ông Trọng không giới thiệu người kế vị, thì trước kỳ đại hội đảng, các ứng viên đều ở mức xuất phát ngang nhau, cơ hội cho ông Tô Lâm trúng cử cũng sẽ thấp hơn. Thậm chí, cơ hội bằng không (0) khi mà hầu hết số đảng viên có quyền bỏ phiếu tại đại hội đều xem ông Tô Lâm là mối nguy tiềm tàng, kẻ sẽ tống giam họ bất cứ lúc nào vì nắm giữ hồ sơ tham nhũng dày cộp suốt bao lâu nay của họ.
Dân ở Hà Nội ôm hình ông Nguyễn Phú Trọng trong ngày tang lễ ông Tổng bí thư ở Hà Nội ngày 26 Tháng Bảy 2024. (Hình: Lương Thái Linh/AFP/Getty Images)
Cho nên, chờ đợi đến kỳ đại hội chính thức để “Đêm dài lắm mộng” là hoàn toàn thất sách. Ông Tô Lâm không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Thế nên, thời điểm này, thời điểm mà vị thế của ông Tô Lâm đang ở mức cao nhất thì ông Trọng phải chết, không chết tự nhiên vì bệnh, vì già thì cũng phải chết vì sự tranh đoạt quyền lực trong Đảng để ông Tô Lâm có thể thành tựu tham vọng cuối cùng của mình là ngồi vào chức vụ tổng bí thư đầy quyền lực.
Giữ chức vụ tổng bí thư, không chỉ là thỏa mãn tham vọng quyền lực, mà còn là lá chắn có giá trị như “Thượng phương bảo kiếm” bảo đảm cho sự an toàn cá nhân của ông Tô Lâm sau cả một đời kết oán khắp chính trường Việt Nam, từ người dân lương thiện cho đến những kẻ xưng hô là đồng chí với nhau.
Riêng với thân phận ông Trọng, như bánh xe luân hồi quay đủ một vòng trầm luân. Năm 2021, ông ấy dẫm đạp lên Điều lệ Đảng một cách vô pháp để tranh đoạt nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba. Bằng cách đó, ông mở đường, tạo tiền lệ cho sự tranh đoạt quyền lực bất chấp Điều lệ Đảng của ông Tô Lâm lúc này. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chết vì sự vô pháp của chính mình.