Cuộc sống của Sindhutai đã sớm đong đầy nước mắt. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Sindhutai Sapkal bắt đầu cuộc đời là một đứa trẻ ngoài ý muốn, 10 tuổi phải cưới chồng và 20 tuổi bị đuổi khỏi nhà khi đang mang thai đến tháng thứ 9. Những nghịch cảnh ấy không khiến người phụ nữ này gục ngã hay oán trách cuộc đời. Ngược lại, những điều đã qua khiến bà Sindhutai thấu hiểu nỗi đau mà những đứa trẻ không cha mẹ đang trải qua. Để rồi, bà dành cả cuộc đời mình cho những sinh mệnh bé nhỏ, thiếu may mắn ấy.
Một tuổi thơ buồn và cuộc hôn nhân khi mới 10 tuổi Bà Sindhutai sinh ra trong một gia đình làm nghề chăn thả tại làng Wardha, thuộc quận Maharashtra, Ấn Độ. Là một đứa trẻ ngoài mong đợi, bà không được nhận nhiều sự yêu thương, chăm chút như những đứa trẻ khác. Trong khi cha bà quyết định dạy dỗ con gái nên người, mẹ bà một phụ nữ Ấn Độ truyền thống nhiều định kiến đã phản đối kịch liệt chuyện này. Mẹ của Sindhutai cho rằng vị trí của một người phụ nữ đích thực là vợ trong một gia đình. Đó là lý do, Sindhutai bị gả cho một người đàn ông 30 tuổi khi bà mới là một cô bé con 10 tuổi.
Cuộc sống của Sindhutai đã sớm đong đầy nước mắt. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Đến khi bước sang tuổi 20, bà đã hạ sinh 3 cậu con trai và đang có mang ở tháng thứ 9. Đây cũng là dấu mốc những khổ đau thực sự đến và làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của cô gái trẻ. Xuất phát từ việc ganh đua trong công việc buôn bán, một người trong làng đã lan truyền tin đồn ác ý về Sindhutai và xúi giục người chồng ruồng bỏ bà. Không may, cha của các con bà đã làm theo sự chỉ dẫn của người ngoài. Khi trở về nhà, ông đánh túi bụi người vợ đang sắp đến kỳ sinh nở, thậm chí đạp cả vào bụng cô rồi nhốt cô vào chuồng bò. Sindhutai tiếp tục nếm trải sự cay đắng và tủi nhục khi không có một ai bên mình, trong lúc khó khăn và có thể là nguy hiểm nhất này.
Cô chỉ có một mình cùng sự tủi nhục và đau đớn trong ngày sinh nở. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Sinh con trong chuồng bò, ăn bánh nướng trong lò hỏa thiêu và cuộc hành trình mới bắt đầu Ở nơi tối tăm và hôi bẩn ấy, Sindhutai đã một mình sinh hạ một bé gái. Cô đã tự cắt dây rốn cho con bằng một viên đá nhọn nhặt được trên sàn. Không một ai trong gia đình chồng đoái hoài đến sự sống chết của Sindhutai và đứa trẻ. Sindhutai quyết định trở về quê mẹ, nơi cô nghĩ rằng ít nhất cô sẽ tìm được một nơi trú ngụ.
Mẹ ruột cũng không đón nhận cô gái trẻ. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Nhưng cả làng đều quay lưng lại với người phụ nữ ấy. Cả mẹ cô cũng đóng sầm cánh cửa nhà trước mắt cô gái trẻ đang một mình ôm đứa con đỏ hỏn.
Cô theo một cách nào đó cũng trở thành “trẻ mồ côi”. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Không gia đình, không có một ai để nương tựa, không một nơi để trở về, Sindhutai chỉ còn biết bế con trú vào một lò hỏa thiêu. Ở đó, cô đã nhìn thấy cảnh người ta thiêu đi một cơ thể không còn sự sống. Sau buổi lễ, người nhà của người đã khuất để lại một ít bột mì theo nghi lễ. Vì cái đói đang hành hạ, cô đã lấy phần bột ấy nhào thành bánh và nướng trên ngọn lửa vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ hỏa thiêu của mình.
Khoảnh khắc bế tắc. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Có những lúc, cái đói, cái vất vả và cay đắng của cuộc đời đã khiến Sindhutai muốn buông xuôi. Một lần, cô đã buộc chặt đứa con nhỏ vào mình để chuẩn bị kết thúc sự sống. Bất ngờ, một người ăn xin tới bên hai mẹ con. Ông ấy dường như đang rất ốm và rất cần sự giúp đỡ. Giây phút ấy, người phụ nữ trẻ tìm lại được mục đích sống của mình. Cô cần phải tiếp tục, bởi trên cuộc đời còn rất nhiều người cần bàn tay chăm sóc của cô. Dành cả cuộc đời để trở thành Mẹ của 1400 đứa trẻ không nhà Trời phú cho Sindhutai một giọng ca đẹp đẽ và ở tuổi 20, cô đã bắt đầu cất lên giọng ca da diết ấy để xin ăn nơi các nhà ga, bến tàu, những ngôi chùa. Cô di chuyển từ nơi này qua nơi khác bằng tàu hỏa. Rất nhiều những con đường đã in dấu bàn chân và tiếng hát của người phụ nữ trẻ nghị lực. Cô hát và xin ăn không ngừng nghỉ để nuôi và chăm sóc đứa con bé bỏng của mình. Trên những chuyến hành trình, Sindhutai đã xin gia nhập nhiều đoàn ăn xin, nhưng không chỉ xin cho bản thân, cô dùng những gì kiếm được để chăm sóc cho những người trong đoàn. Trái tim của Sindhutai khi ấy đã thấu hiểu được nỗi khổ đau của những người cùng cảnh ngộ. Và nguồn nghị lực mạnh mẽ nội tại đã giúp cô biến sự thương cảm thành lòng tận tụy và sự chăm sóc, yêu thương.Cô đã tìm lại được mục đích sống của mình.
– Chăm sóc những số phận thiếu may mắn khác. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)
Nhưng người phụ nữ ấy dành sự thương cảm nhiều nhất cho những đứa trẻ mồ côi. Những đứa bé sinh ra đã không được ai yêu thương, che chở, mới vài tuổi mà đã tự phải lăn lộn trong cuộc đời. Đã từng là một đứa trẻ không được yêu thương, cô hiểu hơn ai hết những trẻ mồ côi này cần vòng tay chăm sóc tới nhường nào. Từ đó, trên những chuyến hành trình xin ăn, cô bắt đầu nhận những đứa trẻ không nhà làm con và tự nguyện chăm sóc chúng.“Khi đi xin ăn trên những con phố và chiến đấu mỗi ngày để có thể sống sót, tôi nhận thấy rằng có quá nhiều đứa trẻ mồ côi ngoài kia, chúng không có một ai để nương tựa. Tôi quyết định sẽ chăm sóc và nuôi dạy chúng như những đứa con của mình”.Với quyết định chắc chắn ấy, Sindhutai đi xin ăn một cách nghiêm túc hơn nhiều lần. Bà đã làm mọi điều có thể để nuôi nấng những đứa trẻ. Từ một cô gái trẻ bị gia đình ruồng bỏ, người phụ nữ ấy quyết định dành cả cuộc đời mình để trở thành mẹ, thành người mang đến tổ ấm cho hàng trăm người khác.
Sindhutai đã trở người nuôi dưỡng những đứa trẻ tội nghiệp. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
Trong suốt 40 năm sau đó, Sindhutai đã nỗ lực hết mình để nuôi nấng và dạy dỗ 1400 đứa trẻ vô gia cư, không chốn nương thân. “Nhờ ơn của các Thánh Thần, tôi có được một khả năng giao tiếp tuyệt vời. Tôi có thể đi nói chuyện với mọi người và ảnh hưởng tới họ. Cái đói đã dạy tôi biết nói năng. Tôi đã đi diễn thuyết ở rất nhiều nơi, nhờ đó tôi có một chút tiền để nuôi dạy những đứa trẻ của mình”.Tới nay, bà Sindhutai đã có bốn trại trẻ mồ côi. Tất cả những đứa trẻ được bà nhận nuôi đều nhận được sự quan tâm và chăm sóc mà chúng cần. Không một đứa trẻ nào bị gửi đi một gia đình khác.
Bà chăm lo từng bữa ăn cho những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
Không chỉ chăm lo chuyện cơm ăn, áo mặc, bà Sindhutai còn rất quan tâm đến việc chỉ dạy cho lũ trẻ trong việc học hành và trong cả cách làm người.
Nhưng bà cũng luôn quan tâm đến việc học hành của những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
Đặc biệt, không giống như ở các trại trẻ mồ côi thông thường, dưới mái nhà của bà Sindhutai, những đứa trẻ đều ở lại với bà ngay cả khi các em đã tròn 18. Bà chỉ để các con rời đi khi chúng đã tìm được một công việc, xây dựng gia đình và có thể tự mình ổn định cuộc sống trong thành phố.
Một người mẹ thành công
chân dung của Sindhutai Sapkal. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
“Tôi đã lớn lên thiếu thốn tình cảm huyết thống ruột thịt và thật sự thấy điều đó cũng chẳng hề quan trọng. Đối với tôi, tình người mới là tất cả. Tôi nhận ra ngôi nhà là anh chị em và tất cả những mối quan hệ của những người xa lạ nhưng luôn dành tình cảm cho nhau”, bà Sindhutai tâm sự. Tình người mà bà trao đi đã giúp cho những đứa trẻ bị tưởng chừng như không có tương lai ấy trở thành những lạp tử quan trọng trong xã hội. Nhiều người trong số họ trở thành luật sư, bác sĩ và giảng viên đại học. Sindhutai đã không chỉ trao cho những đứa trẻ thiếu may mắn một mái nhà, những bữa ăn ngon, sự quan tâm. Mà hơn hết thảy, bà trao cho chúng cơ hội để làm những con người tốt và có ích. Đó chính là điều lớn lao nhất mà những bậc cha mẹ có thể làm cho con cái.
Giờ bà đã có 207 con rể, 36 con dâu và gần 1000 đứa cháu.
Bà còn dựng vợ gả chồng cho những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
Ngoài tên gọi đầy trìu mến và tôn kính mà những đứa trẻ được bà nhận nuôi dành tặng “Mẹ của những trẻ mồ côi”, bà Sindhutai đã dành được 750 giải thưởng cho cống hiến của mình. Đúng như quyết định năm xưa, bà sử dụng toàn bộ số tiền thưởng được nhận vào việc xây dựng và hoàn thiện những trại mồ côi, để những đứa trẻ có thêm điều kiện sống đầy đủ và phong phú hơn. Hiện nay, con gái và các con trai cũng chung tay giúp đỡ bà quản lý các trại trẻ này.
Người phụ nữ mang đến mái nhà cho biết bao người. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)
Chưa bao giờ người phụ nữ nghị lực Sindhutai Sapkal để tâm trạng hay cuộc sống riêng làm bà thất vọng hay xuống tinh thần. Hơn 40 năm, bà vẫn kiên định đi trọn vẹn con đường để thực hiện sứ mệnh mà cuộc đời đã đặt vào trái tim mình.
Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org
Hy Văn
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2018/05/nghi-luc-cua-ba-me-co-1400-ua-con.html?m=0