Người đàn ông khuyết tật và mảnh đời ghép dưới mái nhà dột nát

 Người đàn ông khuyết tật và mảnh đời ghép dưới mái nhà dột nát

Ba’o Dat Viet

July 15, 2024

Anh Bàn Tuấn Văn vốn bị khuyết tật lại mang đủ thứ bệnh trên người, anh không dám mơ tháng ngày hạnh phúc cho đến khi có người phụ nữ đến với anh dưới mái nhà dột nát.

Khi chúng tôi đến, đúng lúc gia đình anh Bàn Tuấn Văn (SN 1974, trú ở xóm Nà An, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đang dùng cơm trưa. Bữa cơm dành cho 2 người ốm và đứa trẻ 3 tuổi chỉ có bát rau luộc cùng chút muối trắng.

Thấy những vị khách lạ tới nhà, anh Văn tỏ ra ngại ngùng nói: “Trước đây vợ chồng tôi chưa ốm, khi nào được lĩnh tiền trợ cấp khuyết tật cũng thỉnh thoảng mua lạng thịt, hay bìa đậu, chứ bây giờ thì…”, người đàn ông ngậm ngùi bỏ dở câu nói.

Đưa ánh mắt mờ đục nhìn xa xăm về phía những ngọn đồi trước mặt, anh Văn kể, năm anh lên 10 tuổi bất ngờ bị sốt cao. Sống ở nơi heo hút đường sá xa xôi cách trở, lại nghèo nên anh không có cơ hội đến bệnh viện chữa trị.

Uống thuốc rồi đắp thuốc lá của người dân địa phương chừng nửa tháng thì anh Văn cắt được sốt. Nhưng đôi chân anh cứ dần teo tóp, đi lại, làm lụng rất khó khăn. Thi thoảng anh lại lăn đùng ra đất co giật sùi bọt mép, mãi sau này được đến bệnh viện người đàn ông nghèo mới biết anh mắc bệnh động kinh.

Mặc dù mang trong mình nhiều bệnh, bản thân lại bị tật nguyền, nhưng hạnh phúc mỉm cười đến với anh Văn theo cách chẳng mấy ai ngờ tới. Thông qua mai mối, anh Văn cũng nên duyên vợ chồng với người phụ nữ hơn mình 4 tuổi.

Người vợ vốn sức khỏe không tốt lại chậm chạp…, nhưng 2 mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào nhau cũng khiến tháng ngày lay lắt trôi đi vơi bớt phần tẻ nhạt.

Do người vợ mắc bệnh dạ dày, tiền đình, xương khớp nặng nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Cuộc sống của gia đình anh Văn bao năm qua chủ yếu dựa vào mảnh nương nhỏ, từ nguồn trợ cấp xã hội và sự thương xót, đùm bọc của bà con cùng chính quyền địa phương.

Năm 2022, anh Văn bị tai biến, nhưng anh may mắn được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên giữ lại được tính mạng. Sau lần điều trị đó, khoản nợ 40 triệu đồng vay mượn chạy chữa đến nay chưa trả được đồng nào.

Hiện nay anh Văn phải dùng thuốc hàng ngày nên khoản tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật hàng tháng chủ yếu để dành mua thuốc điều trị. Anh Văn nói, có gạo ăn còn may, chứ lúc giáp hạt, ốm đau đi viện phải bán cả thóc giống thì gia đình phải ăn ngô, sắn, rau dại…, cầm cự cho qua ngày.

3 tháng nay anh Văn hay sốt về chiều, sụt cân, bụng chướng lên đau tức, nhưng không có tiền anh không dám đến bệnh viện.

Nhìn đứa cháu nội 3 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn chục kg, anh Văn ứa nước mắt nói: “Năm ngoái tôi đi viện, có đoàn từ thiện cho hộp sữa tươi, đó cũng là lần đầu thằng bé được uống sữa. Đói ăn, thiếu dinh dưỡng nên nó gầy bé như trẻ 1 tuổi”.

Anh Văn kể, năm 2012, nhờ sự chung tay của bà con trong xóm và chính quyền địa phương, vợ chồng anh vay ngân hàng chính sách được 10 triệu đồng, dựng căn nhà bằng gỗ tạp thay cho căn nhà tre lợp lá cọ đã bị đổ trong một cơn lốc.

Hơn 10 năm sau, căn nhà làm bằng gỗ tạp đã ọp ẹp mục nát, nhất là sau trận mưa đá cuối tháng 1 vừa qua, căn nhà gần như bị hư hỏng hoàn toàn.

Phần mái ngói xô lệch để lộ ra những khoảng trống lớn, mỗi khi mưa to nước trong nhà lênh láng không khác gì ngoài sân. Các cột gỗ đã bị mối mọt ăn nham nhở không còn đủ khả năng làm trụ đỡ…, có lẽ chỉ cần một cơn gió mạnh thốc tới khiến căn nhà đổ sụp bất cứ lúc nào.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Duyến, trưởng xóm Nà An, xã Nguyên Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết:

“Gia đình ông Văn là hộ nghèo nhiều năm nay ở địa phương. Bản thân ông Văn là người khuyết tật lại mắc nhiều bệnh không có khả năng lao động. Hoàn cảnh hiện nay của gia đình thì chưa biết đến khi nào mới có thể thoát được nghèo.

Mỗi khi có chương trình từ thiện địa phương đều dành cho gia đình ông, nhưng cũng chỉ là chút quà nhỏ giúp ông ấm lòng.

Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm chung tay cùng địa phương hỗ trợ gia đình ông Văn, giúp gia đình ông vơi bớt khó khăn, có tiền đến viện chữa trị bệnh, cải thiện cuộc sống”. (Theo Dân Trí) 


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay