29/06/2024
Trân Văn
29-6-2024
Tiếp theo phần 1
Ảnh chụp lời giới thiệu bài “TT Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học” còn sót lại trên Google.
Chuyện ông Vương Tấn Việt có pháp danh là Thích Chân Quang đột nhiên trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Hiến pháp – Hành chính với nhiều yếu tố bất thường, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong đào tạo, buộc Bộ Giáo dục Đào tạo phải lên tiếng, yêu cầu Đại học Luật Hà Nội “báo cáo” [1], thật ra không quan trọng bằng việc các Giáo sư Tiến sĩ (GS TS) và Phó giáo sư Tiến sĩ (PGS TS) đang tham gia đào tạo đội ngũ “luật gia” của Việt Nam đồng thanh hoan hô ý tưởng biến nghĩa vụ thành điều kiện, khoác nghĩa vụ lên vai con người, buộc họ thực thi nghĩa vụ trước khi muốn hưởng các quyền căn bản vốn đã được nhân loại, trong đó có cả Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận là đương nhiên.
Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, dường như Việt Nam là quốc gia duy nhất mà một tập thể được xem như “tinh hoa” của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia của một dân tộc văn minh cùng bày tỏ sự tâm đắc với ý tưởng phải có “Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người” nhằm dùng “tuyên ngôn” đó như đối trọng với pháp luật quốc tế về nhân quyền.
Trong khi “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” thúc đẩy các chính phủ, các cộng đồng xem được sống, được mưu cầu hạnh phúc, được tự do bày tỏ chính kiến, được đối xử bình đẳng bất kể chủng tộc, tôn giáo, giới tính,… các dân tộc có quyền tự định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá,… là những quyền tất nhiên, vô điều kiện, không thể tước bỏ vì bất kỳ lý do nào, thì ý tưởng của ông Vương Tấn Việt – muốn xác lập các nghĩa vụ, buộc phải chu toàn những nghĩa vụ ấy trước khi muốn hưởng các quyền căn bản của một con người được “Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ” khen là… tuyệt!
100% thành viên của hội đồng vừa kể không chỉ nhất trí với việc ông Việt xứng đáng là Tiến sĩ Luật bởi ông “chỉ ra được những điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong pháp luật về nghĩa vụ con người” mà còn khen ý tưởng nên soạn “Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người” là “đột phá, táo bạo”, đồng thời khẳng định việc xác lập, áp đặt nghĩa vụ lên các quyền đương nhiên của một cá nhân là “có giá trị nhân văn vượt khỏi khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học về nghĩa vụ con người” và là “cơ sở để rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam” [2]…
Chưa rõ khi nào thì tập thể được xem như “tinh hoa” của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia tại Việt Nam hoặc sẽ khuyến cáo chính quyền Việt Nam, hoặc sẽ xây dựng xong đội ngũ luật gia đủ sức tác động đến chính quyền Việt Nam “hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam” theo hướng vừa đề cập.
Cũng chưa rõ chính quyền Việt Nam có dám tiếp nhận và công khai “hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam” theo hướng ngược chiều với phần còn lại của nhân loại hay không nhưng gần đây, khi công chúng bắt đầu chú ý đến luận án của ông Việt, video clip ghi lại buổi bảo vệ luận án của ông Việt để ca ngợi “thành tựu” của ông trên YouTube đã được chuyển sang trạng thái “riêng tư”, không cho tham khảo nữa [3].
Tương tự, bộ phận quản trị website của chùa Phật Quang – nơi ông Việt làm trụ trì – mới đưa trang web vào tình trạng “bảo trì”, không cho thiên hạ truy cập nữa [4], tuy nhiên nếu chịu khó search trên Google vẫn có thể thấy một phần lời giới thiệu bài “TT Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học” ca tụng ông Việt thế này: Và thật hy hữu, đúng ngày sinh thần của Người (09/12), Thượng tọa đã xuất sắc bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Luật học, nhận được vô vàn lời…” (ảnh). Tiếc rằng sau khi công chúng, trong đó có không ít luật gia, giảng viên,… chỉ ra những bất thường quanh chuyện “Người” trở thành tiến sĩ [5], ông Việt không muốn sắm vai “Người” nữa [6]!
Đại học Luật Hà Nội – nơi đỡ đầu, tạo ra và đưa Tiến sĩ Vương Tấn Việt vào học giới – cũng đang vất vả chống đỡ dư luận, song phương thức chống đỡ mang sắc thái riêng của một nhà nước đang xây dựng CNXH. Thay vì tham gia tranh luận để phân định đúng/sai về học thuật, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, Giảng viên cao cấp của Đại học Luật Hà Nội, người hướng dẫn ông Vương Tấn Việt thực hiện luận văn tiến sĩ đã cảnh báo công chúng thế này: Các facebooker hãy thận trọng và cân nhắc kỹ khi bình luận. Không xúc phạm đến danh dự của tổ chức, cá nhân, đừng tự đưa mình vào trạng thái như Nguyễn Phương Hằng bà chủ của công ty Đại Nam [7]!..
***
Sự ngưỡng mộ của công chúng đối với nhà sư Thích Minh Tuệ, phản ứng của công chúng đối với nhiều Đại đức, Thượng tọa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) đã đẩy GHPG VN đến chỗ phải bịt miệng (cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức) Đại đức Thích Nhuận Đức [8], Thượng tọa Thích Chân Quang [9] và chấn chỉnh các khóa tu mùa hè, không để các thành viên trong tăng đoàn tự tung, tự tác như trước [10]. Chùa Ba Vàng – nơi Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì đột ngột thông báo “tạm hoãn các khóa tu còn lại trong hè này” vì bỗng dưng phát giác “bận một số Phật sự quan trọng trong mùa an cư kiết hạ” [11],…
Không phải tự nhiên mà nhiều người cùng cho rằng Phật giáo tại Việt Nam đang trong giai đoạn đáng ngại tới mức “chưa bao giờ như bây giờ”. Điểm đáng chú ý nhất là càng ngày càng nhiều người với không ít Phật tử cùng tin đó là hậu quả tất yếu của việc GHPG VN nhất trí để đảng dùng đạo pháp làm một trong những công cụ xây dựng CNXH!
Chú thích
[3] https://www.youtube.com/watch?v=IlauF4Ox1Z0&t=581s
[4] https://thientonphatquang.com/
[6] https://thientonphatquang.com/tt-thich-chan-quang-bao-ve-xuat-sac-luan-an-tien-si-luat-hoc/
[7] https://www.facebook.com/photo?fbid=10225078236878180&set=pcb.10225078281999308
[10] https://plo.vn/khoa-tu-mua-he-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-quy-dinh-ra-sao-post796250.html
[11] https://www.phunuonline.com.vn/chua-ba-vang-tam-hoan-cac-khoa-tu-mua-he-2024-a1521445.html