Tại sao Việt Nam nhiều ngôi sao… sa?

Tác Giả: Đàn Chim Việt

Ảnh mang tính minh họa

Bởi đa phần các cán bộ của chúng ta thời nay không có lý tưởng phục vụ đất nước. Tranh đấu làm quan không phải với mục đích cao cả gì mà chỉ để có quyền lực và hưởng lợi từ địa vị của mình.

Có những ngôi sao mọc lên, cùng với những câu chuyện giống cổ tích trong sách cổ, tấm gương nọ kia, rồi một ngày đẹp giời rơi rớt đâu đấy. Nặng thì tham gia đội bóng áo sọc của các cán bộ, nhẹ thì âm thầm lặn mất tiêu như đá rơi xuống ao bèo.

Mạng xã hội sẽ rộ lên vài bài mỉa mai, mát mẻ, hả hê nhưng cũng chỉ như những tiếng cười nhạt thếch, vô vị và vô duyên.

Đằng sau những nụ cười thiếu gia vị ấy là một cảm giác cay đắng ê chề, bởi người hiền, cán bộ hiền trong xã hội này quả là hiếm hoi. Cứ thấy ngôi sao nào có vẻ sáng sủa, đang mọc lên thì trong lòng không khỏi tự hỏi liệu sao ấy có mọc cao không, hay lại theo vết rơi của những ngôi sao trước đấy?

Mấu chốt ở đây không phải ở việc quyết tâm tìm củi và hăng hái đốt lò mà hãy nhìn vào tận gốc rễ của vấn đề.

Cán bộ nhỏ bắt đầu sự nghiệp bằng những phong bì nhỏ. Phong bì đưa và phong bì nhận. Đưa quen tay và nhận quen tay. Tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, bởi mỗi phong bì đưa và nhận đều chính là sự mua và bán một chút lương tâm cán bộ, lương tâm của một con người.

Lúc ấy, họ chưa là củi nhưng đã nhiễm vi rút củi, và lượng vi rút trong người cứ âm ỉ nhân lên mãi và họ đều trở thành những thanh củi tiềm năng. Một lúc nào đấy, lượng vi rút bùng phát thành bệnh. Quan trường ắt phải tranh đấu, đã tranh đấu thì có đối thủ, đối thủ sẽ tìm ra được và chứng minh được căn bệnh củi trong họ và thế là các ngôi sao thành những ngôi sao… sa.

Thực ra vấn đề sâu thẳm, cốt lõi ở nhân cách, văn hoá của họ. Ý nghĩa cuộc sống không phải ở việc đứng trên đầu người khác, được ăn nhiều, mặc nhiều hơn người khác. Ý nghĩa cuộc sống là đóng góp gì cho cuộc sống được đẹp đẽ hơn. Tiếc thay, điều này rất xa lạ và nghe có vẻ giáo điều và dở hơi với các cán bộ chưa thành củi.

Chính vì việc xa lạ với lý tưởng sống nên củi ở Việt Nam sẽ còn rất nhiều. Khi chính cơ chế là cái máy sinh ra củi thi chẳng có cái lò nào đốt được hết củi. Đây là một bộ phim dài tập, dài liên miên, củi cứ to dần đều, lò cứ cháy… chỉ mỗi tội cốt truyện cứ na ná và nhạt nhẽo như nhau.

Như đã nói, vấn đề cốt lõi là văn hoá và đã là văn hoá thì khó chữa đến nản lòng. Vị nào kêu cần chấn hưng văn hoá là đúng nhưng không phải bằng cách đổ tiền vào. Dùng tiền thuế của dân để chấn hưng văn hoá vào lúc này thì khác nào ném ra một đống thịt giữa bầy sói đói và gào lên: Hãy ăn một cách từ tốn, ăn sao có văn hoá đi!

Giải pháp ư? Khó lắm. Tôi nhường cho những vị có đầu óc siêu việt đưa ra giải pháp nhưng có lẽ phải có một người đủ tâm, đủ tầm, vô cùng mạnh mẽ và can đảm để có thể nói: “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng.” Giống như câu nói của tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc.

Mượn bức hình phần nào nói lên “lý tưởng” của củi.

Châu Đoàn (Facebook)


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay