Viện Đại học Đà Lạt được thành lập ngày 8/08/1957, trên cơ sở chính được nhượng lại ban đầu là Trường Thiếu sinh quân hỗn hợp Âu – Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat) của Quân đội Pháp tại Dalat.
Tổ chức
Đứng quản lý Viện Đại học là Hội Đại học Đà Lạt (trong đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam), một tổ chức pháp lý để thâu lợi nhuận, kinh tài và phát triển Viện Đại học. Hoạt động của Hội gồm việc thương lượng với chính phủ để tài trợ, vay mượn. Ngoài ra Hội còn sở hữu bất động sản như một số đồn điền cao su và thương xá TAX ở Sài Gòn cũng thuộc Hội.
Tuy là một cơ sở giáo dục thuộc Giáo hội Công giáo, Viện Đại học Đà Lạt không chủ trương gây dựng nền giáo dục theo sát quan điểm của Giáo hội. Cụ thể qua số liệu: Số giảng viên theo đạo ít hơn 25% và sinh viên Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Các cơ sở chính yếu của Viện tại Dalat
Cơ sở tại các khu đồi chính dùng để xây dựng, phát triển tiện nghi sinh hoạt quản trị, giảng huấn, cư trú của Viện Đại Học Đà Lạt, bao gồm có ba Khu A, B, C:
Khu A: Khu đồi chính, cũng là có sở chính của Viện nằm ở đường Phù Đổng Thiên Vương cuối Đồi Cù phía Tây thành phố Đà Lạt (là cơ sở cũ của Trường Thiếu Sinh Quân do người Pháp để lại); Diện tích chừng 40 ha, cách Trung Tâm Thành phố Đà Lạt 1,5 km. Khuôn viên Đại Học Đà Lạt tại Khu A khởi đầu chỉ có chừng hơn mười tòa nhà, với các đường đi lối lại được trải đá dăm. Các tòa nhà chính được được dùng làm giảng đường và cơ sở hành chính mang các tên là: Minh Thành, Tri Nhất, Thụ Nhân, Thượng Chí, Đôn Hóa… với hàm ý giáo dục dẫn ý từ Tứ thư, Ngũ kinh của Nho học cổ điển.
Khu B: Khu đồi Minh Hòa, nơi lúc đó có cư xá sinh viên Rạng Đông và Chủng viện Minh Hòa thuộc GP Đà Lạt, ở đường Thông Thiên Học.
Khu C: Khu C ở đường Vạn Kiếp dùng làm Cư Xá Nhân Viên và ban Giảng Huấn.
Cả ba khu đang có kế hoạch mở mang theo đúng chức năng được hoạch định. Chính Linh Mục Viện Trưởng, ủy nhiệm cho GS phụ tá hành chánh vai trò chuẩn bị với sự trợ giúp của Tòa Tỉnh Trưởng Đà Lạt, thu xếp một chuyến máy bay trực thăng từ Nha Trang lên, và đã bay ở cao độ 300 m để chuyên viên nhiếp ảnh (nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngà của Photo Hồng Châu, Khu Chợ Hòa Bình Đà Lạt) có thể chụp các không ảnh cả ba khu ABC của Viện Đại Học Đà Lạt.
Chính nhờ những không ảnh này mà các chuyên viên kỹ thuật tùng sự tại Trường Chiến tranh chính trị Đà lạt có thể giúp thiết lập một mô hình (sa bàn) thu nhỏ toàn bộ Khu A của Viện Đại Học Đà Lạt và làm cơ sở hoạch định sau này.
Đào tạo của Viện Đại học tại Dalat
Sau thời gian sửa chữa, xây dựng thêm mới từ cơ sở ban đầu, Viện đã mở niên khóa đào tạo đại học đầu tiên là năm 1958 – 1959. Quy mô phát triển của Viện Đại học Đà Lạt đến trước năm 1975 bao gồm 05 trường đại học (Tương đương là 05 phân khoa, theo khái niệm sau này).
- Trường Đại học Sư phạm: là trường được thành lập đầu tiên, bắt đầu đào tạo từ năm học 1958 – 1959. Trường đào tạo cử nhân sư phạm cho những sinh viên hoàn thành chương trình 3 năm của các khoa khác trong nhà trường.
- Trường Đại học Khoa học: bắt đầu đào tạo từ năm học 1959 – 1960, đã đào tạo cử nhân các ngành: Toán học, Vật lý, Lý – Hóa, Hóa học, Sinh – Lý – Hóa, Vạn vật và Địa chất học.
- Trường Đại học Văn khoabắt đầu đào tạo từ năm học 1959 – 1960, đào tạo cử nhân các ngành: Việt văn, Triết học, Hán văn, Pháp văn, Anh văn, Lịch sử và Địa lý.
- Trường Chính trị Kinh doanh(với hai phân khoa: Chính trị Xã hội và Quản trị Kinh doanh): bắt đầu đào tạo từ năm học 1964 – 1965, đào tạo cử nhân các ngành: Bang giao quốc tế, Báo chí học, Kinh tế tài chính và Quản trị Kỹ nghệ.
- Trường Đại học Thần học: bắt đầu đào tạo từ năm học 1973 – 1974.
Đào tạo Cao học:
Trường Đại học Văn khoa bắt đầu đào tạo Cao học từ năm học 1966 – 1967 với các ngành: Việt văn, Anh văn, Pháp văn, Hán văn, Triết học, Sử học và Địa lý.
Trường Chính trị Kinh doanh bắt đầu đào tạo Cao học từ năm học 1968 – 1969, ngành Chính trị Kinh doanh.
“Thụ Nhân” là tôn chỉ của Viện Đại học Đà lạt
“Nhất Niên Chi Kế, Mạc Nhi Thụ Cốc, Thập Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Mộc, Bách Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Nhân.”
Kế một năm, không gì bằng trồng lúa; kế mười năm, không gì bằng trồng cây; kế trăm năm, không gì bằng trồng người.
Viện Đại học Đà Lạt thu hút sinh viên trên khắp mọi miền đất nước đến học. Dù Viện Đại học Đà Lạt là một cơ sở giáo dục tư nhân của Giáo hội Công giáo, song Viện giảng dạy và đào tạo cho mọi tầng lớp người dân, không phân biệt tôn giáo.
Năm học đông sinh viên nhất là năm học 1973 – 1974 với gần 5.000 sinh viên. Tổng số sinh viên vào học từ khóa đầu đến năm học 1973 – 1974 khoảng 31.500 sinh viên, trong đó có khoảng 1.900 sinh viên đã tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân.
Danh sách viện trưởng:
1957- 1961: Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (1897-1984)
1961-1970: Linh mục Simon Nguyễn Văn Lập (1911-2001)
1970-1975: Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý (1913-1992)
Một số cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt đã thành danh trong những lĩnh vực khác nhau:
Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ, sáng lập Phong trào Du ca Việt Nam; cựu sinh viên khóa 1, Trường Chính trị Kinh doanh.
Lê Cung Bắc, diễn viên, đạo diễn điện ảnh; cựu sinh viên Trường Chính trị Kinh doanh.
Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn, cựu sinh viên Văn khoa, Đại học Sư phạm.
Phạm Thùy Nhân, nhà biên kịch; cựu sinh viên Văn khoa.
Lê Văn Hiếu, Toàn quyền Tiểu bang Nam Úc, Úc; cựu sinh viên khóa 10 QTKD, Trường Chính trị Kinh doanh.
Lê Mạnh Thát (Thượng tọa Thích Trí Siêu), Giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư; cựu sinh viên ngành triết học.
Lê Thị Diệu Hương nhạc sĩ, cựu sinh viên khóa 10 QTKD, Trường Chính trị Kinh doanh.
Johnathan Hạnh Nguyễn, doanh nhân, cựu sinh viên khóa 6 QTKD, Trường Chính trị Kinh doanh.
Ý nghĩa TÊN của các Giảng đường và Tòa nhà của Viện:
Viện Đại học Đà lạt hình thành phát triển nhằm đào tạo sinh viên có những tri thức đương thời của thế giới nhân loại khắp năm châu bốn biển, song triết lý Phương Đông, bản sắc Việt luôn được gắn liền ẩn ngụ đầy ý nghĩa. Có thể thấy điều đó qua các tên gọi đầy ý nghĩa của các Giảng đường và Tòa nhà của Viện (Theo: tác giả Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm):
– Thụ Nhân (Giảng Đường): Tên giảng đường là tôn chỉ Viện Đại Học Đà Lạt. (Phần này đã được nói rõ bên trên). Thụ Nhân có nghĩa là trồng người.
– Cư Dị (Giảng đường): là tinh hoa trong tư tưởng “Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân. Cố quân tử cư dị dĩ sĩ mệnh. Tiểu nhân hành hiểm dĩ kiêu hãnh.” (ie: Trên không trách trời, dưới không trách người. Do vậy, người quân tử ăn ở dễ dàng, qua đó mà chờ mệnh trời. Kẻ tiểu nhân làm điều nguy hiểm, qua đó mà cầu may).
– Dị An (Giảng đường): dễ ở. Đào Tiềm (Đào Uyên Minh, 372-427) trong “Qui Khứ Lai Từ” có nói về chốn ở ẩn của mình là: “Thảm dung bất nhi Dị an” (ie: Chỗ đó tuy nhỏ hep, nhưng dễ yên hàn hơn)
– Hội Hữu (Giảng đường) gợi lên ý tưởng đi tìm một phương cách học tập hữu hiệu nhất. Nếu chọn bạn mà chơi, thì cũng phải biết chọn bạn mà học. Cách thế học tập có kết quả nhất là hội hữu, một bí quyết thành công của đại học chi đạo: “Tăng Tử viết: Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân.” (Tăng Tử nói: người quân tử lấy văn chương mà họp bạn, lấy bạn mà giúp nhau giữ lòng nhân).
– Thượng Chí (Giảng đường): Nêu cao chí hướng sống theo nhân nghĩa. Sách Mạnh Tử kể lại rằng ông Điếm, con vua Tề hỏi: “Kẻ sĩ làm gì? Mạnh Tử trả lời: “Thương Chí!” (Nâng cao chí hướng lên.
Ông đã giải thích “Thượng Chí” như sau: “Chẳng qua là làm điều nhân nghĩa đó thôi. Giết một người vô tội là bất nhân. Chẳng phải của mình mà dành lấy là phi nghĩa. Kẻ sĩ là ở nơi nào? Ở đức nhân. Kẻ sĩ đi đường nào? Ở đức nhân. Noi theo đức nghĩa, sự nghiệp của đại nhân như vậy là đã đầy đủ rồi vậy.
– Thượng Hiền (Giảng đường): Quan niệm chính trị của người xưa là biết quí trong người hiền đức.
– Tri Nhất (Giảng đường): biểu lộ cảm nghĩ bể học của thánh hiền thì vô tận và con người phải toàn tâm toàn ý mới tới gần vị tri thức độc nhất vô cùng phong phú đó: “Hoặc sinh nhi tri chi; hoặc học nhi tri chi; hoặc khốn nhi tri chi. Cập kỳ tri chi nhất dã.” (Có người hoặc sinh ra đã biết; hoặc học mới biết; hoặc khốn khó mới biết. Khi đạt thì cái biết chỉ có một).
– Minh Thành (Giảng đường, Phòng Thí Nghiệm) bộc lộ một ý chí chân thành trong sáng. Đạt được một nhân cách minh thành, đấy là mục tiêu của giáo dục vậy: “Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ. Minh tắc thành hĩ.” (Vì có lòng thành thật mà sáng suốt, đó là do tính. Vì sáng suốt mà có lòng thành thật, đó là do giáo dục. Vậy nên ai có lòng thành thật thì sáng suốt. Ai sáng suốt thì có lòng thành thật). Đây là giảng đường đẹp nhất của Viện, trước măt giảng đường có cầu Kiều, có mộ Đạm tiên … đầy lãng mạn, văn thơ.
– Kiêm Ái (Đại học xá sinh viên): Mặc Tử, triết nhân đời Xuân Thu, chủ trưong kiêm ái, tức là yêu thương mọi người như nhau, không phân biệt kẻ thân người sơ, lâu mau.
– Lạc Thiện (Đại học xá): Vui với điều tốt lành.
– Dương Thiện (Đại học xá): Biểu lộ cái tốt ra. Sách Trung Dung có ghi lại lời Khổng Tử tán dương vua Thuấn. Ở đó Khổng Tử ca tụng vua Thuấn là biết che dấu cái xấu của người khác mà biểu dương cái tốt đẹp của người khác như sau: “Ẩn ác nhi dương thiện”.
– Đạt Nhân (Phòng thí nghiệm): Tới đức Nhân, tức là đi tới nhân cách viên mãn.
– Dĩ lễ (Cư xá giáo sư): Sống theo lễ giáo. Luận ngữ có câu: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách” (Lấy đức dẫn đạo, lấy lễ mà làm cho tề theo, người ta sẽ biết hổ thẹn mà trở về đường ngay nẻo chính vậy).
– Đôn Hóa (Văn phòng). Đôn đốc, phổ cập sinh hoá theo chiếu hướng tốt đẹp. Đạo Trời Đất là con đường vạn vật sinh sống hài hòa mà không hại lẫn nhau. “Tiểu đức xuyên lưu. Đại đức đôn hóa” (Đức nhỏ như sông ngòi chảy khắp, đức lớn như phổ cập sinh hóa).
– Hòa Lạc (Toà Viện trưởng) lấy ý từ câu: “Huynh đệ ký hấp, Hoà Lạc Thả Thầm” (Anh em xum họp, Hòa Vui biết mấy).
– Spellman (Đại giảng đường): được đặt theo tên của Đức Hồng Y Francis Joseph Spellman, (4/5/1889– 2/12/1967) là vị giám mục thứ chín và Tổng GM thứ sáu của Giáo Phận Công Giáo Nữu Ước. Người đã có nhiều công sức cho giáo dân và cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
– Năng Tĩnh (Nhà nguyện) là con đường trọng đại, để tìm thấy chính mình trong cõi thiêng liêng sau những giờ phút miệt mài học tập mệt mỏi căng thẳng.
……………
Viện Đại học Đà lạt, sau năm 1975 được Bộ Giáo dục quản lý, trường được khôi phục như là một trường đại học tổng hợp có qui mô vùng và hoạt động trở lại từ năm 1977. Tuy nhiên, quy mô cơ sở Trường thay đổi, một số nơi cũ không còn thuộc trường. Tên trường chính thức là Đại học Đà Lạt. Hiện là một trường đa ngành đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
———-
CC: “Courbet Camp” trại lính của Pháp là cơ sở đầu tiên, sau đó là “École d’Enfants de Troupe de DaLat”.
From: taberd-6 & NguynNThu
Toàn cảnh khu A của Viện Đạo học Dalat
Khung cảnh cổng Viện … ngày xưa.
Khung cảnh cổng Viện … ngày xưa.