Trần Kỳ Khôi
3-12-2023
Từ sau năm 1975, nền giáo dục trong thể chế độc tài toàn trị trở nên “ưu việt” hơn bao giờ hết. Ở đó, một anh y tá miệt vườn chẳng cần đi học cũng có được học vị tiến sĩ y khoa; một phụ nữ làm nghề uốn tóc, gội đầu, bỗng chốc có bằng thạc sĩ, hay một kẻ học bổ túc văn hoá cũng kiếm được học hàm giáo sư!
Nhưng tệ hại và xuống cấp đạo đức đến kinh hoàng thì phải nhắc đến hai trường hợp: Một kẻ chưa học xong cấp hai có thể làm Chủ tịch Hội đồng một trường đại học lớn và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Kẻ còn lại là sĩ quan công an, có học vị tiến sĩ, là lãnh đạo khoa Lý luận Chính trị của một trường đại học Cảnh sát Nhân dân, hoá ra là con quỷ đội lốt người.
Từ ngài Chủ tịch Hội đồng trường đại học Kinh Bắc…
Đoàn Xuân Tiếp sinh năm 1950, quê Gia Bình, Bắc Ninh. Nhà nghèo, cha mất sớm, học chưa hết cấp hai, Tiếp bỏ học. Năm 1972, Đoàn Xuân Tiếp đăng ký đi bộ đội, được đơn vị điều đi học lái xe rồi anh ta ở trong quân ngũ, đến năm 1991 thì xuất ngũ.
Tích lũy được một số vốn liếng, Tiếp hùn hạp cùng vài người, mở một hợp tác xã chuyên làm thủ công mỹ nghệ, lấy tên là Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc, tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó, Đoàn Xuân Tiếp nâng cấp Trung tâm này thành công ty TNHH Chân – Thiện – Mỹ tại Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.
Mặc dù trước đó Đoàn Xuân Tiếp đã có vợ và hai con trai, nhưng ông ta sống chung với người tình mới, vốn là một nữ cổ đông có nhiều tiền, tên là Nguyễn Thị Tuyết Hồngsau. Sau đó ông Tiếp ly hôn người vợ mấy chục năm đầu ấp tay gối, để kết hôn với người tình mới.
Ảnh: Nguyễn Thị Tuyết Hồng và Đoàn Xuân Tiếp. Nguồn: Tác giả gửi tới TD
Năm 2012, Đoàn Xuân Tiếp và Nguyễn Thị Tuyết Hồng làm hồ sơ xin mở trường đại học tư thục Kinh Bắc. Ngày 26-3-2012, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 350/TTg, cho phép thành lập trường Đại học Kinh Bắc. Nhờ vậy, Đoàn Xuân Tiếp xin được 28 hecta đất tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội 20 km.
Trường đóng ở Bắc Ninh, nhưng họ mở thêm văn phòng tại nơi vợ chồng Đoàn Xuân Tiếp đăng ký hộ khẩu thường trú, số 110 phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, để tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh nhắm vào học sinh Hà Nội và các vùng phụ cận.
Để hợp pháp hồ sơ nhân thân và trình độ học vấn, dù chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở (cấp I) ông Tiếp xài bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc, ghi tên Đoàn Xuân Tiếp, số 0334833/BTPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp năm 2003. Theo bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, danh sách tốt nghiệp kỳ thi Bổ túc – trung học phổ thông ngày 3-6-2003 tại Hội đồng thi Cầu Giấy, TP Hà Nội, không có tên Đoàn Xuân Tiếp, sinh năm 1950, trong danh sách đậu tốt nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, Đoàn Xuân Tiếp còn xài thêm bằng giả “cử nhân tại chức” Trường ĐH Mỏ – Địa chất, khóa học 2005 -2010. Ngày 12-6-2023 Trường Đại học Mỏ – Địa chất có văn bản số 455/MĐC- ĐTĐH, xác nhận, Đoàn Xuân Tiếp, sinh ngày 19-5-1950, chưa từng học tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất, không có tên trong sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp. Vậy là bằng tốt nghiệp đại học số hiệu 00107535, số vào sổ cấp bằng SĐ50-76 ngày 4-5-2010 mang tên Đoàn Xuân Tiếp là đồ giả.
Ảnh: Bằng đại học và bảng điểm của Đoàn Xuân Tiếp, cùng công văn trả lời của trường Đại học Mỏ – Địa chất. Nguồn: Tác giả gửi tới TD
Có bằng “cử nhân”, ông Tiếp mua tiếp bằng thạc sĩ mang tên Đoàn Xuân Tiếp do Trường đại học Bulacan State (Bulacan State University – BSU), Philippines cấp, để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở… Malaysia!
Gia đình Đoàn Xuân Tiếp điều hành trường đại học ở Kinh Bắc. Ông Tiếp làm chủ tịch Hội đồng trường. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng làm Phó chủ tịch Hội đồng kiêm trưởng Ban tài chính. Con trai ông Tiếp là Đoàn Xuân Tĩnh làm chủ tịch HĐQT. Một người con trai nữa của ông ta tên Đoàn Xuân Toản làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Phó Hiệu trưởng trường. Còn lại, từ hiệu trưởng trở xuống, tất cả đều được gia đình ông Tiếp ký hợp đồng làm thuê.
Từ đó phát sinh câu chuyện cười ra nước mắt: Bà Nguyễn Thị Minh Châu, sinh năm 1958, hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Châu được gia đình Đoàn Xuân Tiếp mời về làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh Bắc. Giai đoạn 2018-2019 xảy ra “Vụ án cấp Văn bằng 2, ngành Ngôn ngữ Anh giả mạo” tại Đại học Kinh Bắc.
Mặc dù số tiền kiếm lợi bất hợp pháp 4,6 tỷ đồng từ vụ án nói trên được chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, vợ ông Đoàn Xuân Tiếp; thế nhưng, tại bản án số 30/2021/HS-ST ngày 22/3/2021, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt bà Nguyễn Thị Minh Châu, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc 5 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”. Phó hiệu trưởng nhận án tù, trong khi hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc và cả gia đình Đoàn Xuân Tiếp đều bình an vô sự.
Đại học Kinh Bắc được giới thiệu có 200 giảng viên gồm 9 giáo sư, 25 phó giáo sư, 35 tiến sĩ, 131 thạc sĩ. Trường đào tạo gồm 18 ngành học, có cả Y khoa và Dược khoa. Số lượng sinh viên đang theo học hơn 10.000 sinh viên, Đại học Kinh Bắc còn được phép đào tạo cả cao học và cấp bằng… thạc sĩ.
Ngoài việc gian lận bằng cấp, học vị, Đoàn Xuân Tiếp còn tha hoá trong đạo đức và lối sống. Có nhiều đơn thư tố cáo ông Tiếp cặp bồ với sinh viên trong trường, sống như vợ chồng với những cô gái chỉ đáng tuổi con cháu mình. Để đối phó dư luận, đầu tháng 5-2023, Đoàn Xuân Tiếp xin từ chức vì lý do … sức khỏe. Bốn tháng sau, ngày 6-9-2023, ông ta có thư thông báo quay trở lại chức Chủ tịch Hội đồng trường.
Ảnh chụp thông báo của Đoàn Xuân Tiếp giả vờ từ chức. Nguồn: Tác giả gửi tới TD
Video Player
00:00
03:19
Clip bà Hồng, vợ ông Tiếp đánh ghen. Nguồn: Tác giả gửi tới Tiếng Dân
Điều không thể tin được trong thế kỷ 21, xuất hiện một “thầy giáo” chỉ học hết cấp một nhưng xài bằng cử nhân giả, thạc sĩ dỏm … như Đoàn Xuân Tiếp lại “dắt mũi” cả hệ thống chính trị, làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đại học, nơi có cả chục ngàn sinh viên theo học. Một kẻ lừa đảo, dối trá, lại được nhận Bằng khen Chính phủ, được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Ảnh: Bốn “thạc sĩ” trong gia đình Đoàn Xuân Tiếp là HĐQT Trường Đại học Kinh Bắc. Nguồn: Vietstock
Đến Thượng tá, Phó Trưởng khoa Đại học Cảnh sát
Phạm Văn Hùng sinh năm 1976, quê Bắc Giang, hộ khẩu thường trú (HKTT) tại 148/30 Hoàng Diệu 2, khu phố 4, phường Linh Chiểu, Thủ Đức, TPHCM. Hùng tốt nghiệp Học viện An ninh, có học vị tiến sĩ, cao cấp chính trị. Cấp bậc của Hùng hiện nay là Thượng tá công an, Phó trưởng khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội Nhân văn, trường Đại học Cảnh sát TPHCM, có trụ sở tại 36 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM.
Có lẽ đồng lương cao vút, cộng thêm bổng lộc cùng đặc quyền, đặc lợi quá nhiều từ ngành công an, mật vụ, đã khiến cho Phạm Văn Hùng biến thái, ăn chơi rửng mỡ, đốn mạt đến suy đồi đạo đức.
Tối ngày 21-10-2023, Phạm Văn Hùng gọi cô “gái nhảy” Nguyễn Thị Mỹ Miều (tức Đào) 17 tuổi (sinh năm 2006), HKTT tại ấp Phước Thuận 1, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, đến căn hộ số 03.10, chung cư ICON, số 56 Bến Vân Đồn, phường 13, quận 4, TPHCM, để sử dụng ma tuý và quan hệ tình dục với Hùng và một đồng bọn của hắn, cũng là một sĩ quan cảnh sát.
Đến sáng 22-10-2023, Miều xin Hùng cho về, Hùng yêu cầu Miều phải kiếm một cô gái khác thay thế. Miều dụ được một bé gái 15 tuổi, tên Nguyễn Ngọc Anh Thư, sinh năm 2008, con của chị Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1989, HKTT tại đường số 21, Tân Quy, Quận 7, TPHCM, đến để “phục vụ” cho Thượng tá Phạm Văn Hùng.
Chân dung Thượng tá Phạm Văn Hùng. Nguồn: Tác giả gửi tới Tiếng Dân
Trong cơn ngáo đá và cuồng dâm, Phạm Văn Hùng đã ép cô bé 15 tuổi dùng ma tuý đến đến kiệt sức và sốc thuốc mà chết. Cũng có thông tin, trong cơn ngáo đá và thác loạn, Hùng đã bóp cổ bé Thư đến ngạt thở. Một số người ở chung cư phát hiện, đã đưa bé Anh Thư đến bệnh viện, nhưng cháu bé đã tử vong.
Sự việc lan ra chấn động thành Hồ. Không không thể che đậy được nữa, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TPHCM phải tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Hùng về hành vi “Mua dâm người dưới 18 tuổi”.
Ngày 3-11-2023, để trốn trách nhiệm, lãnh đạo trường Đại học Cảnh sát Nhân dân có thông báo gửi đến công an các đơn vị, một số địa phương, học viện, trường, bệnh viện CAND về việc kỷ luật cán bộ. Theo thông báo, vị phó khoa này bị kỷ luật bằng hình thức “tước danh hiệu Công an nhân dân” từ ngày 1-11-2023, loại bỏ Hùng ra khỏi đội ngũ giảng viên.
Thông báo của trường Đại học CSND về vụ kỷ luật Phạm Văn Hùng
Một vụ án rất nghiêm trọng, liên quan đến cái chết tức tưởi, oan ức của một cháu bé 15 tuổi, nhưng cả hệ thống báo đảng đều dửng dưng, vô cảm, đưa tin lấp lửng, đánh lừa dư luận. Cơ quan điều tra CA thành Hồ đã che giấu tình tiết, nội dung vụ án, cũng như bao che nhân thân tội phạm và hành vi vô nhân tính của Phạm Văn Hùng.
Rồi đây một phiên toà xử kín sẽ diễn ra, âm thầm xét xử Phạm Văn Hùng. Khung hình phạt thấp nhất là 7 năm tù và cao nhất 15 năm tù theo khoản 3, Điều 329, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, dân chúng sẽ không có quyền được biết và luận bàn vụ án này.
Thật xấu hổ, khi một trường đại học cảnh sát “Vì nhân dân phục vụ” lại có một “đồng chí” Phó Trưởng khoa Lý luận Chính trị, là quỷ dữ đội lốt thầy giáo như Phạm Văn Hùng. Nếu vụ này không bị lộ, chắc chắn Hùng sẽ được phong hàm Phó giáo sư, tiếp tục rao giảng đạo đức, rồi trở thành nhân tố “điển hình” cho mọi người “học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”.
Nền giáo dục XHCN đã đúc ra những ông bà “thầy” đảng viên thật là đẹp mặt chế độ này!