CHÚA ĐẾN Ở ĐÂY VÀ NGAY BÂY GIỜ

CHÚA ĐẾN Ở ĐÂY VÀ NGAY BÂY GIỜ

Trần Mỹ Duyệt

Mỗi lần nghe hoặc nói đến hai chữ “Chúa đến”, phản ứng đầu tiên của nhiều người là nghĩ ngay đến biến cố của hơn 2000 năm trước tại cánh đồng Belem, vào một đêm Đông lạnh lẽo. Ngày đó, Ngôi Hai Thiên Chúa mặc xác phàm, giáng trần làm người. Nhưng nếu nhìn biến cố này với cặp mắt và suy tư mang mầu sắc tôn giáo, thì biến cố ấy được tin là qua việc hạ sinh, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để giải thoát nhân loại khỏi tội, khỏi ách thống trị của Satan. Ngài đến để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.

Nhìn và suy ngắm việc Chúa đến bằng cặp mắt đức tin, thì biến cố này không chỉ dừng lại ở hành động suy diễn, và nhắc lại những gì đã xẩy ra tại cách đồng Belem trước đây. Đúng hơn, đó là lời nhắc nhở ta rằng Chúa không chỉ đã đến, mà Ngài đang đến, và sẽ đến: Ngài đến ở đây và ngay bây giờ.  Tư tưởng này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn việc Chúa đến có liên quan gì với ta, và làm cách nào biến cố ấy lại trở thành biến cố giải thoát ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, và đem lại cho ta ánh sáng và ơn cứu độ.

“Chúa đến ở đây và ngay bây giờ”. Ta có thể căn cứ vào ý nghĩa của việc Ngài giáng trần để liên kết với mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ. Đồng thời hướng ta về với sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chính mỗi người qua những giai đoạn được gọi là những thời khắc Chúa đến:

Chúa đến qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Chúa đến qua những Bí Tích.

Chúa đến qua giờ chết.

Chúa đến trong ngày Quang Lâm.

Chúa đến qua Mầu Nhiệm Nhập Thể: Đây là những gì mà nhân loại đang nô nức chuẩn bị mừng ngày kỷ niệm. Hơn 2000 năm trôi qua, biến cố Belem vẫn được nhắc đến hằng năm.

Như những tổ phụ của Do Thái xưa, họ đã mỏi mòn trông chờ Chúa đến, nhưng khi Ngài đến thì lại không ai thèm để ý và đón tiếp. Chính vì thế, Ngài đã phải hạ sinh trong một cái chuồng chăn súc vật ngoài thành Belem. Nhân loại ngày nay chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Chúa đến cũng bằng một thái độ tương tự. Đối với phần đông, Giáng Sinh chỉ là một lễ hội, mà ý nghĩa tôn giáo đã hầu như bị coi thường, quên lãng.

Chúa đến qua những Bí Tích: Đối với người Kitô hữu, việc Chúa Giêsu hiện diện và ban ơn qua các Bí Tích là hành động “đến” của Ngài với mỗi nguời chúng ta. Do quyền năng, và tình yêu Chúa hằng ngày, hằng giờ, và hằng phút vẫn đến với con người và từng người qua đời sống ân sủng nhờ các Bí Tích.

Qua Bí Tích Thánh Tẩy, Ngài đến với ta,  rửa sạch tội ta, và đem ta vào với ân sủng của Ngài. Nhờ đó ta được làm em của Ngài, làm con Cha trên trời. Thật ra, nếu không được rửa sạch tội khiên, được tháp nhập vào Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, ta dù có đón mừng kỷ niệm cuộc giáng trần của Ngài, vẫn không được đón nhận vào đoàn con của Ngài, và được thông phần hạnh phúc nước trời.

Để ban cho ban sức mạnh, sự khôn ngoan, ơn can đảm, và những ơn huệ cần thiết khác giúp ta sống đời Kitô hưu cách trưởng thành, Chúa đã đến với ta quan Bí Tích Thêm sức.

Rồi mỗi lần ta đáp lại ơn gọi của Ngài, là một lần Chúa lại đến và lại mời gọi ta. Ngài gọi ta làm chứng nhân Tin Mừng bằng đời sống tu hành, tận hiến. Hay Ngài gọi ta cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng, và làm đẹp cho cuộc sống bằng ơn gọi hôn nhân, gia đình. Hoặc Ngài gọi ta vào những ơn gọi, bậc sống riêng biệt khác.

Nhưng khi ta yếu đuối, sa ngã, lỡ lầm, Ngài lại đến để an ủi, nâng đỡ, và tẩy sạch ta qua Bí Tích Hòa Giải. Ở đó, Ngài giang rộng vòng tay đón ta, và tha thứ, phục hồi ơn gọi làm con Thiên Chúa cho ta.

Nhất là hàng ngày, hàng tuần bạn đến với Ngài trong Thánh Lễ, ở đó, Ngài nuôi ta bằng Lời Ngài, và Mình Máu Thánh Ngài. Trong Thánh Thể, Ngài nhắc lại với ta lời Ngài đã nói khi xưa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đến, và đồng bàn với ta như Ngài đã đến và ăn tại nhà Phêrô, Gia Kiêu, và nhà của chị em Maria, Mattha, và Lazarô. Ta có thấy mình trở thành hãnh diện và diễm phúc lắm không? Cái đặc ân mà ở thời Ngài, ít người được hưởng.

Và khi ta dọn mình, chuẩn bị bước vào một cuộc hành trình mới, cuộc hành trình đi về vĩnh cửu thì Ngài lại đến để an ủi, để tăng thêm sức mạnh, và nhất là để giúp ta vững tin rằng Ngài luôn luôn ở đó bên ta. Bí Tích Xức Dầu chính là sự xuất hiện gần gũi, đầy tin tưởng nhất để giúp ta nhận ra tình Ngài, sự có mặt của Ngài trước giờ lâm chung.

Chúa đến qua giờ chết: Dù là người có tín ngưỡng hay không có tin ngưỡng, ta cũng sẽ nhận ra điều này, đó là không ai hết, không phải do thần chết đã gọi ta, đã bắt ta, đã cất mạng sống ta, nhưng là do chính Thiên Chúa đã dùng cách ấy để đem ta ra khỏi thế gian này. Để đem ta lại gần Ngài, và để ta ở với Ngài trong đời sống vĩnh cửu. Đức Tin dậy ta như thế, và ta cần phải tin như thế.

Nếu cuộc đời này là một bể khổ, thì cái chết là cần thiết để đưa ta ra khỏi bể khổ ấy. Thiên Chúa là Thiên Chúa tình thương. Ngài không muốn nhìn ta mãi bơi lội trong bể khổ này.

Nếu cuộc đời là một hành trình đi về viên miễn, thì Chúa đến đưa ta về nơi hạnh phúc ấy. Qua cái chết, ta sẽ nhận rõ hơn gương mặt yêu dấu của Ngài.

Chúa đến ngày Quang Lâm: Đây là những gì Đức Tin dậy: “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại. Tôi tin hằng sống”. Đây là lần xuất hiện cuối cùng và là lần xuất hiện vinh quang của Ngài trước mặt toàn thể nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến ngày ấy. Bạn và tôi chúng ta đều có mặt trong ngày ấy để đón Ngài. Tuy nhiên, tùy vào niềm tin, tùy vào cuộc sống, và tùy vào cái chết của mỗi cá nhân, mỗi người có một thái độ đón tiếp khác nhau.

Ngày hôm ấy, ta sẽ được nhìn lại một cách rõ ràng, chi tiết hơn tất cả thời gian mà Chúa đến với ta. Mỗi thời điểm ấy mang tín hiệu, lời mời gọi, hay sứ vụ gì? Số phận của ta tuy đã được quyết định trong ngày chết, nhưng hôm nay chỉ là một lần nữa cái số phận ấy được công bố cho toàn thể nhân loại biết, để cho thấy ta là ai, Thiên Chúa là ai trong cuộc đời ta, và thái độ ta đón rước Ngài như thế nào.

“Chúa đến ở đây và ngay bây giờ”. Thiên Chúa là Đấng làm chủ thời gian, Ngài là Nguyên Thủy và Cùng Đích. Việc Ngài đến với nhân loại, với mỗi người chúng ta không bị lệ thuộc vào thời gian. Nó luôn luôn là một hiện diện trước mặt và ngay bây giờ. Chuẩn bị mừng Mầu Nhiệm Giáng Trần, là dịp để ta suy nghĩ về sự hiện diện và có mặt của Ngài trong cuộc đời mỗi người. Ngài là Thiên Chúa giáng trần, nhưng là một Emmanual – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa đã đến. Ngài đang đến. Và Ngài sẽ đến. Hãy sẵn sàng chờ đợi và đón tiếp Ngài.

Chúa đến ở đây và ngay bây giờ. Chuẩn bị mừng Mầu Nhiệm Giáng Trần, là dịp để ta suy nghĩ về sự hiện diện và có mặt của Ngài trong cuộc đời mỗi người. Ngài là Thiên Chúa giáng trần, nhưng là một Emmanual – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa đã đến. Ngài đang đến. Và Ngài sẽ đến. Hãy sẵn sàng chờ đợi và đón tiếp Ngài.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay