Thục Quyên
23- 9- 2023
Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Graham Martin được sơ tán bằng trực thăng khỏi Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Lúc 7h53, chiếc trực thăng cuối cùng của Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng cất cánh, đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi chủ động gây ra một cuộc chiến đẫm máu kéo dài 20 năm (1955- 1975) nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam, mà họ gọi là “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước”, rồi 48 năm sau đó, họ không ngừng khoe rằng, đó là “chiến thắng đẩy lùi trận địa của Chủ nghĩa Đế Quốc, mở rộng trận địa của Chủ nghĩa xã hội” (1); ngày 10/09/2023, họ đã hân hoan đón Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, rồi ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Bản Tuyên bố chung nhấn mạnh, hai nước sẽ “cùng nhau hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới”.
Trong đó (2), đôi bên cam kết sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực:
– Quan hệ chính trị – ngoại giao
– Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư
– Hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo
– Hợp tác giáo dục đào tạo
– Hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế
– Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh
– Hợp tác về quốc phòng – an ninh
– Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
– Phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế
Tóm lại, đó là tất cả những lĩnh vực hợp tác khi xưa giữa chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (1955- 1975) và Hoa Kỳ, với một vài triển khai để thích hợp với thời đại văn minh toàn cầu hóa hiện nay.
Cần 68 năm để Đảng Cộng Sản Việt Nam tìm thấy con đường này và hiểu rằng đó chính là “nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động”.
Dù thế hệ của người Việt trẻ hôm nay không bị ràng buộc bởi những ngậm ngùi đổ vỡ, máu và nước mắt, hay những ý tưởng thua – thắng chính trị Quốc – Cộng của những thế hệ cha – ông, nhưng hai phần ba thế kỷ chậm trễ, không theo đà tiến hoá của thế giới là một lo ngại đáng kể cho cả dân tộc.
Một sự thay đổi đường hướng ngoại giao dù có được thực hiện đúng tiêu chuẩn cũng không đủ khả năng để tạo sức mạnh cho đất nước. Làm sao để Việt Nam bù đắp lại sự xuất huyết những tinh anh của dân tộc, một sự xuất huyết thường trực từ thời Pháp thuộc, kéo dài đến thời chiến tranh, tiếp theo bởi những bất công, o ép triền miên những người tài, cho tới ngày nay chưa hề chấm dứt?
Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hợp tác giáo dục đào tạo, hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế… tất cả đòi hỏi nhân lực với kỹ năng mới, lao động với công nghệ cao.
Óc sáng tạo cần môi trường tự do để trao đổi ý tưởng, và trong thời đại toàn cầu hóa cần tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế mới có thể cạnh tranh lành mạnh với các quốc gia khác. Mọi vấn đề cần chuyên viên có trình độ để hiểu và giải quyết tận gốc.
Những tuyên bố có cánh hay tăng tốc những hình phạt không thay đổi tình trạng nếu không có giải pháp thích nghi. Thí dụ, nếu bị bỏ mặc ngư dân Việt Nam một mình đối phó với tàu Trung quốc tấn công truy đuổi trên biển nhà, để kiếm sống, ngư dân (3) Việt Nam vẫn sẽ liều mạng ra đánh bắt ở những vùng biển nước ngoài, bất chấp mọi đe dọa, hình phạt.
Hoặc muốn thu hút đầu tư thì phải chú trọng huấn luyện để tạo ra người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã phải lên tiếng báo động rằng nguồn lao động giá rẻ không còn là lợi thế thu hút đầu tư. Việc từ chối không bàn chuyện tăng lương tối thiểu (4) chỉ là một thái độ bóc lột người lao động chứ không giúp Việt Nam có cơ hội cạnh tranh tốt.
Ngay cả chiến dịch “đốt lò” của ông Tổng bí thư Trọng nhằm ra tạo hình ảnh tốt đẹp với các quốc gia đối tác, vì tất cả những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có những ràng buộc rất nghiêm khắc, liên quan đến tham nhũng; cũng mau chóng bị nghi ngờ vì chính chế độ cộng sản không có cơ chế kiểm soát, nên thuận tiện đẻ ra tham nhũng.
Tuyên bố chung ngày 10-9-2023 về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên “Đối tác chiến lược toàn diện“, là một cánh cửa cơ hội đáng mừng. Nhưng muốn nắm cơ hội để tiến lên thì chính phủ Việt Nam cần phải quyết tâm “vượt qua chính mình”, gạt bỏ mọi sợ hãi, kỳ thị, để mời sự đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, cũng như phải có một chính sách thu hút nhân tài thật sự, trong và ngoài nước.
Quan trọng nhất hiện nay để thành công là, một khuôn khổ pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng lộng quyền, giúp điều hành thích ứng luật lệ Việt Nam với luật lệ quốc tế (những quốc gia đối tác).
_____
(1) Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội lần thứ IV có đoạn: “… Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của Chủ nghĩa Đế quốc, mở rộng trận địa của Chủ nghĩa Xã hội, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa Xã hội“.
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum- 66886405
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c04jl2ynlzgo