Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thăm Việt Nam ngày 10/9 để gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các quan chức cấp cao khác, Nhà Trắng cho hay hôm thứ Hai.
Ông Biden sẽ tới Hà Nội, nơi ông sẽ “bàn các cách làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. Ông sẽ tới Việt Nam sau một chuyến thăm nhiều ngày tới Ấn Độ để dự Thượng đỉnh G20, Nhà Trắng thông báo.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ “khuyến khích sự phát triển của một nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và được thúc đẩy bởi cải tiến,” cũng như mở rộng trao đổi giáo dục.
Cuộc gặp giữa hai bên cũng sẽ bàn các cách để “chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực. “
Hồi đầu tháng Tám, ông Biden tuyên bố ông sẽ sớm sang Việt Nam, và rằng Hà Nội “muốn thay đổi mỗi quan hệ giữa chúng ta và trở thành một đối tác”.
Ngoài việc có quan hệ thương mại ngày một gần gũi, Hoa Kỳ và Việt Nam đều chung quan ngại về sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á căng thẳng hơn trong những năm qua, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines, do những tuyên bố về chủ quyền hàng hải không có cơ sở ở Biển Đông.
Washington và Hà Nội cam kết hồi tháng Tư sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao khi Ngoại trưởng Antony Blinken ghé qua Hà Nội trên đường đi dự hội nghị các ngoại trưởng G7 ở Nhật.
Ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng có cuộc điện đàm hồi tháng Tư.
Hồi năm ngoái, ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi vị lãnh đạo Trung Quốc được bầu tiếp tục giữ ghế chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba.
Bình luận về khả năng Hà Nội và Washington nâng quan hệ Mỹ-Việt vượt cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, ngang tầm với Trung Quốc và LB Nga, TS Đinh Hoàng Thắng, nhà nghiên cứu Chính trị học, nguyên là Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, bình luận với BBC hôm 25/8:
“Về nước Mỹ, câu chuyện nhiều phần có liên quan đến các cuộc vận động tái tranh cử của TT Biden. Ông ấy muốn cho cử tri Mỹ thấy tương lai tươi sáng trong đại chiến lược “răn đe tích hợp” của Hoa Kỳ, ứng phó với chính sách bành trướng của TQ trên Biển Đông, cũng như trong không gian FOIP (Ấn Thái Dương tự do và rộng mở). Trên thực tế, các chiến lược gia cỡ như Điều phối viên ANQG Campbell hay Cố vấn ANQG Sullivan có nhằm đến vị trí của Singpore, Việt Nam, Thái Lan… trong chiến lược “xoay trục” lớn của Mỹ và phương Tây. Vì thế, “Đối tác chiến lược Việt – Mỹ” đã xuất hiện như một đòi hỏi khách quan.
“Về phía VN, đây là lúc VN có cơ hội để tách dần khỏi “gọng kìm lịch sử” Trung Quốc. Nhưng từ cơ hội ấy đến khi thiết lập được một “lòng tin chiến lược” trên thực tế với Hoa Kỳ, bằng các bước đi thực chất, rồi tới các hiệp định, các hiệp ước thì cũng chưa thể xảy ra trong thời gian trước mắt.”