GIÔNG BÃO CUỘC ĐỜI
Đứa cháu họ của tôi qua đời chỉ ba tuần truớc ngày đám cưới. Hai mươi bốn tuổi, trai tráng, khôi ngô, đời tràn ngập sức sống. Bỗng một chiều, cháu mệt. Vào bệnh viện, rồi ra đi. Để người con gái sắp cưới ở lại, ôm nỗi đau khó diễn tả. Mong một ngày làm vợ và làm dâu chưa thành. Cô khóc không còn nước mắt. Có ngàn giọt nước mắt người thân đến chia sẻ, nhưng không thể giúp vơi niềm đau. Cô dựa vào lòng chị tôi, người mẹ chồng tương lai, để tìm sức mạnh. Nhưng chị tôi cũng yếu đuối như người con gái ấy. Cả hai ôm nhau đứng trước cơn giông bão cuộc đời quá lớn, có sức phá vỡ tất cả nghị lực và cuốn trôi tất cả niềm tin. “Chúa ở đâu trong cơn giông bão ấy?”
Những người đạo đức trong xứ đến an ủi chị, “Có lẽ là thánh ý Chúa, anh chị cố gắng chấp nhận.” Chị tôi ngậm ngùi, không dám phản ứng trước lời an ủi. Trong đáy sâu tâm hồn, chị thầm hỏi “Tại sao lại là Thánh Ý Chúa?” Rồi chị thinh lặng trong nỗi đau. Ngày tháng qua đi, chị vẫn chưa hiểu nổi tại sao bão tố đến với gia đình chị. Đau khổ vẫn mãi mãi là một nhiệm mầu sâu thăm thẳm chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bước đi trong niềm tin xen lẫn nước mắt vẫn là hành trình của người Kitô Hữu.
Đôi khi, người ta tìm được chút ánh sáng trong những trang sách xưa cũ. Kinh thánh kể về một gia đình đơn côi trong một làng nghèo ở Bethania. Làng này nghèo hơn tất cả các làng nghèo chung quanh vùng phụ cận Giêrusalem. Một trong những lý do Chúa Giêsu hay lui tới làng này, là vì họ nghèo. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho dân nghèo. Làm bạn, kết thân, rồi gắn bó với họ.
Có một gia đình đơn côi, không cha không mẹ. Gia đình của ba chị em Matha, Maria và Lazarô. Rồi một ngày, Lazarô lâm bịnh rồi ra đi khi Chúa Giêsu chưa kịp đến. Hai người chị Matha và Maria, tuổi còn xuân xanh, đối diện với sóng gió cuộc đời. Người em trai duy nhất ngã xuống, mảnh nương tựa của cảnh đời đơn côi rạn vỡ. Hụt hẫng, hoang mang, giông bão cuộc đời kéo đến. Thách đố số phận; thách đố niềm tin. Những ngày đưa tang về thấy căn nhà trống vắng, thiếu tiếng nói cười của người yêu thương. Lời nguyện trong đêm từ nay xen lẫn nhiều nước mắt.
Phúc âm ghi rõ, người mà Thầy thương mến đang ốm nặng. Biết người mình yêu mến đang lâm nguy tại sao Chúa không đến ngay? Tôi cứ mãi băn khoăn, sao người thầy thương mến lại phải đối diện với những nỗi đau mênh mông đến thế. Sao người thầy thương mến phải nằm trong mồ? Những lần khác Chúa đến đúng giờ, nhưng khi người thân yêu đau khổ, Chúa lại đến trễ. Tại sao Chúa lại để người theo Chúa phải nằm trong nhiều nấm mồ của cuộc đời? Mồ bệnh tật, mồ thất bại, mồ bị phản bội, mồ cô đơn, và nhiều nấm mồ khác.
Tôi không có câu trả lời thỏa đáng, chỉ mong tìm một chút ánh sáng từ câu chuyện Tin mừng: đó là Thiên Chúa không làm ngơ trước đau khổ. Phải tin tưởng điều này mới mong có ngày bước ra khỏi những nấm mồ cuộc đời. Nếu không, bệnh viện tâm thần sẽ không còn chỗ chứa. Ngài hiện diện qua sự nâng đỡ của tình người và nhất là qua ân sủng. Thánh Phaolô cũng cảm nhận, “Ơn ta đủ cho con.”
Đứng Bên Thập Giá
Ngành tâm lý ngày nay giúp hiểu rằng, đau khổ được biến đổi nhờ sự nâng đỡ của người khác. Có nghĩa là, không phải đau khổ nào cũng đưa con người đi đến một kết quả xấu. Nếu đau khổ được nâng đỡ bởi tình yêu và nhờ ân sủng, một cuộc biến đổi sẽ diễn ra. Do đó, đau khổ lớn nhất không phải là chính biến cố đau khổ, nhưng phải đi qua đau khổ trong cô đơn mới là kinh nghiệm đớn đau nhất. Hai ngàn năm trước, phúc âm đã dọi vào cuộc đời ánh sáng này, khi trình bày cảnh thập giá có bóng dáng của người thân yêu. “Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.” (Ga 19, 25) Sự hiện diện yêu thương này đã giúp Đức Giêsu đi trọn con đường đau khổ ở một giây phút hệ trọng nhất của sứ mạng.
Vậy đau khổ có khi không còn là vì do Chúa trừng phạt như người ta hay nghĩ, nhưng có khi lại là lời mời gọi để đi đến tận cùng của thân phận làm người. Lắm khi trong đau khổ, người ta lại cảm nghiệm được giá trị thật của cuộc sống. Như Gandi có lần diễn tả, một con người muốn đạt đến chiều cao của tâm linh, người ấy có khi phải đụng chạm đến cái vực sâu khốn khổ của thân phận làm người. Chúa để người thân của mình đối diện đau khổ, học những bài học từ đau khổ, và để can đảm sống niềm tin giữa những dằng co trong đó xen lẫn cả đắng cay và ngọt ngào. Cuộc đời này chưa phải là vĩnh cửu của Thiên Đàng.
Có khi Thiên Chúa để tôi bước vào mầu nhiệp đau khổ để cảm nghiệm sự bất hạnh của một nhân loại đang thật quá đau khổ. Nếu như thế, giông bão của cuộc đời có khi là một sứ mạng để bắt đầu biết yêu thương. Tôi sợ sứ mạng này, đó là những “chén đắng” cho đời tôi, nhưng có khi lại là niềm nâng đỡ cho anh chị em mình đang đau khổ.
Chén đắng này Chúa uống cạn, để giúp tôi hiểu về đau khổ. Hôm nay, Chúa mời gọi tôi nếm từ từ. Tôi hiểu như thế, nhưng chưa bao giờ nói với chị mình tại sao chị phải uống chén đắng của đời mình. Hy vọng một ngày nào đó khi nắng bình minh của tâm hồn rọi chiếu, chị sẽ khám phá cho chính mình ý nghĩa của từng nỗi đau của một người mẹ mất đi đứa con yêu thương, nhưng trong sâu thẳm vẫn tin rằng Chúa vẫn không bỏ rơi mình.
Nguyễn Thảo Nam
http://tinvahyvong.blogspot.com/
From: ThiênKim