Giuse Thẩm Nguyễn
Khi nghĩ về những hồng ân, người đời thường nghĩ về những điều phúc, điều lành, chứ không ai coi cái họa, cái xui là hồng ân cả. Tuy nhiên, câu thành ngữ : “tái ông thất mã, an tri họa phúc”, có nghĩa là “ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc” thì chứng tỏ phúc hay hoạ là do chúng ta thôi.
Chuyện Tái Ông Mất Ngựa trong sách Hoài Nam Tử như thế này: Ông lão ở nước Hồ bị mất một con ngựa, tưởng là xui. Ai ngờ vài tháng sau, con ngựa kéo thêm cho ông con ngựa khác, tưởng là phúc. Có ngựa nên con trai ông cưỡi ngựa bị gãy chân, tưởng là hoạ. Bị gẫy chân nên con trai của ông được miễn đi lính, tưởng là phúc….
Cái vòng luẩn quẩn phúc và họa ấy sẽ chấm dứt khi con người chết.Chết là hết chuyện. Thật vậy đối với đời sống con người cái chết là kết thúc mọi chuyện. Dù khi sống người ấy có là ông này bà kia, có giàu sang phú quý, hay nghèo hèn thế nào thì chết cũng là hết. Bởi thế không bản án nào nặng bằng bản án tử hình, tức là cướp đi sự sống của một người. Nói một cách khác, sự sống là món quà quý nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.
Chết quả là sự cay đắng cho những ai chỉ cậy dựa và muốn hưởng thụ thế gian này, nhưng chết đối với người tin Chúa thì lại là niềm hy vọng được trở về hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra mình.
Đối với đức tin Công Giáo, thì sống cũng là hồng ân mà chết cũng là hồng ân, nếu cái chết ấy được chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng về hưởng Tôn Nhan Chúa. Thánh Phaolô quan niệm sự sống và sự chết của Ngài như thế này “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi “. (Pl 1,21
Theo quan niệm nhân gian, thì điều gì mình thích thì gọi là phúc, điều gì mình không thích thì gọi là họa. Sống thọ, có sức khỏe tốt, được người ta kính trọng, được giàu có thì ta gọi là phúc (hên). Ngược lại chết chóc, bệnh tật, bị hiểu lầm, bị nghèo đói thì gọi là họa (xui).
Cho nên trong các lời rao đầu lễ Chúa Nhật, tôi thường nghe thấy những lễ xin tạ ơn như được khỏi bệnh, được thăng chức, được thi đỗ, được có việc làm, được bằng an.. chẳng bao giờ tôi nghe thấy xin lễ tạ ơn vì đã bị bệnh, đã bị hiểu lầm, đã thất nghiệp, đã bị đau khổ… mà thực ra những điều chúng ta không thích cũng là hồng ân Chúa ban để giúp ta đến gần Chúa.
Suy tư về điều phúc và họa, tôi giật mình khi thấy đã bao lần tôi cất tiếng trong nhà thờ đọc kinh ‘Tám Mối Phúc Thật” mà chẳng ý thức về những điều Hội Thánh dạy.
Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó, người hiền lành, người sầu khổ, người đói khát sự công chính, người từ tâm, người có tâm hồn trong sạch, người kiến tạo hòa bình, người bị bách hại vì sự công chính, người bị xỉ nhục, bị bắt bớ, bị nói xấu, bị đặt điều vì Danh Chúa.
Tôi không biết có bao nhiều người hiện diện trong nhà thờ cầu mong những điều phúc này. Toàn là những điều mà thế gian gọi là tai họa, thế mà những người Công Giáo đích thực lại cho là có phúc?
Cái phúc ở đây ,theo người tin Chúa, là những cơ hội dẫn đưa ta về với Chúa là hạnh phúc cùng đích của đời sống. Sống không phải chỉ là sống mà là chuẩn bị cho sự sống bất diệt sung mãn cùng với Chúa Yêu Thương trong nước của Người.
Lần tìm trong Sách Giáo Lý Công Giáo, tôi được hiểu thêm: “Những phúc thật này vẽ lên khuôn mặt Chúa Kitô và mô tả đức bác ái của Người. ..Các phúc thật là những lời hứa nghịch lý để nâng đỡ niềm hy vọng trong những lúc gian truân, loan báo nhưng phúc lành và những phần thưởng mà các môn đệ của Chúa đã âm thầm đạt được.” (GLCG, câu 1717)
Người đời cho rằng trúng xổ số là có phúc, vậy mà theo báo Houston, ông Bille đã tự tử vì những đồng tiền từ trên trời rớt xuống ấy. Phóng viên Steve viết trong báo Houston rằng: ông Bille Bod Harrel Jr đã trúng 31 triệu dollars độc đắc bang Texas. Lúc đầu mọi sự đều tuyệt vời…Ông dùng tiền mua nhà, xe, làm từ thiện. Ông có thêm rất nhiều bạn… nhưng chỉ 20 tháng sau, gia đình ông tan tác, ông bị vỡ nợ và đã tự tử. (From A Treasury of Terribly sad Stories of Lotto Winners)
Có ai khổ cực trăm bề bằng những người Công Giáo bị bắt đạo thời xa xưa. Họ bị hành hạ thể xác, hành hạ về tinh thần và phải chịu chết một cách dã man. Thế mà đối với chúng ta, các Ngài đã được phúc tử đạo.
Tôi đã nghe và rất thích bài hát “ Tất Cả Là Hồng Ân”, tác giả cho rằng có những biến cố chúng ta cho là phúc, có những điều khác chúng ta cho là họa thì đối với Thiên Chúa Tất Cả Là Hồng Ân.
Những phúc/họa này có mục đích hướng chúng ta nhận biết sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình và giúp chúng ta yêu mến Chúa nhiều hơn, giúp chúng ta đạt được mục đích đầu tiên khi được sinh ra trong cõi đời này là “ thờ phượng và yêu mến Chúa”. Như thế trong đời sống đức tin Công Giáo không có gì là họa, mà tất cả là hồng ân. Chúng ta phải cảm tạ Chúa về mọi hồng ân Chúa ban cho mình.
Một bài thánh ca khác “ Khúc Ca Tạ Ơn”, tác giả cho rằng cuộc đời chúng ta được dệt bằng những niềm vui hân hoan hoà lẫn với những nỗi buồn da diết, những phút cười vui an bình pha lẫn những thử thách, long đong. Tất cả dệt thành Khúc Ca Tạ Ơn.
Nếu đời của chúng ta găp toàn chuyện may lành, thì chúng ta không biết giá trị của đau khổ, ngược lại nếu đời toàn là đắng cay thì cuộc sống chưa trọn vẹn. Một bức tranh đẹp do người hoạ sĩ tài ba là Chúa Giêsu vẽ lên cho đời ta phải điểm muôn màu muôn sắc. Tạ ơn Chúa vì chính Ngài đã dùng những nét chấm phá phúc-họa để vẽ lên con giống Chúa hơn.
Chúa đã dẫn tôi qua mọi biến cố của cuộc đời. Chúa đã cho tôi được gia nhập đạo Thánh Chúa khi vừa chào đời, Chúa đồng hành với tôi qua những tháng ngày tăm tối trong trại cải tạo, Chúa vui với tôi qua những tháng ngày bơ vơ nơi xứ người và Chúa nâng đỡ, kề cận tôi trong lúc tuổi già. Tôi đã phó thác trong tin tưởng để bước đi theo Chúa. Con đường quanh co, lúc thì phúc, lúc thì họa là con đường “Thánh Ý Chúa”.
Lạy Chúa, con đường phúc-hoạ nào Chúa đã đi qua, xin cho con được bước đi theo Ngài. Xin dạy con nhận ra sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa qua những biến cố trong đời con. Xin cho con biết chấp nhận để kiên trì vác thánh giá theo chân Chúa suốt đời con vì có Chúa thì “ Tất Cả Là Hồng Ân “. Amen.
Giuse Thẩm Nguyễn