Súng nổ trên cao nguyên, vì đâu nên nỗi?

Báo Nguoi-viet

June 13, 2023

Hiếu Chân/Người Việt

Một số người Thượng nổ súng vào đồn công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, gần thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, rạng sáng Chủ Nhật, 11 Tháng Sáu, giết chết bốn sĩ quan công an và hai lãnh đạo xã.

Công an gác tại các nẻo đường ở huyện Cư Kuin truy lùng người Thượng bị tình nghi tham gia bạo loạn. (Hình: VTC)

Ba ngày sau khi sự việc xảy ra, hầu như chỉ có nguồn thông tin duy nhất từ Bộ Công An Việt Nam phát cho báo chí chính thức, truyền thông độc lập chỉ có thể phỏng vấn từ xa một số nhân vật hoạt động ở trong nước, không trực tiếp đến nơi xảy ra sự việc để kiểm chứng trong khi mạng xã hội lan truyền rất nhiều thông tin và bình luận trái chiều, từ những lời kêu gọi bạo động đến những thuyết âm mưu khó tin nhất.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trung Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An, cho biết đến tối 13 Tháng Sáu, công an đã bắt giữ 45 nghi can và tiếp tục truy tìm số còn lại. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn chưa cho biết diễn tiến và kết luận nguyên nhân xảy ra vụ tấn công ở Đắk Lắk đang làm rúng động cả nước.

Theo một số người quan sát, nguyên nhân trực tiếp của vụ bạo loạn có thể là do chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất đai của 64 hộ dân để xây đường Hồ Chí Minh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột và xây khu đô thị mới Trung Hòa, cũng như vụ đàn áp dã man cuộc biểu tình phản đối việc xả chất thải vào hồ chứa nước của dân hai ngày 20 và 21 Tháng Tư vừa qua làm bảy người dân bị thương nặng.

***

Nhưng sâu xa hơn, vụ bạo loạn có thể là phản ứng từ nỗi phẫn uất đã tích tụ nhiều năm trong các cộng đồng người Thượng đối với chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội, tước đoạt quyền sở hữu đất đai, đàn áp tự do tôn giáo, và đồng hóa văn hóa lối sống của người sắc tộc thiểu số ở cao nguyên Trung Phần, hiện gọi là Tây Nguyên.

Tây Nguyên, gồm năm tỉnh từ Kontum ở phía Bắc đến Lâm Đồng ở phía Nam, được coi là “nóc nhà Đông Dương,” có vị trí chiến lược quan trọng đến mức thế lực nào làm chủ được Tây Nguyên sẽ khống chế được nước Việt ở vùng đồng bằng phía Đông lẫn Lào và Cambodia ở phía Tây dãy Trường Sơn. Vụ thất thủ Buôn Ma Thuột dẫn tới sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa 48 năm trước là một ví dụ.

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên nên sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, Cộng Sản Việt Nam đã có chiến lược biến Tây Nguyên thành một “pháo đài,” một trung tâm kinh tế kết hợp quốc phòng, thực thi bằng nhiều chính sách quan trọng để xóa bỏ cơ sở kinh tế-văn hóa của người Thượng.

Chính sách đầu tiên là chính quyền quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên – ngàn đời nay là tài sản của các buôn, sóc – giao cho các “đơn vị quân đội làm kinh tế” như các binh đoàn 331, 332, 333, lập những nông trường, lâm trường kết hợp giữa quốc doanh và tư nhân khắp vùng. Người Thượng mất hết đất và rừng, bị biến thành kẻ làm thuê trên đất đai mà tổ tiên họ đã cư trú nhiều thế hệ. Mỗi gia đình chỉ còn một mảnh đất thổ cư làm nhà ở và một ít đất làm nương rẫy.

Chính sách quan trọng thứ hai là tổ chức một cuộc di dân khổng lồ từ châu thổ sông Hồng, sông Mã lên Tây Nguyên “đất rộng người thưa,” vừa để giải tỏa áp lực dân số vùng đồng bằng miền Bắc vừa củng cố biên giới. Những cuộc di dân “đi kinh tế mới” theo kế hoạch những năm đầu được tiếp nối bằng phong trào “di dân tự do” – các gia đình, vốn là bộ đội trong các binh đoàn, sau khi an vị được ở Tây Nguyên đã rủ rê, lôi kéo cả dòng tộc, cả làng vào, đến đâu phá rừng làm nương rẫy đến đó – chẳng mấy chốc đã đốn sạch cả rừng Tây Nguyên, biến thành những vườn cao su, rẫy cà phê. Theo số liệu không đầy đủ, đã có khoảng 5 triệu người từ miền Bắc và đồng bằng di cư lên Tây Nguyên sau năm 1975.

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, người được coi là “già làng” am hiểu nhất về vùng Tây Nguyên, thì chính sách di dân của nhà nước Việt Nam đã làm đảo lộn cơ cấu kinh tế xã hội của toàn vùng. Người Thượng từ chỗ chiếm 95%, hiện chỉ còn 15-20% dân số. Bị chiếm đất, chiếm rừng, người Thượng hoặc bị đẩy sâu vào nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc ở lại chốn cũ làm thuê làm mướn cho các chủ đất mới, lưu vong ngay trên chính quê hương bản quán của mình.

Ngoài việc đưa dân đồng bằng lên chiếm đất lập phố thị, nhà nước Cộng Sản còn lập ra hệ thống cai trị với các cấp chính quyền từ thôn lên xã huyện tỉnh như ở đồng bằng, xóa bỏ hệ thống tự trị của các buôn, sóc. Trong chính quyền, quân đội, an ninh… quyền lực nằm trong tay người Kinh, người Thượng chỉ là lớp người bị trị, bị khinh rẻ và phân biệt đối xử nặng nề. Thảng hoặc, người ta thấy có những người Thượng là đại biểu Quốc Hội, chủ tịch tỉnh hoặc giám đốc sở… nhưng đó chỉ là trò mị dân bằng các chức vụ bù nhìn, quyền hành thật sự nằm trong tay các bí thư đảng bộ là người miền xuôi, chủ yếu là người từ các tỉnh phía Bắc di cư vào theo sự phân công của đảng Cộng Sản.

Các tập tục truyền thống của họ như lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, các phong tục cưới xin… đều bị coi là hủ tục mê tín, bị chê cười và cấm đoán. Các trường học chỉ dạy tiếng Việt phổ thông, ngôn ngữ của các sắc tộc bản địa bị chèn ép và tàn lụi dần. Những năm gần đây lại nóng lên vấn đề tôn giáo, khi người Thượng theo đạo Tin Lành liên tục bị sách nhiễu, bị đánh đập để buộc họ phải từ bỏ tín ngưỡng, hoặc ngăn cản không cho họ thực hành đức tin.

Bị tước đoạt đất đai, bị đàn áp về tôn giáo, bị khinh miệt về văn hóa, người Thượng đã vài lần biểu tình phản kháng trong các năm 2001, 2004. Nhà cầm quyền ở Hà Nội tổ chức đàn áp, săn đuổi, khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa lánh nạn sang Cambodia và Thái Lan. Một số người được đi tị nạn ở Hoa Kỳ và Canada. Nhưng nỗi phẫn uất của người Thượng vẫn âm ỉ, có cơ hội là bùng lên theo kiểu “con giun xéo mãi cũng quằn.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, người có nhiều năm bị giam chung với những người Thượng Tây Nguyên sau các cuộc biểu tình ôn hòa đầu những năm 2000, nói với đài VOA Tiếng Việt: “Nếu nhà nước không cải thiện hành vi đối xử đối với người Tây Nguyên về đất đai, về tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm của họ thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều vụ việc như thế sẽ xảy ra… và nhà nước này sẽ biến Tây Nguyên thành một thùng thuốc súng.”

Trong thùng thuốc súng đó, vụ tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur cuối tuần qua là hậu quả tất nhiên, có điều không ai biết trước được lúc nào và ở đâu bạo lực sẽ bùng phát.

***

Do không có thông tin đầy đủ và độc lập về vụ tấn công, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền nhiều “giả thuyết” khó kiểm chứng được.

Một số người đối lập với nhà cầm quyền cho rằng, vụ việc đẫm máu này có thể là một sự kiện được nhà cầm quyền dàn dựng, công an cài người vào các nhóm người Thượng bất mãn, kích động và giao vũ khí cho họ gây ra vụ tấn công để nhà nước có cớ đẩy mạnh đàn áp, biện minh cho chính sách phi nhân của họ trước sự lên án liên tục của cộng đồng thế giới. Viện dẫn các chi tiết tương tự trong vụ đàn áp khốc liệt ở Đồng Tâm, Hà Nội, hoặc vụ án nhóm Hiến Pháp ở Sài Gòn, những người này cho rằng, vụ Tây Nguyên hiện nay đã được công an thực hiện theo một kịch bản có sẵn.

Những người đứng về phía chính quyền thì lật lại phong trào võ trang của Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh của Các Sắc Tộc Bị Áp Bức (FULRO) tan rã nhiều năm trước để cho rằng các phần tử FULRO cũ, hiện định cư ở Hoa Kỳ và các nước phát triển, đang lợi dụng tâm lý bất mãn của người Thượng để gây rối. Các dư luận viên của tuyên giáo liên tục cáo giác vụ tấn công là hành động “khủng bố” dù chưa có chứng cứ xác đáng hoặc công khai nào cho thấy những người Thượng đó cố tình bắn giết dân thường hoặc những người không có phương tiện để tự vệ.

Một thuyết âm mưu khác nói vụ tấn công có bàn tay của tình báo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh lôi kéo thành công hai nước láng giềng chung biên giới phía Tây của Việt Nam vào vòng chi phối của họ. Trung Quốc muốn gây bất ổn, muốn Việt Nam bị cả thế giới lên án, từ đó phá vỡ mối quan hệ đang có chiều hướng tốt lên giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và phương Tây.

Đúng sai chưa rõ, nhưng hiện chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu công an, cảnh sát, quân đội phong tỏa toàn huyện Cư Kuin, bắt giữ nhiều người chỉ vì họ mặc quần áo rằn ri – loại trang phục yêu thích của người Thượng. Hàng chục người bị bắt vô tội vạ ở khắp nơi, bị tra tấn dã man, ắt sẽ có những lời khai phù hợp với ý muốn của nhà cầm quyền.

Bạo lực không phải là giải pháp, từ phía người dân lẫn từ phía nhà cầm quyền. Một nhà nước “chuyên chính vô sản” chỉ biết dùng bạo lực trấn áp mà không có khả năng đối thoại hoặc thay đổi chính sách rất khó thành công trong công tác vận động người dân. Có vẻ như trật tự đang được vãn hồi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời và không loại trừ nguy cơ bùng phát những sự việc tương tự trong tương lai. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng mà người dân bị ép vào đường cùng, không được nhà nước quan tâm và giải quyết thấu đáo bằng việc thay đổi tận gốc chủ trương sai lầm và tàn bạo hiện nay, bạo lực chắc chắn sẽ tái diễn. [đ.d.]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay