Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.
(Xh 17, 8-13; 2 Tm 3, 14; 4,2; Lc 18, 1-8)
Ta vẫn thường nghe nói : Vạn sự khởi đầu nan. Câu nói như muốn nói lên rằng muôn việc khởi đầu đều khó khăn. Dĩ nhiên, bất cứ việc gì, cái khó khăn là ở buổi đầu, công việc còn mới lạ, chưa quen, chưa có kinh nghiệm giải quyết. Làm lâu ngày thì quen dần, nhờ rút tỉa kinh nghiệm mà trở nên tài giỏi, lúc đó thấy công việc như là dễ dàng.
Và, thường, kèm theo câu nói đó, người ta thường “chua” vào một câu cho vui nữa đó là : “gian nan bắt đầu nản”. Câu nói này cũng ngụ ý rằng khi con người gặp những chuyện khó khăn trong cuộc đời, nếu không cố gắng và không nhẫn nại thì người ta sẽ buông xuôi.
Thực tế cuộc sống là như thế với những chuyện khó khăn nhưng trong thực tế cũng không phủ nhận được chuyện thành công nếu như chịu thương, chịu khó và kiên nhẫn. Kiên nhẫn sẽ có những thành quả hết sức tốt đẹp mà ít ai có thể ngờ tới.
Ở Trung Hoa, dân gian ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện nhà sư Đường Tam Tạng hành trình qua Tây Trúc thỉnh kinh, mong đem về phổ biến tại quê nhà. Bộ sách Tây Du ký đã khéo léo diễn tả cuộc hành trình thỉnh kinh này, để được coi là Đệ nhất kỳ thư trong Tứ Đại thư của văn học Tàu. Tuy có thêm thắt nhiều chi tiết có vẻ hoang đường, nhưng bộ sách trên đã chứng minh được cái giá trị của việc kiên tâm bền chí trong đời : Đường Tăng đã chiến thắng đủ loại quỷ sứ ma vương, cũng như với chính những đồng minh nội thù, qua một chuỗi ngày dài đằng đẵng, để kết cục đem về được bộ Kinh Phật quý giá.
Trong lịch sử cứu độ dĩ nhiên đã có vô số những mẫu gương cũng như những bài học về sự kiên nhẫn, về sự bền đỗ.
Bài đọc trong sách Xuất Hành hôm nay phần nào gợi cho chúng ta bài học của kiên nhẫn. Sách Xuất Hành kể lại câu chuyện quân Amalếch đến đánh Israel tại Rơphiđim. Để đối phó với trận chiến, ông Môsê bảo ông Giôsuê: “Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh Amalếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa.”
Môsê đã bảo như thế và ông Giô suê đã làm như vậy. Ông giao chiến với Amalếch, còn các ông Môsê, Aharon và Khua thì lên đỉnh đồi. Buồn cười một chuyện là khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. Không thể nào giơ tay lên mãi vì mỏi và rồi người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên.
Nhờ kiên nhẫn như thế ông Giôsuê đã dùng lưỡi gươm đánh bại Amalếch và dân của ông ta.
Sau trận chiến, Đức Chúa dặn ông Môsê: “Hãy chép lại việc này vào sách để lưu niệm và hãy nói vào tai Giô-suê rằng: Ta sẽ xoá hẳn tên tuổi Amalếch, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa.”
Để ghi dấu kỷ niệm này ông Môsê dựng một bàn thờ và đặt tên là: “Đức Chúa, cờ trận của tôi.” và ông nói: “Bởi vì một bàn tay đã giơ lên chống lại ngai của Đức Chúa, nên có chiến tranh giữa Đức Chúa Amalếch từ đời nọ đến đời kia.”
Câu chuyện kể lại hết sức hấp dẫn. Nếu như chúng ta ở đó, chứng kiến cuộc chiến đó thì chúng ta sẽ nực cười bởi vì khi Môsê giơ tay lên thì dân Israel thắng còn bỏ tay xuống thì thua. Kiên trì lắm mới đỡ tay của Môsê. Khó có ai mà đỡ nỗi khi phải đỡ như thế trong suốt trận chiến. Nhưng vì muốn đánh thắng địch quân nên phải kiên nhẫn và kiên nhẫn.
Câu chuyện kiên nhẫn trong trận chiến đó ngày hôm nay ta đọc lại, ta thấy vẫn là bài học hay cho sự kiên nhẫn trong cuộc đời. Lắm lúc ta nhận ra vì thiếu kiên nhẫn mà ta lại vụt mất điều này điều kia trong cuộc sống.
Giản đơn như con tằm kéo nhện giăng tơ. Không phải ngày một ngày hai mà nó giăng được tơ nhưng thật là lâu và đúng ngày đúng buổi nó mới nhả tơ ra để người ta có sợi để mà kéo. Để được tấm vải đẹp, con nhện đã lao nhọc và phải mất thời gian.
Trong tâm tình đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ kiên trì và nhẫn nại. Kiên trì và nhẫn nại mà Chúa Giêsu dạy không phải là giơ tay lên như Môsê để chiến thắng quân địch hay là kiên nhẫn để chờ con nhện giăng tơ kéo sợi. Kiên nhẫn Chúa Giêsu dạy các môn đệ đó là kiên nhẫn cầu nguyện, kiên nhẫn kết hợp mật thiết đời mình với Chúa.
Thời gian chờ đợi đó cũng là lúc ta phải học hỏi cho biết đầy đủ ý muốn của Chúa. Thánh Phaolô muốn ta lưu tâm thật nhiều tới việc kiên tâm bền đỗ này, khi ngài đưa ra hình ảnh một cuộc chạy đua thể thao : rất nhiều kẻ tham dự, nhưng chỉ có một người được thưởng ở đích tới. Một số lớn đã nản chí bỏ cuộc giữa đường, khiến cho cố gắng mình hóa thành vô ích. Chỉ những ai kiên nhẫn và cố gắng thì mới có thể chạy về cùng đích như trong các cuộc đua như chũng ta vẫn thấy diễn ra trong những cuộc thi đấu.
Điều căn cốt để thành công ở đây là biết nhẫn nại chờ Chúa. Từ khó khăn nhỏ cho tới những thử thách lớn, ta phải biết tin tưởng ở việc Chúa quan phòng chở che. Sống trong tâm tình này, lòng ta sẽ kiên vững và thật bình an.
Tiên vàn là ta phải học kiên trì trong lời cầu nguyện. Mẫu gương người đàn bà xứ Canaan bền lòng xin Chúa chữa con bà, dẫu Chúa đã thử thách bà cách lạ thường qua những lời nói thật nặng nề, vẫn luôn là bài học và lời mời gọi chúng ta biết nhẫn nại với Chúa. Đường lối, suy nghĩ, cách nhìn của Chúa không như đường lối, suy nghĩ, cách nhìn của con người.
Nhiều lần nhiều lúc khi gặp những cơn khốn khó trong cuộc sống, ta mong mỏi được Chúa làm phép lạ để cứu chữa hỗ trợ ta, nhưng thường thì Chúa muốn chính chúng ta trở nên những phép lạ sống động cho Chúa trước mặt người đời. Phép lạ của lòng tin, mến và cậy trông nơi quyền phép và sự quan phòng của Chúa. Ngày nhóm Pharisiêu và Sađusê đòi Chúa làm dấu lạ bởi trời để họ tin Ngài, Chúa đã quở trách và bảo họ : “Phép lạ Giona đã đủ cho các ngươi !”
Thực ra, việc ta kiên trì với Chúa chẳng thấm vào đâu so với việc Chúa kiên nhẫn với ta. Chúa liên tục tha thứ để chờ đợi và hy vọng ta hối cải sửa mình. Chúa cho ta đủ hoàn cảnh và ân huệ để ta nhận ra bàn tay yêu thương chăm sóc của Chúa, cũng như thêm sức đủ cho ta để ra đủ sức đi theo đường lối Ngài chỉ vẽ. Tất cả chỉ là tùy ở ta ! Qua các dụ ngôn như “Cây vả không trái” hoặc “Cỏ lùng” đủ cho ta thấy lòng từ bi, nhân hậu và nhẫn nại của Ngài như thế nào !
Hành trình đi tìm Chúa của các nhà đạo sĩ xưa kia cũng là bài học cho chúng ta suy nghĩ, học hỏi. Bài học nhẫn nại của những nhà đạo sĩ ngày xưa đi tìm Hài Nhi Giêsu cũng là hay nhưng chưa đủ, ta còn cần phải kiên trì giữ Chúa trong lòng ta cho đến cùng. Mẹ Maria đã để lại cho chúng ta mẫu gương thật tuyệt vời và cũng là lời nhắc nhở cũng như khích lệ lớn nhất cho ta : Mẹ đã kiên nhẫn để Chúa thử thách trong suốt cuộc đời trần gian; đặc biệt Mẹ đã phó thác tin tưởng trọn vẹn nơi bàn tay Chúa, dẫu không hề hiểu được con đường của Chúa sẽ ra sao. Sự kiên trì ấy được kết tinh nơi lời tán tụng khen lao từ miệng thánh nữ Isave : “Phúc cho Bà vì Bà luôn vững tin vào những điều Chúa phán hứa”.
Với ta, muốn được trở nên những người con thật của Chúa, để có được một cuộc sống đạo thực sự trưởng thành, hãy đến học với Mẹ Maria, Mẹ sẽ không để ta phải thất vọng.
Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.