40 năm cuộc đua với thời gian từ khi các nhà khoa học Pháp phát hiện virus gây bệnh SIDA

Theo Đài Radio Pháp Quốc Tế

Cách nay đúng 40 năm, 3 nhà nghiên cứu người Pháp của Viện Pasteur, Paris, đã phát hiện ra LAV – virus mới tấn công hệ miễn dịch – sau này được gọi là HIV và được xác định là virus gây AIDS/SIDA, căn bệnh mà cho tới nay đã có tới gần 40 triệu người phải sống chung. Công bố của nhóm nhà nghiên cứu Pháp là bước khởi đầu cho cuộc đua với thời gian kéo dài 4 thập niên. Hiện nay, cho dù chưa có được vac-xin phòng bệnh nhưng đã có phương thức điều trị SIDA.

Hình ảnh được chụp dưới kính hiển vi : Virus HIV (màu vàng), gây bệnh SIDA, tấn công một tế bào T ở người.
Hình ảnh được chụp dưới kính hiển vi : Virus HIV (màu vàng), gây bệnh SIDA, tấn công một tế bào T ở người. © National Institute of Allergy and Infectious Diseases/NIH via AP 

Cuộc ganh đua Pháp – Mỹ và giải Nobel Y học cho nhóm nhà khoa học Pháp

Có lẽ không nhiều người biết rằng Pháp và Mỹ đã trải qua nhiều năm ganh đua để giành danh hiệu ai là người đã xác định được virus gây bệnh SIDA. Phải đến năm 2008, chiến thắng chính thức mới được công bố : giải Nobel Y học được trao « danh chính ngôn thuận » cho 2 nghiên cứu gia người Pháp, Montagnier và Barré-Sinoussi « vì đã khám phá ra » virus HIV.

Ngược dòng lịch sử, theo AFP, việc « phân lập » loại virus mới được công bố vào ngày 20/05/1983 trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Science của Mỹ. Ba tác giả, Françoise Barré-Sinoussi, Jean-Claude Chermann và Luc Montagnier là các nhà khoa học của Viện Pasteur, Paris, đã thận trọng viết rằng virus mà họ mới phát hiện ra « có thể liên quan đến một số hội chứng bệnh lý, trong đó có SIDA », một căn bệnh bí hiểm mới được báo động lần đầu tại Mỹ trước đó 2 năm, hồi năm 1981.

Công bố của ba nhà khoa học Pháp đã vấp phải thái độ dè chừng, kể cả từ các đồng nghiệp Mỹ. Ba năm sau đó, các nhà khoa học Mỹ công bố tìm ra virus HTLV-3 và xem đó có thể là nguyên nhân gây bệnh SIDA. Nhưng ít lâu sau, hai nhóm nhà khoa học Pháp – Mỹ đã công nhận LAV và HTLV-3 thực ra là cùng một loại virus. Dù vậy, hai nước bên hai bờ Đại Tây Dương tiếp tục có nhiều tranh cãi về việc ai là tác giả của phát hiện về virus HIV, bởi đó không chỉ là danh tiếng khoa học mà còn liên quan đến nguồn lợi tài chính từ việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát dựa trên các phát hiện về virus. Phải đến năm 1987, đôi bên mới ký thỏa thuận về việc công nhận là các nhà khoa học của cả hai nước đã đồng phát hiện ra virus gây bệnh SIDA (từ năm 1986 được gọi là virus HIV (theo tiếng Anh) và VIH (theo tiếng Pháp).

40 năm : Từ « căn bệnh 4 chữ H » đến những thuyết âm mưu

Ban đầu, bệnh chưa được gọi là AIDS/SIDA, tên chính thức này chỉ có từ năm 1982, chỉ hội chứng suy giảm hệ miễn dịch. Hai người đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh mới tại Mỹ hồi năm 1981 là hai thanh niên đồng giới, vì thế tại Mỹ căn bệnh này thời đó bị gọi là « dịch bệnh của những người đồng tính (homosexuel) và sử dụng chất gây nghiện (héroinomane) » Sau đó, do phát hiện ra nhiều người dân Haiti cũng bị bệnh, người ta lại gọi đây là bệnh 3H. Và chữ H thứ tư được thêm vào để nói về việc những người này bị chứng chứng máu khó đông (hémophile).

Ngày nay, theo tiến sĩ Djebbar, được AFP trích dẫn, « vấn đề chính nằm ở chỗ thiếu hiểu biết về virus, nhất là ở giới trẻ », trong bối cảnh Nhà nước giảm tài trợ cho các chương trình nâng cao hiểu biết về SIDA cho giới học sinh sinh viên cũng như sự phát triển của tôn giáo. Ông lấy làm tiếc về việc một số người vẫn nghĩ rằng chỉ cần ôm hôn đồng nghiệp cũng có nguy cơ bị lây bệnh, trái lại một số khác lại tin rằng họ miễn nhiễm vì không phải người đồng tính. Chính những định kiến trên đã làm chậm việc xét nghiệm tầm soát. Tổ chức Sida Info Service cho biết hiện nay có đến 1/3 số người nhiễm bệnh không được xét nghiệm tầm soát.

Image result for hiv patient

Năm 2017 — Con số người nhiễm SIDA tiếp tục gia tăng và chết vì các bệnh liên quan đến AIDS  ở mức cao không thể chấp nhận được trên khắp châu Phi cận Sahara. Tổ chức nhân đạo y tế quốc tế Médecins Sans Frontières/Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết

Trong 40 năm qua, không chỉ bị gắn liền với những định kiến về người nghiện hút, có quan hệ tính dục đồng giới, bị gọi là « bệnh ung thư đồng tính », SIDA còn gắn với nhiều thuyết âm mưu phản khoa học. Theo AFP ngày 18/05, ngay cả đến Giáo hoàng Benedicto 16 hồi năm 2009 cũng từng khẳng định chính việc phân phát bao cao su đã làm vấn đề SIDA thêm nghiêm trọng.

Các đồn đoán, thuyết âm mưu về nguồn gốc bệnh SIDA đặc biệt lan truyền mạnh. Ngay từ năm 1983, vào thời Chiến Tranh Lạnh, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), cơ quan tình báo của Liên Xô, đã tung ra chiến dịch « Infektion », nhằm làm mọi người tin rằng SIDA được phát triển từ một phòng thí nghiệm bí mật ở Mỹ. Thuyết âm mưu này đã lan truyền trên cả thế giới trong vòng 10 năm sau đó. Một số khác thì cho rằng đó là căn bệnh của các nước giàu tung ra để diệt trừ người nghèo, hay là chính các hãng dược phẩm đã phát tán virus để rồi kiếm tiền.

Châu Phi, bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, cũng nằm ở tuyến đầu mặt trận phát tán thông tin sai lệch về SIDA, kể cả ở thượng tầng lãnh đạo. Đơn cử là trường hợp cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki : khẳng định bệnh này không liên quan đến virus HIV mà do đói nghèo gây ra, vị tổng thống này đã trì hoãn nhiều năm việc người dân Nam Phi được tiếp cận các phương pháp điều trị SIDA.

Đôi khi những người tung tin sai lệch cũng là người bán thứ mà họ quảng bá là phương thuốc hiệu nghiệm hơn thuốc của các tập đoàn dược phẩm lớn « Big Pharma » mà họ tố là thuốc « giết người ». Một chuyên gia trị liệu tự nhiên khẳng định bệnh có thể được chữa khỏi bằng các loại hạt, rau sống hay trái cây. Đáng nói hơn là chính Luc Montagnier, 1 trong hai nhà khoa học Pháp đồng đoạt giải Noel Y Khoa 2008 vì đã tìm ra virus HIV, cũng từng khẳng định nước đu đủ lên men là phương thuốc kỳ diệu để chữa bệnh SIDA.

Bên cạnh những thuyết âm mưu là cuộc chạy đua tìm phương thuốc

Bác sĩ Françoise Barré-Sinoussi, 1 trong 3 bác sĩ đã khám phá ra virus HIV hồi năm 1983 và đến năm 2008 được trao giải Nobel về Y học cùng đồng nghiệp Luc Montagnier (1932-2022), hồi tưởng với AFP là sau khi virus HIV được phát hiện, các nhà nghiên cứu có rất nhiều việc phải làm, bởi vì trước mắt họ là một loại virus chưa từng được biết đến. Vì thế, các nhà khoa học phải tìm hiểu mọi thứ về loại virus này, từ các protein cấu thành nên virus, cấu trúc bộ gien của virus, loại tế bào mà virus lây nhiễm vào, các hậu quả của việc bị lây nhiễm …

Pioneering women who changed science forever - Business Insider

Cố Bác sĩ Francoise Barre-Sinoussi nguyên giám đốc của Cơ Quan Xác Lập về Nhiễm trùng Retrovirus (nhân giống DNA Virus) tại Viện Pasteur ở Pháp và là chủ tịch của Hiệp hội AIDS Quốc tế.

Ngoài ra, các nhà khoa học phải khẩn trương phát triển các xét nghiệm huyết thanh, cả để phục vụ việc chẩn đoán và thực hiện các cuộc điều tra quy mô lớn nhằm chứng minh rằng virus HIV chỉ gây bệnh SIDA chứ không phải các bệnh khác. Rồi sau đó là nghiên cứu các chiến lược để ngăn chặn dịch bệnh. Công việc nghiên cứu về virus HIV cần đến nhiều nhóm nhà chuyên môn khác nhau, từ các nhà miễn dịch học, sinh học phân tử, bác sĩ lâm sàng và cả bệnh nhân. Nói tóm lại, đó là một cuộc chạy đua với thời gian vì các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus lây truyền cả qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.

Năm 1994, SIDA là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người Mỹ trong độ tuổi 25-44 tuổi. Trả lời BFMTV, nhà nghiên cứu Pháp Françoise Barré-Sinoussi gợi nhắc lại tình cảnh « người bệnh bị kỳ thị, bị gia đình, bạn bè, đôi khi bị cả các chuyên gia y tế bỏ rơi. Một số bị mất nhà cửa, mất việc làm ». Việc bắt đầukết hợp 3 nhóm thuốc kháng virus vào năm 1996 đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể : tại Hoa Kỳ, lần đầu tiên số nạn nhân đã giảm.

Bốn năm sau đó, chương trình phòng chống SIDA của Liên Hiệp Quốc và 5 hãng dược phẩm lớn đã ký thỏa thuận phân phối thuốc điều trị với giá phù hợp với khả năng tài chính của các nước nghèo. Một thỏa thuận khác đã được ký kết vào năm 2001, lần này cho phép các nước đang phát triển sản xuất các loại thuốc có cùng gốc (thuốc générique) điều trị SIDA.

Vào ngày 16/07/2012, phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đầu tiên đã được cấp phép tại Hoa Kỳ. Năm 2017, lần đầu tiên hơn một nửa số người nhiễm HIV trên toàn thế giới được điều trị bằng thuốc kháng virus. Theo ước tính mới nhất của Chương trình phòng chống SIDA của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2021, tỷ lệ này là khoảng 75% : hơn 28 triệu người trong số 38,4 triệu người nhiễm bệnh được điều trị.

Chặng đường phía trước

Tuy nhiên, cuộc chiến chống SIDA có lẽ vẫn còn chặng đường dài ở phía trước. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 24/03/2023, bác sĩ Françoise Barré-Sinoussi nhận định :

« Tất nhiên là như vậy, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc : hiện nay trên thế giới vẫn còn hơn 38 triệu người đang phải sống chung với virus HIV và 25% những người này vẫn chưa được tiếp cận với các liệu pháp điều trị. Ngoài ra, còn có sự chậm trễ trong việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát, điều này cũng khiến việc điều trị của họ bị chậm hơn. Như vậy là vẫn còn rất nhiều việc phải được ưu tiên tiến hành, nhìn từ quan điểm nghiên cứu, bởi vì chúng ta vẫn chưa có được vac-xin và dù là phương pháp điều trị hiện nay đã rất tốt, nhưng bệnh vẫn là chưa thể chữa khỏi ».

Các quốc gia có nhiều bệnh nhân HIV nhất trên thế giới. Hình trích từ Youtube -Data Ranking Guy với số liệu của WHO

Most HIV Infections by Country and Continent - YouTube

(…) Không phải chúng ta không dành phương tiện cho việc đó, nhưng mà đúng là cũng cần có phương tiện và nhân lực. Chúng ta cần có thêm các nhà nghiên cứu trẻ để nghiên cứu về đề tài này. Nhưng cũng đúng là chúng ta đang phải đối phó với một loại virus phức tạp, nhất là vì sự tấn công của virus HIV nhắm vào các bộ phận khác nhau trong cơ thể con người là đặc biệt phức tạp.  

Chúng ta đang phải đối phó với một loại virus tấn công vào chính các tế bào miễn dịch trong cơ thể con người. Và đó chính là vấn đề, bởi vì virus không chỉ tấn công vào đó, không chỉ khiến hệ thống miễn dịch không vận hành được bình thường, mà nó còn có thể ẩn náu trong hệ thống miễn dịch, gây ra hàng loạt bất thường trong cơ thể con người và kể cả khi người bệnh đang trong quá trình được điều trị, kể cả khi họ dùng thuốc kháng virus, thì chúng tôi biết rằng vẫn có những bất thường trong cơ thể người bệnh, vẫn có những ổ viêm nhiễm ngay cả khi người bệnh đang được điều trị và vẫn cảm thấy khỏe mạnh.

Như vậy là vẫn rất còn nhiều điều chúng ta cần phải hiểu về loại virus này, về sự tương tác của virus với cơ thể. Theo tôi thì những hiểu biết đó sẽ có thể cho phép chúng ta hiểu rõ về nhiều điều khác, về những căn bệnh khác có liên quan đến sự viêm nhiễm, Covid là một ví dụ nhưng không phải là trường hợp duy nhất ».

Điều mà có lẽ giờ đây giới chuyên môn mong chờ nhất, có lẽ là việc tìm ra vac-xin phòng bệnh. Bác sĩ Françoise Barré-Sinoussi cho biết thêm :

« Có rất nhiều bệnh mà con người vẫn chưa có vac-xin, chẳng hạn đối với các bệnh sốt rét, viêm gan C, chúng ta đã có cách điều trị nhưng vẫn chưa có vac-xin. Có nhiều bệnh như vậy. Nghiên cứu về các cơ chế phản ứng của một loại vac-xin tạo ra cho cơ thể để đối phó với virus HIV đồng thời cũng có thể được áp dụng vào nghiên cứu các loại virus khác. Chúng tôi nghiên cứu để phục vụ cả cộng đồng nói chung để có thể hiểu rõ hơn về mọi điều, nhằm phát triển những chiến lược tiêm chủng mới trong tương lai ».

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay