2023.06.06
Những thông tin liên quan đến Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 của Bộ Quốc phòng Việt Nam buộc người ta phải đặt câu hỏi: “Thiếu tướng” giá bao nhiêu và dân chúng Việt Nam đã, đang cũng như sẽ còn phải trả thêm những gì cho việc mua quan bán tước như thế?
***
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyển cho nhau xem thông tin, hình ảnh liên quan đến việc ông Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 vừa được… “vinh thăng” từ đại tá lên thiếu tướng. Tuy hình ảnh không nhiều nhưng cũng đủ lột tả sự sang trọng của gia đình ông thiếu tướng, đối tượng sở hữu một lâu đài tọa lạc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Hai bên con đường lát đá dài hàng trăm thước dẫn vào lâu đài của ông Hiền phủ đầy những giá cắm đủ lọai hoa đắt tiền do thiên hạ gửi đến chúc mừng. Sân của tư dinh cũng đầy hoa tươi và rất nhiều bàn ăn đã được bày biện sẵn để đón khách đến chia vui với tân thiếu tướng (1)…
Hình ảnh tiệc ăn mừng tại tư gia ông Phạm Bá Hiền tại Hà Tĩnh được lan truyền trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam. Facebook
Tuy không ít người thắc mắc, tại sao tư dinh của một sĩ quan quân đội lại đồ sộ, sang trọng đến như vậy nhưng theo nhiều người sử dụng mạng xã hội, chuyện thâu tóm đất xây lâu đài đã từng được tờ Bảo Vệ Pháp Luật (BVPL) đề cập hồi tháng 5/2018 vì biến đất nông nghiệp thành thổ cư rồi dựng lâu đài mà không có bất kỳ loại giấy phép nào (2).
Vào thời điểm đó (2018), đơn khiếu nại, thư tố cáo đã gửi đi khắp nơi và tờ BVPL chỉ là một trong những nơi tiếp nhận để thực hiện “điều tra theo khiếu nại tố cáo của bạn đọc”. Chẳng lẽ chuyện chính quyền địa phương nhất loạt làm ngơ, khi bị chất vấn thì xã chuyền trách nhiệm cho huyện, huyện chuyền trách nhiệm cho tỉnh, rồi tỉnh hất trách nhiệm về lại cho huyện, xã là bình thường? Chẳng lẽ điều mà ông Phan Văn Hợp – Phó Chủ tịch xã Mai Phụ vào thời điểm đó thú nhận với tờ BVPL: Đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỷ như thế thì biết tiềm lực tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó – không đáng phải bận tâm dù khi giương ngọn cờ “chống tham nhũng, tiêu cực”, từ Tổng Bí thư trở xuống đã thề “không chấp nhận vùng cấm, ngoại lệ, bất kể đó là ai”?
Ai tin một cụ bà 78 tuổi chỉ… “trồng rau, thỉnh thoảng đạp xe mang ra chợ bán” đủ khả năng tài chính để thâu tóm đất, xây dựng lâu đài với khuôn viên khoảng… 3.000 mét vuông? Vì sao không ai đếm xỉa đến thắc mắc mà tờ BVPL thay mặt công chúng nêu ra: Lâu đài có phải là tài sản của cậu quý tử là “đại tá của Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng”?
***
Tháng 11 năm 2022 – bốn năm sau khi tờ BVPL dựa trên khiếu nại, tố cáo của dân chúng địa phương thực hiện bài “Cụ bà 78 tuổi thỉnh thoảng ra chợ bán rau… xây biệt thự khủng?” như vừa đề cập, ông Phan Văn Giang – Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng – công bố “quyết định điều động Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn – Tư lệnh Binh đoàn 16 về Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và bổ nhiệm Đại tá Phạm Bá Hiền, Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 làm Tư lệnh Binh đoàn 16” (3).
UBKT của QUTƯ làm như không biết gì về dư luận, UBKT của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng làm như không biết gì về dư luận và Bộ Quốc phòng cũng làm như không biết gì nên việc bổ nhiệm ông Hiền làm Tư lệnh Binh đoàn 16 là mở đường cho ông Hiền trở thành “Thiếu tướng” theo… Luật Sĩ quan quân đội nhân dân.
Đúng sáu tháng sau, tin này được loan báo rộng rãi: “Chiều 12/5/2023, tại Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16. Thiếu tướng Phạm Bá Hiền quê quán tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình công tác trong quân đội, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý. Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2022, đồng chí giữ chức vụ Phó Tư lệnh Binh đoàn 16. Trước đó, ngày 18/11/2022, đồng chí Phạm Bá Hiền được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh đoàn 16” (4).
Dường như “Thiếu tướng” Phạm Bá Hiền… “vinh quy bái tổ” vào đầu tháng 6/2023 vì vào ngày 3/6/2023, báo Hà Tĩnh loan báo: “Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã chủ trì cuộc gặp mặt, chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 nhân dịp đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh cùng dự. Tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng gửi lời chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16, đồng thời khẳng định, đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình đồng chí mà còn là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh” (5).
Chẳng lẽ Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh không ai biết điều mà tháng 5/2018, ông Phan Tiến Dũng – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà phân trần với tờ BVPL khi bị chất vấn tại sao lại để cụ bà Từ Thị Loan “thỉnh thoảng đạp xe ra chợ bán rau” thâu tóm biến vài ngàn mét vuông đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi xây lâu đài về cậu quý tử của cụ: “Ông là Đại tá làm trong Binh đoàn 16. Trước đó, anh này vẫn làm buôn bán, thị trường vải trong Sài Gòn sau mới sáp nhập vào công ty của Bộ Quốc Phòng. Khi sáp nhập thì bắt đầu anh này mới nhảy sang quân đội. Tiền để làm những căn nhà này thì bình thường, trong Sài Gòn còn rất nhiều nhà như ở đây”.
Đó là lý do dẫu có rất nhiều cơ quan truyền thông loan báo việc Đại tá Phạm Bá Hiền được vinh thăng “Thiếu tướng” nhưng phần “tiểu sử” của “đồng chí” tân “Thiếu tướng” mà các cơ quan truyền thông này đã đưa lại giống hệt nhau ở chỗ rất chung chung về “quá trình công tác trong quân đội” của “Thiếu tướng Phạm Bá Hiền”, thiên hạ chỉ biết “đồng chí” đã “từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý”? Chắc chắn ông Hiền – nhân vật mà láng giềng ở quê hương khẳng định chỉ… “buôn bán”, lĩnh vực… “công tác” chính là… “thị trường vải trong Sài Gòn” đã tìm ra lối để trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân giống như những Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc – quân đội), Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm – công an). Tuy nhiên ông Hiền vượt xa những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm” khi trở thành “Tư lệnh Binh đoàn” và nhận thêm cấp bậc… “Thiếu tướng”.
Các vụ án hình sự liên quan đến những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… cho thấy con đường trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang không khó nếu chịu… chi và quan trọng hơn chịu làm… “bình phong” cho các ông tướng. Những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… chỉ trèo tới… “Thượng tá” thì… “gãy”. Chưa rõ ông Hiền sẽ ra sao nhưng chắc chắn không phải tự nhiên mà lãnh đạo Hà Tĩnh tụ tập để chúc mừng ông nhân dịp ông “vinh quy bái tổ”, khẳng định ông là… “niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh”!
Cứ như điều tra theo đơn khiếu nại, thư tố cáo từ độc giả của tờ Bảo Vệ Pháp Luật (BVPL) thì ông Phạm Bá Hiền – tân Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 16 vốn chỉ thạo… “buôn bán”, lĩnh vực… “công tác” chính là… “thị trường vải ở Sài Gòn”. Cứ như ông Phan Tiến Dũng – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà (nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông Hiền) cung cấp cho tờ BVPL hồi năm 2018 thì ông Hiền trở thành sĩ quan quân đội sau khi doanh nghiệp tư nhân “sáp nhập với công ty của Bộ Quốc phòng” (1). Chưa rõ sau bao nhiêu năm thì ông Hiển trở thành đại tá, chỉ biết Đại tá Phạm Bá Hiền – Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 được bổ nhiệm làm Tư lệnh binh đoàn này vào tháng 11/2022 và sáu tháng sau thì Đại tá Hiền trở thành Thiếu tướng.
Tiếng là… “binh đoàn” nhưng Binh đoàn 16 chỉ là một doanh nghiệp được dán nhãn “kinh tế quốc phòng” nên còn có… tên giao dịch là “Tổng Công ty 16”. Lĩnh vực kinh doanh của “Tổng Công ty 16” là “giúp xây dựng các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng, khu dân cư xã hội trên địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, dân tộc dọc tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc thuộc tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk”. Nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam không ủng hộ giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng – duy trì chủ trương “quân đội làm kinh tế”, khẳng định chủ trương này là “đúng đắn”, là “đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam” thì đội ngũ tướng lãnh của quân đội nhân dân Việt Nam không có những ông tướng như Thiếu tướng Phạm Bá Hiền.
Trước mắt, Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” chưa bị xác định là có… “vấn đề”. Trong tương lai chưa rõ gần hay xa, muốn biết “binh đoàn” này có… “vấn đề” hay không thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) hay UBKT của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng… tuyên bố. Cần phải lưu ý là Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn – cựu Tư lệnh Binh đoàn 16 – vừa được điều động về UBKT của QUTƯ cách nay chừng sáu tháng nên ngày Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” bị xác định là có… “vấn đề” có lẽ phải… chờ thêm! Chưa bị xác định là có… “vấn đề” khác hoàn toàn với không có… “vấn đề”. Muốn biết Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” có… “vấn đề” hay không thì cứ nhìn vào lâu đài đã hoàn thiện từ 2018 nhưng đứng tên thân mẫu của ông Hiền – người “thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán”.
***
Trên thực tế, “vấn đề” đã trở thành chuyện bình thường đối với các đơn vị được dán nhãn “kinh tế quốc phòng”. Chẳng hạn Binh đoàn 15 hay “Tổng Công ty 15” – một đại đơn vị đảm trách việc “xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới phía bắc Tây Nguyên”, trong khi Binh đoàn 16 đảm nhận nhiệm vụ tương tự ở phía Nam Tây Nguyên. Theo những thông tin mà VOA từng tổng hợp về Binh đoàn 15 thì “binh đoàn” này có khoảng mười… công ty, một sư đoàn, hai trung đoàn (còn gọi là Đoàn Kinh tế – Quốc phòng), có quân y viện, trường dạy nghề và một lô nhà máy, trại sản xuất, khách sạn, chi nhánh ở cả Việt Nam, Campuchia và hơn xa Binh đoàn 16 vì được trao tặng cả danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, lẫn danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới”.
Tháng 3 năm 2020, Binh đoàn 15 nổi như… cồn sau khi Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng thi hành lệnh tạm giam hai đại tá: Đỗ Văn Sang (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15) và Phạm Văn Giang (Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72). Công ty 72 là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty 15 đồng thời là… một đơn vị của Binh đoàn 15. Giống như Binh đoàn 15, chỉ… dùng công thổ và ngân sách dành cho quốc phòng khai thác mủ cao su, cà phê mà được phong tặng danh hiệu… “anh hùng”, Công ty 72 cũng được tặng… Huân chương Bảo vệ tổ quốc Hạng nhì (3). Hai ông đại tá, một là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và một là Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72 bị bắt vì liên quan đến việc mua giống cao su với giá cao gây thiệt hại 12 tỷ và thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng mua đất ở Campuchia khiến hoạt động canh tác không hiệu quả, có nhiều khả năng sẽ mất hàng nghìn héc ta đất, trị giá 39 tỷ đồng (4),… Tuy nhiên đó chỉ là kết quả kiểm tra sơ bộ của UBKT của QUTƯ.
Còn kết quả kiểm tra của UBKT thuộc BCH TƯ đảng khóa trước xác định, sai phạm ở Binh đoàn 15 xảy ra cách nay hàng chục năm và trên diện rộng, cho nên đến tháng 9/2020, UBKT của BCH TƯ Đảng CSVN mới công bố quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Binh đoàn 15 và các đơn vị – doanh nghiệp trực thuộc “binh đoàn” – tổng công ty này: Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Cảnh cáo: Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Binh đoàn 15). Đại tá Hà Sơn Hải (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Khiển trách: Đại tá Đường Công Luận (cựu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, cựu Phó Tư lệnh Binh đoàn 15). Đại tá Trần Quang Hùng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Giám đốc Công ty 74). Đại tá Đỗ Vinh Quốc (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Phó Giám đốc Công ty Bình Dương). Đại tá Phạm Hồng Nam (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Xí nghiệp liên hợp Sông Thu kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Đại tá Nguyễn Xuân Tình (cựu Trợ lý Phòng Quản lý dự án đầu tư, Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).
Trong Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 48, UBKT của BCH TƯ khóa trước chỉ giải thích chung chung rằng những viên tướng, viên đại tá là lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 và lãnh đạo các doanh nghiệp – đơn vị thuộc Tổng Công ty 15 – Binh đoàn 15 bị kỷ luật vì “vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai” (5), chứ không cho biết những “vi phạm, khuyết điểm” này cụ thể thế nào, gây thiệt hại bao nhiêu… tỷ?! Tuy nhiên, có một điểm tương đồng, cần lưu ý: Các đơn vị – doanh nghiệp trực thuộc Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 mà lãnh đạo mới bị kỷ luật cũng là những đơn vị – doanh nghiệp… “anh hùng”! Công ty 74 là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2010 (6)! Tổng Công ty Sông Thu là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2016 (7)! Chưa hết, ngoài Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang – được ca ngợi là “vị tướng hai lần anh hùng”, vừa bị cách chức do “vi phạm, khuyết điểm” trong giai đoạn dẫn dắt Binh đoàn 15 trở thành… “đơn vị anh hùng”. Lần này còn có thêm một “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” là Đại tá Trần Quang Hùng, bị… kỷ luật vì những “vi phạm, khuyết điểm” khi lãnh đạo Công ty 74 – một “đơn vị anh hùng” khác (8)!
***
Nếu so sánh thời điểm lâu đài của thân mẫu ông Hiền khuấy động dư luận và những thắc mắc của công chúng về quý tử của cụ bà “thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán” là “Đại tá, Binh đoàn 16” (2018), với thời điểm UBKT của cả QUTƯ lẫn UBKT của BCH TƯ đảng xem xét xử lý sai phạm của hàng loạt tướng tá lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 (2020), ắt sẽ thấy… “vấn đề” không nằm ở chuyện có… “vấn đề” hay không mà nằm ở… chỗ khác.
Đâu phải tự nhiên ông Hiền không những “bình an, vô sự” mà còn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào hàng ngũ tướng lãnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… đã chứng minh sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là thứ có thể bỏ tiền ra mua. Nên gọi chuyện các hệ thống từ chính trị đến công quyền vừa không ngừng bi bô về “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, dứt khoát “không chấp nhận vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, vừa dung dưỡng các cá nhân bất chấp điều tiếng, bất kể những dấu hiệu đáng ngờ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, tích cực “tạo điều kiện” cho “đồng chí” Phạm Bá Hiền vượt qua tất cả các “chốt chặn” (Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Nhà nước) nhằm kiểm tra cả năng lực lẫn tư cách của một cá nhân trước khi phong tướng là gì? Chẳng lẽ “quyết liệt” rồi… “trong sạch, vững mạnh” nằm ở chỗ tướng cũng có có… “giá” và chỉ mất “giá” khi không còn chỗ chỗng lưng?