S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Quà sinh nhật muộn

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

“Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do” là tên của một bài thơ mà Nguyễn Chí Thiện viết từ năm 1968. Tuy hơn nửa thế kỷ đã qua, tác phẩm này vẫn được nhiều người trích dẫn (đều đều) vì tâm đắc hay yêu thích:

Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó

Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó

Việc nó làm, tội ác nó ra sao

Tác giả, và độc giả mến mộ những câu thơ thượng dẫn – xem ra – đều hơi quá lạc quan khi tin rằng “đồng bào miền Bắc” đều biết” rõ “việc làm”, và “tội ác” của ông Hồ Chí Minh (HCM) người đã từng là Chủ Tịch Nước kiêm Chủ Tịch Đảng CSVN suốt hai mươi bốn năm dài (1945 – 1969) gần một phần tư thế kỷ.

Tuy cũng sinh cùng nơi, và sống cùng thời, với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nhưng cái nhìn của nhà văn Lê Phú Khải lại khác: “Độc lập và dân chủ là hai phạm trù lớn nhất, được cả dân tộc nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ qua. Độc lập thì Hồ Chí Minh là hình tượng…”

G.S Tương Lai cũng thế. Ông tuyên bố: “Dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh.”

Nhà văn Dương Thu Hương cũng dành cho nhân vật lịch sử này không ít thiện cảm cùng nhiều lời ưu ái:“Đó cũng là nguời sáng suốt nhất giữa đám nguời cầm quyền Việt Nam cùng thời đại.”

Theo bác Hà Sĩ Phu thì đây là chuyện: “… không lạ, vì nhiều trí thức trong nước hiện nay, dù là đảng viên trung thành hay trí thức phản biện, cũng có cùng quan điểm như Dương Thu Hương (phê phán Cộng sản nhưng tôn vinh Hồ Chí Minh), trong khi Hà Sĩ Phu và nhiều người khác thì lại có những ý kiến có phần khác biệt. Vấn đề khó, không dễ nhất trí ngay, xin cứ lưu lại tất cả để cùng suy ngẫm.”

Với ít nhiều chủ quan, tôi thì tin rằng vấn đề chả có “khó khăn” gì ráo trọi và cũng không có chi để mà “suy gẫm” nữa. Ngoại trừ một số ít quý vị nhân sỹ vẫn còn tiếc nuối cái Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh (“Thời Đại Rực Rỡ Nhất Trong Lịch Sử Dân Việt”) dù “nó” đã đi rất xa, và rất sâu, vào tận trong lòng của quần chúng mất rồi:

  • Đả đảo Thiệu, Kỳ cái gì cũng có/ Hoan hô Hồ Chí Minh cái đinh cũng phải xếp hàng.
  • Chiều chiều trên bến Ninh Kiều/ Dưới chân tượng bác đĩ nhiều hơn dân.

Nói chi ngay tại bến Ninh Kiều, ở tuốt luốt dưới miệt Năm Căn mà lắm người cũng “biết,” và cũng căm (“nó”) lắm:

 Vừa có thông báo lăng Ba Đình sẽ được dùng làm nhà xí công cộng một thời gian, trước khi đập bỏ, ông Tư Ngộ (ở Năm Căn) vội vã bay ra Hà Nội. Ông định xin ở trọ nhà một người quen vài hôm để có dịp vào thăm lăng Bác cho thoả ước nguyện ấp ủ cả đời người. Đến nơi, chủ nhà rẫy nẩy: Sao ở vài ngày mà xong được. Thiên hạ đã đăng ký và xếp hàng dài ra tới tận đèo Cù Mông rồi. Ông cứ về lại Năm Căn đi, chờ vài năm nữa rồi ra lại đây vẫn chưa muộn.

 Chờ “vài tháng” thì ok chớ chờ “vài năm” thì sợ muộn vì cái lăng này đã bị nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh canh me (và lăm le, hoặc hăm he) từ lâu:

“Tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM.”

Đề nghị “bất nhơn” của ông thi sỹ khiến tôi thoáng nhớ đến cái ý niệm “tri thức tập thể” (collective consciousness) của Émile Durkheim. Đây có lẽ chính là “túi khôn của loài người,” hay “vốn sống” của một giống nòi – nếu chỉ xét ở mức độ quốc gia.

Khi vô thức tập thể (collective unconsciousness) của một dân tộc đã trồi lên đến bình diện ý thức, và đã được chuyển hóa thành hò vè/ ngạn ngữ/tục ngữ/ca dao/chuyện hài … về một sự kiện (hay nhân vật) nào đó thì dân gian … rất ít khi sai:

  • Dối như Cuội
  • Láo như Vẹm
  • Mất mùa là tại thiên tai/Được mùa là bởi thiên tài đảng ta!
  • Một năm hai thước vải thô/Làm sao che nổi cụ Hồ hỡi em?

Che chắn không được, bênh vực cũng xong vì thời thời gian không đứng về phía Bác và thời thế cũng đã hoàn toàn đã khác. Cái nhìn của giới trẻ hiện nay về Người trần trụi và tỉnh rụi hà:

– Phạm Chí Dũng:

“Tôi tôn trọng quan điểm của giáo sư Tương Lai, nhưng tôi thấy khó chia sẻ suy nghĩ trở về đảng Hồ Chí Minh của ông.”

– Phạm Thanh Nghiên:

“Chẳng có đảng nào là đảng ‘của ông Hồ’ hay ‘của ông Trọng’ đâu ông Tương Lai ạ. Nó đích thị chỉ là một, tên gọi của nó là đảng cộng sản Việt Nam, thủ phạm gây ra mọi tội ác với nhân dân Việt Nam trong suốt mấy chục năm kể từ ngày ra đời 3-2-1930 đến nay. Hồ, Duẩn, Linh, Mười, Mạnh, Trọng… chỉ là những kẻ luân phiên nhau cầm đầu cái đảng ấy để làm khổ người dân VN thôi ông ạ.”

– Phạm Hồng Sơn:

“Ai là người có thẩm quyền chính trị cao nhất đã để cho đất tư từ hàng ngàn năm biến hết thành đất ‘sở hữu toàn dân’, đã tiến hành cuộc ‘cách mạng long trời lở đất’ ở nông thôn cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn khiến lòng người hôm nay bấn loạn, hãi hùng, rồi cũng chính người ấy lại đưa tay chấm nước mắt tiếc thương nhưng vẫn giữ trọn ngai vàng cho tới lúc chết?

“Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh …”

Đó là tôi mới điểm qua (theo thứ thự alpha) vài vị thức giả thuộc dòng họ Phạm thôi đó nha, chớ nếu ghi lại ý kiến của cả trăm dân muôn họ thì chắc phải ngồi gõ bàn phím cho tới Tết (hoặc dám tới chết) luôn nữa – không chừng!

Chuyện đề HCM, tuy thế, chưa thể chấm dứt ngang đây. Trong một bài tiểu luận khác (“Bỏ Đảng Vì E Tội Cõng Rắn”) bác Hà Sĩ Phu lại đặt ra tiền đề sau: “… muốn Thoát Trung phải Thoát Cộng, muốn Thoát Cộng phải Thoát Hồ.”

Cũng như tuyệt đại đa số người Việt, tôi tin chắc là chúng ta đã “Thoát Hồ” rồi. Chuyện “Thoát Cộng” thì vẫn còn phải đợi, và chắc là phải đợi hơi lâu.

Tức nước vỡ bờ!

Nước chưa đủ tức? Ý thức và ý chí của kẻ bị trị chưa đủ mạnh? Hay đơn giản có thể chỉ vì vận mệnh của dân tộc này vẫn còn đen đủi lắm?

Thường dân như tôi, tất nhiên, không đủ tư cách để bàn đến những chuyện lớn lao cỡ đó. Còn những chuyện lặt vặt (cỡ “nó”) thì dễ ợt nên tôi nào có ngại chi đôi câu … thanh nghị: Chúng ta đã bị thế giới loài người bỏ lại phía sau xa lắc, xa lơ rồi. Xin đừng tiếp tục phí thì giờ cho một con chó chết nữa. Quên “nó” đi!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay