Cuộc viếng thăm của cụ Phan Bội Châu tới DCCT Huế

Cuộc viếng thăm của cụ Phan Bội Châu tới DCCT Huế

Đăng bởi lúc 9:09 Sáng 10/10/13

VRNs (10.10.2013) – Sài Gòn – Cách đây hơn 70 năm (1936), cụ Phan Bội Châu (1867-1940), đã tới thăm Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế. Sau cuộc thăm viếng, cụ có viết một bài di bút và đăng trên báo Vì Chúa của cha Nguyễn Văn Thích (số 3, ngày 2-10-1936). Hôm qua trên bloganhvu có đăng lại bài viết này và giới thiệu là lấy trên facebook của một người quen. Chúng tôi xin phép đăng lại để quý đọc giả biết về cuộc thăm viếng của một danh sĩ, một nhà cách mạng Việt Nam thời Pháp thuộc tới một cơ sở của DCCT.

THAM QUAN TRƯỜNG DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGÀY 27-05-1936

…Khi Châu mới vào cửa, lên tới thềm, bấm chuông cửa, sau nửa phút đồng hồ, thì thấy một người học trò ở trong ra, đưa Châu lên phòng trên lầu, Châu vừa vào tới nơi, thời cha H, Ngài liền đứng dậy bắt tay, mời Châu ngồi, trên sắc mặt ra cái vẻ xuân phong hào khí, vừa nghiêm túc vừa ôn tồn, phảng phất như toàn bức tinh thần của nhà tông giáo phát hiện ra trước mặt Châu.

Sau nửa phút đồng hồ ngài với Châu ngồi đối diện, liền nhả lời vàng ngọc mà nói với nhau. Châu rằng: “Cụ lấy tư cách một nhà văn nhân học sĩ, tới viếng trường Dòng này, tôi rất mực hoan nghênh. Bởi vì tư cách nhà văn nhân trái hẳn tư cách nhà chính trị. Của Đức Chúa Trời chẳng bao giờ từ tạ văn nhân, mà lại rất vui lòng cho những bậc văn nhân thưởng thức”.

Tôi trả lời: “Vâng! Tôi vào tham quan nhà này có hai mục đích chính:

Một là: muốn biết tinh thần bác ái của nhà tông giáo.

Hai là: muốn nếm được chân lí, chắc Ngài cũng sẵn lòng chỉ dẫn cho tôi”.

Ngài rằng: “Tốt lắm! Tốt lắm! Nay tôi xin dẫn Cụ đi xem”.

Tôi đáp: “Vâng! Tôi thiên vạn cám ơn. Ngày này thiệt là ngày vinh hạnh của đời tôi”

Đoạn rồi Ngài lấy tư cách của chủ nhân dẫn tôi đi xem khắp ba tầng lầu. Bắt đầu xem ở Cung thánh, đến phòng dạy, phòng ăn, phòng ngủ, đến phòng diễn thuyết, phòng thầy tu. Trong các phòng quy mô rất thanh khiết, vừa chỉnh đốn vừa khang trang.

Đoạn rồi Ngài cùng vị giảng sư đưa tôi lên sân lộ thiên ở tầng trên, sân này là một chốn thường làm rất thanh cao, rộng rãi, tô bằng xi măng nhuốm sắc vàng, vừa khoan khoái vừa bình thản tưởng như những lúc trăng trong gió mát, mây tạnh trời quang, mà đặt chân vào trên sân này, thời in như đứng vào trong bức kính đồng. Tứ bề nước biếc non xanh, thảy ánh vào trong đôi cặp mắt, cảnh Tiên cõi Phật, e chẳng gì tốt hơn! Nhưng tiếc quá, lúc đó đương khi sau mùa hạ, mặt trời còn nép nấp ở trong đám mây mù, khiến cho kém bớt mấy phần hứng vị.

Ở trong lúc tham quan các phòng, mà khiến cho tôi được phần lợi ích riêng, là khi vào xem tàng thư viện. Trong viện đủ các thứ sách: sách chữ Tây, sách chữ Tàu, sách chữ Nam, thứ sách gì cũng có, mà người quản lí ở trong viện, lại là người tôi đã có duyên tương thức một lần, là ông cố G, cữu biệt trùng phùng cảm tình sâu đậm. Ông cho tôi mượn hai bản sách, bổ thêm óc chân lí cho tôi rất nhiều, tôi cám ơn về phần riêng ông nhiều lắm.

Kể từ khi bắt đầu vào nhà, cho đến lúc thăm bàn thờ Đức Mẹ, được thấy các việc trong ngoài, phúc con mắt của Phan Bội Châu, thật quá chừng đội ơn Chúa.

Ấy là đại lược đầu đuôi ở trong cuộc tham quan trường Dòng Cứu Thế. Về mặt hình thức thì biểu hiện ra những quy mô khoan bình thanh nhã, mà nhất là về mặt tinh thần, biểu hiện ra cái thái độ hòa bình nhân ái. Vì thế bắt buộc tôi phát sinh ra mấy mối cảm tưởng sau đây:

Mối cảm tưởng rằng thứ nhất là thấy trường Công Giáo trọng tinh thần mà không trọng vật chất, trọng thành ý mà không trọng hư văn. Bởi vì khi cha H, Ngài tiếp tôi vẫn dùng bằng lễ tân chủ, nhưng thuốc không, trà không, mà bánh rượu cũng không, nhất thiết những hình thức giả toàn là không ráo. Nhưng mà ở trong đôi tròng con mắt, biểu hiện ra cái vẻ rất nhân từ, mà quý hóa nhất lại là những nụ cười rất tự nhiên hòa nhã, những tiếng nói rất chân thành, thật thà.

Sách Nho có câu rằng: “Bất thành tắc vô tật, cố quân tử thành chi vi quý“, nghĩa là: Hễ việc gì không ý chân thật, thời có việc ấy mặc dầu cũng in như không. Cho nên những bậc quân tử rất quý trọng ở đạo thành.

Mối cảm tưởng thứ hai là rõ được đạo thờ Trời ở trong Công Giáo rất phù hợp với chân lí trong đạo Nho xưa.

Sách xưa có câu rằng: “Tế như tại, tế thần như thần tại“, nghĩa là hễ tế lễ Trời hay tế Thần, phải thường thường nhất tâm thành kính, như có Trời có Thần ở bên mình vậy. Chẳng một phút đồng hồ nào, mà quên lững Trời với Thần thế mới là tế.

Nay tôi được cung chiêm bàn thờ thánh ở trong trường nhà Dòng. Thấy nghiêm túc quá mà chẳng thấy phiền vãn, thấy cung kính mà chẳng thấy lễ vật. Ngọn đèn cây nến, biểu hiện ra cái vẻ quang minh, xem lễ đọc kinh, tỏ ra cái tính hòa mục, ngoài bấy nhiêu hình thức, chẳng thấy gì là mùi tục. Thế chẳng phải là tế như tại hay sao? Thật ta nên cảm phục.

Ấy là hai mối cảm tưởng như trên kia, chính vì một giờ đồng hồ tham quan nhà trường Cứu Thế.

(Báo Vì Chúa số 3, ngày 2-10-1936)

TRẢ LỜI VỀ “CÂU CHUYỆN TÔN GIÁO”

LTS: Tháng trước đây có người trong Giáo đồ mời cụ Sào Nam chơi nhà trường Cứu Thế. Sau đó Cụ có viết một bài, tỏ lời khen ngợi tôn chỉ đức Giáo Chủ…. Nhân đó, có tiếng truyền nhau rằng cụ Sào gần đây theo Giáo. Nhiều người viết thư lại bản báo hỏi. Bản báo kể lại với Cụ. Cụ đã viết trả lời như sau:

Đối với tôn chỉ các Giáo, như “Chúng sinh bình đẳng”, và “Kiêm ái chúng sinh”, chuyên một mục đích “Xả thân cứu thế” như đạo Chúa, đạo Phật, khi nào Cụ cũng tôn kính quý chuộng. Chính hồi Cụ Đông độ đã có nhiều bạn giáo đồ là đồng chí.

Vậy đối với tôn giáo, vẫn tôn kính các giáo lí hợp với nhân đạo đó, chứ không phải mê tín đem hương hoa cầu nguyện hay là tin cái thuyết “xuất thế” như ai đã tưởng.

(Tiếng Dân ngày 31-12-1936)

Theo Phan Bội Châu Toàn Tập – Tập 7 Văn xuôi 1925-1940 – Trang 504-507

http://bloganhvu.blogspot.com/

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay