Đọc báo ta cứ như USA sắp chết tới nơi vì họ toàn trích dẫn những bài báo nhìn trần nợ công đang được hai đảng Voi, Lừa bàn thảo như một tín hiệu Mỹ sắp vỡ nợ và Chủ nghĩa Tư bản hộc máu chết tươi.
Trần nợ công (debt ceiling) là số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ Mỹ vay để hoạt động, từ chi trả bảo hiểm y tế đến trả lương quân đội, chi cho Ukraine là cái móng tay. Mức trần hiện tại cho tổng nợ là 31,4 nghìn tỷ đô la (117% GDP).
Tôi từng nghe ông Jeffrey Sachs nói chuyện. Ông là tác giả cuốn sách “The Price of Civilization – Cái giá của văn minh”, từng là giáo sư kinh tế trẻ nhất ở Harvard, tác giả hai cuốn bán chạy nhất của New York Times là “The End of Poverty” và “Common Wealth”, được tạp chí Times cho vào danh sách 100 người ảnh hưởng đến thế giới năm 2004 và 2005, rồi trợ lý của Tổng thư ký United Nation trong dự án Thiên niên kỷ.
Sachs bảo, nước Mỹ có hai chú Lừa và Voi chuyên đá nhau. Anh Lừa (Dân chủ) có mỗi một từ “Stimulus – kích cầu” và anh Voi (Cộng hòa) có một từ “Cut – cắt”, cắt chi tiêu và giảm thuế. Cứ thế trong Quốc hội tha hồ cãi nhau, bỏ phiếu, chế giễu lẫn nhau suốt hơn 200 năm nay. Không tranh cãi không phải là Mỹ.
Hiện nay đàm phán giữa Voi và Lừa là bàn về trần nợ công (debt ceiling) bao nhiêu thì hai bên cùng vui, hoặc làm thế nào để “bên kia chết mẹ nó đi” cũng OK.
Bầu cử 2024 sắp tới nên họ chơi nhau sát ván để cử tri nhìn thấy nên bỏ phiếu cho Voi hay Lừa.
Khi phố Wall được mở cửa thì có đồng hồ nợ công đưa vào hoạt động năm 1989 với nợ công của chính phủ Mỹ khi đó là 3000 tỷ USD và hiện là (5-2023) hơn 31.000 tỷ.
Voi hay Lừa lên thì cũng phải có tiền mới hoạt động được. Đối lập chỉ tìm cách bóp ví sao cho chính phủ hoạt động không hiệu quả thì cử tri sẽ nghĩ lại.
Đó là kiểu nghĩ của một số nhỏ “còn đảng còn mình”. Nhưng những người vì cái chung của quốc gia thì cố tìm ra con số tối ưu cho nợ công “còn đất nước còn mình” và số này chiếm đa số cả Voi lẫn Lừa.
Các nhà báo viết về kinh tế Mỹ, nợ công, vỡ nợ, dù là bài dịch, trích dẫn, cũng nên tham khảo nhiều nguồn và đọc sâu về nước Mỹ chút. Đừng viết tin kiểu Mỹ vỡ nợ là tư bản chết toi luôn sau một đêm, như là tin chiến thắng.
Năm 2023 kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt – Mỹ thì thương mại song phương từ con số 0 tròn trĩnh vào năm 2003 nay đạt 138 tỷ USD trong năm 2022. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, tạo thành nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại xứ cờ hoa.
Nước Mỹ vỡ nợ, chết rồi, ai mua hàng của Việt Nam đây? Tư bản Mỹ chết khó lắm, chỉ có Liên Xô chết nhanh thôi.
Các cụ nên vào link này để xem tình hình nợ thế giới. Mỹ đầu bảng về số nợ vì nó to vật vã, vay nhiều hơn làm ra GDP, Trung Quốc vay ít hơn làm ra, Nhật Bản vay tới gần 300% GDP để xây dựng CNXH ở Tokyo mà samuraj chưa thấy mổ bụng vì vỡ nợ.
Việt Nam không có trong bảng này. Các cụ tham khảo IMF, World Bank sẽ có số liệu toàn thế giới mà Việt Nam ta vay mới có 57% GDP thôi.
Đừng quá lo và cũng đừng mừng chuyện nợ của thế giới.