Papua New Guinea, đồng minh mới của Mỹ trong chiến lược chống Trung Quốc

Theo đài Radio Pháp Quốc Tế – RFI

Ngày 22/05/2023, Hoa Kỳ đã ký hiệp ước an ninh với Papua New Guinea, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các hải cảng và sân bay của quốc đảo nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa kỳ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện nhằm ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ảnh chụp từ vidéo: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (T) gặp lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 22/05/2023.Ảnh chụp từ vidéo: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (T) gặp lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 22/05/2023. AP

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape hôm qua, xác nhận : “ chúng tôi chuyển từ mối quan hệ chung chung sang một quan hệ cụ thể với Hoa Kỳ. Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực quốc phòng đã được đúc kết ».

Thay mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, vào phút chót đã hủy chuyến đi do phải thương lượng với Hạ Viện về trần nợ công, ngoại trưởng Anthony Blinken đã tới Port Moresby, ký thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa Mỹ với Papua New Guinea ngay trước lúc khai mạc thượng đỉnh giữa14 đảo quốc trong vùng Thái Bình Dương với Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ Thái Bình Dương đã trở thành vùng trọng điểm Hoa Kỳ trong chiến lược ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau khi đã tập hợp thành công các quốc gia lớn như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản trong liên minh gọn nhỏ mang tên Bộ Tứ QUAD, tiếp đó mở rộng liên minh quân sự với Philippines, giờ đây Washington tìm kiếm đồng minh trong số những quốc đảo có vị trí chiến lược quan trọng vùng Thái Bình Dương.

Thỏa thuận vừa ký với Papua New Guinea nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, theo đó Hoa Kỳ từ giờ trở đi có thể tiếp cận hải cảng, sân bay của quần đảo này. Theo như cách nói của ông Anthony Blinken, quân nhân hai nước có thể lên tàu chiến của nhau để « cùng tuần tra tốt hơn » trên biển.

Như vậy Hoa Kỳ có thể tăng cường được khả năng giám sát vùng biển nằm gần tuyến hàng hải thương mại dẫn tới Úc và Nhật Bản. Đổi lại, đồng minh Papua New Guinea được Hoa Kỳ cung cấp thông tin vệ tinh để kiểm soát lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó là những khoản viện trợ phát triển, cùng sự bảo đảm về an ninh cho đảo quốc Thái Bình Dương này. Trước mắt, một khoản viện trợ trị giá 45 triệu đô la đã được thông báo. Theo thủ tướng James Marape, « Papua New Guinea không có kẻ thù, nhưng việc đó là để chuẩn bị ».

Cho dù ngoại trưởng Mỹ Anthony  Blinken tuyên bố thỏa thuận này « không liên quan gì đến một nước khác, đây là quan hệ của chúng tôi với các đảo quốc trong Thái Bình Dương và xuất phát từ tầm nhìn mà chúng tôi chia sẻ với vùng này », nhưng giới quan sát đều thấy rõ trong bước đi này, Washington quan tâm đặc biệt đến những tham vọng của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương. Chuyên gia Gordon Peake, thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, nhận định: « Cho dù không hề được nêu tên trong văn kiện, nhưng Trung Quốc nằm ẩn dưới mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea ».

War News Updates: A Chinese Military Base In The Solomon Islands?

Năm ngoái, Bắc Kinh đã ngấm ngầm ký một thỏa thuận quốc phòng với quần đảo Salomon, cho phép Trung Quốc triển khai quân đội ở nước láng giềng của Papua New Guinea. Khi đó dư luận xem đây là tiếng chuông báo động đối với vùng Thái Bình Dương cũng như đối với Hoa Kỳ. Vài tháng sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh tại Washington với các đảo quốc Thái Bình Dương, thông báo viện trợ hàng trăm triệu đô la các quốc gia trong khu vực này. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng đã đề xuất với các đảo quốc Thái Bình Dương một chương trình viện trợ dưới hình thức thỏa thuận dựa trên cơ sở an ninh khu vực và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dự án của Bắc Kinh đã không có được đồng thuận giữa các quốc đảo liên quan.

Theo phần đông các nhà phân tích, giờ đây Hoa Kỳ lo ngại rằng, với một điểm cắm chân quân sự trong vùng nam Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể không chế căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam, gây khó khăn cho việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh  tấn công hòn đảo.

Thỏa thuận quốc phòng được ký với Papua New Guinea, đảo quốc lớn thứ 3 trên thế giới, có diện tích trên 462 840km2, nằm trong bối cảnh trận chiến giành ảnh hưởng kinh tế và quân sự giữa Washington và Bắc Kinh trong vùng Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt. Trong cuộc đua này, Bắc Kinh cũng không tỏ ra kém cạnh, đã đặt quan hệ đối tác với nhiều quốc gia như Fidji, quần đảo Tonga, Salomon và cũng đã rất tích cực lôi kéo Papua New Guinea.


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay