Một giáo xứ được khai sinh trong vùng trắng tôn giáo huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai

Một giáo xứ được khai sinh trong vùng trắng tôn giáo huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai

Đăng bởi lúc 1:58 Sáng 6/10/13

chuacuuthe.com

VRNs (06.10.2013) – Gia Lai – Lúc 11 giờ, ngày 04.10.2013, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum đã chính thức thành lập giáo xứ IaTô, trong địa bàn huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai và trao trách nhiệm chăm sóc giáo xứ cho Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô). Hôm nay cũng là lễ kính nhớ Thánh Tổ Phanxicô Assisi, Đấng sáng lập Dòng Phanxicô.

Giáo xứ IaTô Huyện Jagrai nằm cách Tp Pleiku khoảng 30 km về hướng Tây Nam, giáp biên giới Campuchia. Trước năm 1975 là vùng căn cứ cách mạng, nên các tôn giáo gần như trắng. Sau năm 1975, vào thập niên 80, một số giáo dân đi kinh tế mới đến vùng đất này, trong đó có khoảng 15 hộ với gần 80 nhân khẩu là giáo dân. Tại thời điển đó, ngay các giáo xứ lớn ở thành phố Pleiku, việc sinh hoạt tôn giáo cũng cam go, nên tại IaTô người Kitô hữu không được tham gia một chút gì hoạt động tôn giáo chính thức của Giáo hội. Họ chỉ biết cầu nguyện tại tư gia và cũng không dám cho mọi người biết mình là người Công giáo.

Nhờ sự hoạt động của Chúa, sức mạnh đức tin mỗi tín hữu tăng lên dần, những người tin Chúa bắt đầu tìm cách liên lạc và sinh hoạt với nhau. Khoảng thời gian 1984 – 1994, anh em kết hợp lại và cử người về trình lên cha Quy và cha Thượng ở giáo xứ Thăng Thiên tại TP Pleiku để được hình thành một xóm giáo. Trong thời gian 10 năm đó, các cha gần như không đến được với giáo dân IaTô. Mỗi khi có việc, anh em phải âm thầm về giáo xứ Thăng Thiên sinh hoạt, tham dự những ngày lễ trọng.

Năm 1995 mọi sinh hoạt đạo của IaTô chuyển sang cho giáo xứ Thánh Tâm coi sóc. Lúc đó Đức giám mục đương kim của giáo phận Kontum đang là là linh mục quản xứ giáo xứ Thánh Tâm.

Ngày 26.04.1995, cha Micae đã về dâng thánh lễ chui đầu tiên cho IaTô tại gia đình ông Vịnh. Tiếp sau đó, cha Micae về rửa tội chui cho các em nhỏ tại nhà ông Bảy Chiêng. Cha Micae đặt ông Bảy chiêng làm xóm trưởng xóm giáo 2 và ông Vịnh làm xóm trưởng xóm giáo IaChâm.

Năm 1996 hai xóm giáo lại chuyển sang sinh hoạt với giáo xứ Đức An do cha Phêrô Nguyễn Vân Đông đảm nhiệm. Cho đến năm 1996, tại IaTô chưa có một người anh em dân tộc Jarai nào biết về đạo Công giáo.

Năm 1998, một số anh chị em như ama Krenh, ama Ương, ami Béo, ơi Hằng, ơi Đer, ama Hương, ama Thùy, ơi Tăm … đến gặp cha Antôn Vương Đình Tài, CSsR, ở Pleichoét và xin cha đón nhận họ. Cha Tài đã quy tụ số anh em này về Pleichoét để học hỏi Tin Mừng một thời gian, rồi giao lại cho cha Đông kiêm nhiệm vùng Jarai.

Vào  Phục Sinh năm 2002, ngày 30.03.2002, có 12 anh chị em Jarai đầu tiên được rửa tội. Sau đó, ngày 23.06.2002 rất nhiều anh chị em Jarai đã về giáo xứ Thánh Tâm chịu phép Thanh Tẩy. Trong số này có nhiều anh chị em đã trở thành Akố  Khul trong làng của họ và từ các anh chị em này, việc rao giảng Tin Mừng được tỏa đi các buôn làng.

Khi người Jarai bắt đầu loan báo Tin Mừng cho người Jarai thì cũng là lúc các anh chị em bị chính quyền truy bắt, nên họ đã gặp muôn vàn khốn khổ. Cuộc sống gian khổ đã không làm cho anh chị em Jarai chùng bước, mà họ tiếp tục ra đi để đưa các anh chị em mới theo đạo về chịu bí tích Thanh tẩy, lúc thì nhà thờ Đức An khi thì trung tâm truyền giáo Pleichoét, lúc khác lại tại nhà thờ Thánh Tâm. Bất cứ chỗ nào thuận tiện là các cha đều đón nhận anh chị em.

Năm 2004, cha Giuse Trần Văn Bảy về quản nhiệm giáo xứ Đức An, cha quy tụ anh chị em nhiệt tình vùng IaTô về gíao xứ Đức An để học hỏi giáo lý và cách dạy giáo lý lại cho xóm giáo mình. Cha đã mượn nhà anh Tuấn làm nơi sinh hoạt chung để hình thành một xóm giáo.

Ngày 19.04.2005 Dòng Anh Em Hèn Mọm (OFM) đã được Đức giám mục Giáo phận Kontum giao phụ trách truyền giáo huyện Ia Grai. Nhận sứ mệnh đi đến một huyện mà nhà cầm quyền xem tôn giáo là một cái gai, nên khó khăn càng chồng chất. Có những lúc các cha  gần như muốn bỏ cuộc bởi áp lực của chính quyền quá lớn. Nhưng khi nhìn vào sự khao khát, sự khó nghèo, sự đói rách của anh chị em bệnh phong cùi, các cha đã chấp nhận sự bắt bớ, trục xuất để rồi âm thầm chịu đựng, lén đến với anh em dân tộc và bệnh nhân cùi.

Cha Nicôla Vũ Ngọc Hải, Bề trên dòng tại miền truyền giáo Gia Lai, đứng giữa anh chị em Jarai

Cha Nicôla Vũ Ngọc Hải, Bề trên Dòng Phanxicô tại miền truyền giáo Gia Lai, đứng giữa anh chị em Jarai

Cha Nicôla Vũ Ngọc Hải, Bề trên Dòng Phanxicô tại miền truyền giáo Gia Lai đã đến dâng lễ đẩu tiên vào ngày 18.08.2006 cùng với cha Giám tỉnh Dòng Phanxicô Vương Đình Khởi, cha Bảy và hai thầy phó tế Trung và Long, để ban bi tích thêm sức cho 52 người.

Ngày 28.12.2006, Đức giám mục Kontum đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Văn Long về làm quản nhiệm IaTô và các giáo điểm huyện Iagrai. Đến năm 2010, Đức giám mục thấy sự lớn mạnh của các xóm giáo ở IaTô, số giáo dân trên 2000 người, nên ngài cho nâng lên hàng giáo xứ. Tòa Giám Mục đã có thông báo cho chinh quyền nhưng mọi việc gần như bị lãng quên. Năm 2011, Tòa Giám Mục đặt lại vấn đề thì hai năm sau, đến ngày 08.08.2013 chính quyền tỉnh Gia Lai mới có quyết định công nhận.

Đầu thánh lễ, cha quản nhiệm Giuse Trần Văn Long đọc quyết định của chính quyền công nhận giáo xứ. Đức giám mục Giáo phận đã nói không thành lời khi dòng nước mắt tuôn trào, hòa chung các đôi mắt đầy lệ của các cha đồng tế với tiếng khóc của cộng đoàn.

Lời nói của Đức cha Micae đi đôi dòng nước mắt: “Trên 20 năm, trải qua bao gian lao khốn cùng mà anh chị em gánh chịu cho Đức Tin của mình. Đâu phải tới ngày hôm nay giáo xứ IaTô mới hình thành. Huyện Jagrai phải có nhiều giáo xứ như Ia Kha, Ia Chăm, Ia Jok, Ia O… Các nơi này, anh chị em kitô hữu của chúng ta có rất nhiều. Chúng ta đến với Thiên Chúa bởi Đức Tin nhưng Đức Tin của chúng ta không được chính quyền đón nhận bởi cơ chế xin cho trong mọi sinh hoạt. IaGrai là một vùng trắng về tôn giáo bởi trước đây là vùng căn cứ. Nhưng anh chị em đã quy tụ lại sống Đức Tin của mình. Nhất là với các anh chị em người dân tộc ở IaTô, từ một nơi không biết Thiên Chúa là ai mà năm 2010 đã có 1289 anh chị em đã đón nhận Tin Mừng. Anh chị em người Kinh thập niên 80 có 80 người bây giờ trên 800. Vì đâu có sự kiện này ? Đó là vì chúng ta biết giữ vững Đức tin biết đi rao giảng biết loan báo cho mọi người biết chúng ta là con một Cha, anh em một nhà.

(Từ trái sang) Cha Tổng đại diện, Đức giám mục giáo phận, và Cha bề trên Dòng Phanxicô tại Tây Nguyên

(Từ trái sang) Cha Tổng đại diện, Đức giám mục giáo phận, và Cha bề trên Dòng Phanxicô tại Tây Nguyên

Đức Giám mục nói tiếp: “Nhân ngày lể Thánh Phanxicô Assisi, tôi muốn nói tâm gương của ngài với anh chị em. Thánh Phanxicô đến với thầy Yêsu và tìm thấy nơi thầy Yêsu của mình là một tấm gương đức độ. Ngài đã rũ bỏ mọi vinh hoa phú quý, bởi ngài xuất thân từ một gia đình giàu sang sung túc. Ngài thấy nơi thầy Yêsu là hiên thân của nhân đức, ngài từ bỏ mọi phú quý để đến với anh chị em tầng lớp khốn cùng bị xã hội khinh chê ruồng bỏ, ngài gắn liền cuộc sống của mình với bao anh chị em phong cùi bệnh hoạn mà ai cũng ghê tởm. Ngài đã chia sẽ ủi an và đưa những kẻ khốn cùng ấy đến với thầy Yêsu của mình. Tấm gương của ngài đến ngày hôm nay, Giáo hội vẫn còn học hỏi và tiếp bước noi theo.

Cuối cùng Đức cha Micae nói: “Tôi xin các ơn các Cha dòng Phanxicô đã đảm nhiệm cho việc truyền giáo tại vùng Iagrai. Cám ơn anh chị em Kinh cũng như Thượng đã và đang thực hiện sứ vụ truyền giáo của mình”.

PV. VRNs tại Pleiku

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay