Chia sẻ Lễ An Táng Tu sĩ Giuse Đỗ Văn Chung, O.P.

Chia sẻ Lễ An Táng Tu sĩ Giuse Đỗ Văn Chung, O.P.

Sept 28, 2013 @ Nhà Thờ Ba Chuông lúc 10 Sáng.

Bài đọc: Gióp 19:1, 23-27a; Roma 6:3-9; Gioan 11:21-27.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúng ta phải chân thành nhận rằng chúng ta đang thực sự rất đau thương và buồn bã trước sự ra đi cách bất ngờ và tàn nhẫn của người anh em chúng ta, Tu Sĩ Giuse Đỗ Văn Chung, O.P.

Giống như ông Gióp trong bài đọc 1, có rất nhiều người đã hỏi: “Tại sao sự xấu như vậy lại xẩy ra cho một người hiền lành và đạo đức?”  Câu hỏi này hướng về quá khứ để tìm hiểu nguyên nhân của sự xấu và chắc chắn sẽ không có câu trả lời thỏa đáng; vì hoặc chúng ta sẽ đổ lỗi cho người này, người khác hoặc cuối cùng chúng ta sẽ qui trách nhiệm cho Thiên Chúa. “Tại sao, Chúa là Đấng Nhân Từ và Thương Yêu lại để một chuyện xấu như vậy xẩy ra cho người lành?”  Hoặc chúng ta sẽ trách Chúa như Marta: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết?” (Gioan 11:21).

Đối với tôi, câu hỏi phải là: “Sự xấu này đã xẩy ra, vậy bây giờ chúng ta phải làm gì?”  Câu hỏi này giúp chúng ta học ra bài học trong quá khứ để giúp nhau vượt qua đau khổ hiện tại và cùng tìm cách ngăn ngừa thảm họa như vậy diễn ra trong tương lai.  Đó là một câu hỏi thực tiễn và cần thiết.  C.S. Lewis đã nói: “Pain is God’s megaphone to arouse the deaf world – Đau khổ là tiếng gào thét của Thiên Chúa để thức tỉnh thế giới điếc đặc. Ngôn ngữ và suy nghĩ của chúng ta rất hạn chế; vì thế chúng ta cần tìm đến với Lời Chúa để an ủi nhau và giúp nhau vượt qua nỗi đau này.

Chúa Giêsu đã chết trên Thánh Giá bằng một cái chết nhục nhã và đau thương.  Các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Nhật Bản mà hôm nay Giáo Hội mừng kính cũng đã bị giết chết hết sức dã man: người bị chém, người bị thiêu, người bị dùng tre lứa mà lóc từng miếng thịt ra!  Thật dã man và đau đớn!

Khi chứng kiến cảnh Đức Quốc Xã treo các nạn nhân lên trên các cột gỗ và giết họ, rất nhiều người đã hỏi: “Tại sao như vậy?  Chúa ơi, Chúa ở đâu mà để những người vô tội chết thảm đến thế?”  Bất ngờ trong đám đông ấy có tiếng trả lời: “Chúa đang ở đó, trên cây gỗ, cùng chịu đau và chết chung với họ.”

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Mỗi lần chúng ta thấy một người vô tội bị chết thảm, thì chúng ta hãy biết rằng Chúa Giêsu Kitô đang cùng chịu đau và cùng chết với họ.  Và theo lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay: ‘nếu anh Giuse Đỗ Văn Chung đã cùng chết với Đức Kitô thì anh cũng cùng sống với Người.’  (Rom 6:8)  Cũng như Đức Kitô đã phục sinh và bước ra khỏi mồ, thì sự phi lý và dã man của cái chết anh Giuse Đỗ Văn Chung đã trải qua cũng không thể giữ anh ở trong mồ được.  Anh sẽ cùng sống với Đức Ktiô.

Nhà vật lý học và là Giám Đốc đầu tiên của trung tâm Nasa Mỹ, tiến sĩ Wernher von Braun có nói: “Khoa học cho chúng ta hay là mọi sự trong thiên nhiên, ngay cả những phân tử nhỏ nhất, cũng không biến mất mà không để lại dấu tích chi cả.  Thiên nhiên không biết đến sự tuyệt chủng mà chỉ có sự biến đổi – từ trạng thái này sang trạng thái khác.  Những gì khoa học dạy tôi đều củng cố niềm tin của tôi vào sự liên tục của sự hiện hữu thiêng liêng sau cái chết thể lý; bởi lẽ chẳng có gì biến mất mà lại không để lại dấu tích chi cả.”  (Science tells us that nothing in nature, not even the tiniest particle, can disappear without a trace.  Nature does not know extinction.  All it knows is transformation…  And everything science has taught me… strengthens my belief in the continuity of our spiritual existence after death.  Nothing disappears without a trace).

Sống cho đến bao nhiêu tuổi ở trần gian là điều không quan trọng; điều quan trọng là sống ra sao, sống như thế nào, sống trong sự kính trọng và thương yêu hay trong khinh thường và thù hận… Có người nói: Immortality is very fearful without love.  Sự sống vĩnh cửu thì thật là đáng sợ nếu không có tình yêu.

Người anh em của chúng ta, Tu sĩ Giuse Đỗ Văn Chung, O.P. đã sống hiền hòa, quan tâm đến người khác, chân thành thương yêu mọi người và được mọi người quí mến, yêu thương.  Sự hiện diện của rất nhiều người từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới tại Thánh Đường này nói lên sự thật đó.  Chắc chắn anh đang sống trong yêu thương và kết hợp với Chúa Tình Yêu.

Thưa Cha Giám Tỉnh, quí linh mục, tu sĩ nam nữ, tang gia và quí ông bà anh chị em,

Tại thành phố Phnom Penh ở Campuchia có một trạm xá dành cho người bị bệnh SIDA (AIDS) do một linh mục Công giáo trông coi.  Cha và những người giúp việc đã đi tìm và đem về trạm xá những người bị SIDA và chăm sóc họ cách cẩn thận và tận tình.  Nơi đây các bệnh nhân được lo lắng cách chu đáo và được ăn no.  Cũng có bệnh nhân sẽ được gởi về nhà – để chết, phần lớn thì chết ở trạm xá này.

Có lần một linh mục dòng Đaminh từ Âu Châu đến thăm trạm xá thì gặp lúc một thanh niên trẻ mới được đưa đến trạm xá, anh rất gầy yếu và chắc chắn không thể sống được bao nhiêu ngày.  Anh được người ta tắm rửa sạch sẽ và được hớt tóc cho gọn gàng, lúc ấy mặt anh rạng rỡ niềm vui và hạnh phúc.

Người không có cùng niềm tin với chúng ta có thể hỏi: “Tại sao phải làm như vậy?  Các bệnh nhân này sẽ sớm qua đời thôi, tại sao phải tốn công vào những việc vặt vãnh như vậy?”  Đối với họ, việc chăm sóc này không mang ý nghĩa chi cả.

Nhưng với chúng ta, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và là anh chị em của nhau.  Chúng ta không để cho một người anh em, một người chị em của chúng ta về với Chúa trong lem luốc, bẩn thỉu hoặc chết bờ chết bụi.  Phẩm giá của con người không cho phép chúng ta để mặc họ như thế.  Mặc dù chết là một cuộc lên đường rất cá nhân, nhưng thường có người thân quen qui tụ chung quanh để tiễn ta lên đường về quê trời, hợp đoàn trong Vương Quốc của Chúa.  Do đó, chăm sóc cách dịu dàng và tận tình các bệnh nhân chờ chết như thế là một nghĩa cử giúp chuẩn bị họ tiến vào trong Vương Quốc này, và đó là điều phải làm.

Thưa cha Giám Tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình và các anh em trong tỉnh dòng,

Anh em Đaminh trong Phụ Tỉnh của chúng con ở Bắc Mỹ đã đồng hành với anh Giuse Đỗ Văn Chung, O.P. hơn một thập niên qua trong đời sống tu trì, trong mục vụ và trong sứ vụ ở Houston, Texas, thế mà chúng con lại không có mặt bên cạnh anh Giuse Chung trong những giây phút sau cùng của anh trên dương thế.  Thay vào đó, cha Giám Tỉnh và anh em đã đồng hành, nâng đỡ, động viên tinh thần, chăm sóc tỉ mỉ và chu đáo cho anh Giuse.  Với tinh thần ‘Còn nước còn tát’, cha Giám Tỉnh và anh em đã nhờ các chuyên viên y khoa giỏi và tìm mọi cách để giúp anh Giuse Chung và như thế, cha và anh em đã đem đến cho Bà Cố và cho chúng con sự ‘hy vọng’.  Mặc dù Chúa đã làm việc theo cách khác; nhưng sự ‘hy vọng’ này lại rất cần cho chúng ta trong lúc này.  Chúng con chân thành cảm ơn cha Giám Tỉnh và quí anh em.

Có người nói: Hy vọng không phải là nhắm mắt lại trước những khó khăn, những nguy hiểm, hay những thất bại.  Nhưng hy vọng chính là tin tưởng chắc chắn cho dẫu tôi thất bại bây giờ, tôi cũng sẽ không thất bại mãi mãi; cho dẫu tôi bị thương tổn bây giờ, tôi cũng sẽ được hồi phục; đó cũng chính là tin tưởng rằng sự sống thì tốt lành, và tình yêu thì thật mãnh liệt. (Anon) Với niềm tin vào Chúa, hy vọng này: “không phải là một xác tín cho rằng mọi sự sẽ xuôi chảy, nhưng là một quả quyết mọi sự sẽ có ý nghĩa, bất kể kết quả chúng sẽ như thế nào” (‘Hope is not the conviction that something will turn out well, but the certainty that something makes sense, regardless of how it turns out’ câu nói của Vaclav Havel, một nhà viết kịch và là cựu tổng thống nước Tiệp Khắc – trích trong sách của cha Timothy Radcliffe, What is the Point of Being a Christian, trang 17).

Cha Timothy Radcliffe, O.P., nguyên Bề Trên Cả Dòng Đaminh, thuật lại việc ngài thăm viếng các anh chị em Đaminh ở Burundi như sau:

Lần đầu tiên tôi đến Burundi (miền Nam của Rwanda – thảm cảnh diệt chủng diễn ra từ tháng Tư đến tháng Bảy, 1994) vào lúc những xung đột chủng tộc giữa người Hutus và Tutsis đã xé nát mảnh đất xinh đẹp ấy.  Tôi ngỏ ý muốn thăm cộng đòan các nữ Đan sĩ Đaminh ở phía Bắc nước này.  Đi bằng đường bộ thì rất nguy hiểm … nhưng vì không còn cách nào khác nên chúng tôi đành phải phó thác và lên đường.  Thật là một chuyến đi cam go.  Chúng tôi đã bị quân lính bắt dừng xe không cho chúng tôi tiếp tục vì đang có những chiến sự trên đọan đường đó.  Dọc đường, chúng tôi đã từng thấy cả một chiếc xe búyt chứa đầy xác chết.  Có những phát đạn bắn mà tôi nghĩ là đã nhắm vào chúng tôi.  Tòan quốc gia ấy mang mầu tang thương và chết chóc.  Các cây lương thực đều bị thiêu hủy.  Và ở tuốt phía xa, chúng tôi thấy một ngọn đồi xanh tươi, nơi đó là đan viện của các chị em.

Sáu sơ là người Tutsi và sáu sơ khác là người Hutu.  Đó là một trong số rất ít địa điểm nơi hai sắc dân ‘kình địch’ ấy sống chung trong hòa bình và thương yêu.  Các nữ tu này đã mất hầu hết thân nhân trong cuộc thảm sát diệt chủng… Tôi thắc mắc làm sao họ có thể sống hòa bình với nhau như vậy.  Họ cho hay ngòai những giờ kinh chung, họ luôn luôn cùng nghe tin tức ngõ hầu họ đều biết và chia sẻ với nhau những gì đang xẩy ra.  Không người nào phải sống trong đau thương một mình.  Dần dần, người từ các sắc dân khác nhau nghe biết vùng đất của đan viện là một nơi an tòan và đã qui tụ lại trong thánh đường để cầu nguyện và trồng cây lương thực chung quanh thánh đường ấy.  Một ngọn đồi xanh tươi trong một vùng đất tan hoang – đó chính là một DẤU CHỈ HY VỌNG.” (What Is the Point of Being a Christian? Burns & Oates, 2005, p.20-21).

Thưa quí cha, quí tu sĩ nam nữ, Bà Cố và tang gia của cha Giuse Đỗ Văn Chung, ‘không ai phải sống trong đau thương một mình’.  Chúng ta qui tụ trong Thánh Đường hôm nay để chia bớt nỗi buồn đau của bà Cố và của từng người chúng ta; đồng thời cũng nâng đỡ nhau và đem đến cho nhau niềm tin và niềm hy vọng rằng ‘mọi sự sẽ có ý nghĩa, bất kể kết quả chúng sẽ như thế nào.’

Để kết thúc, con xin mợn bài thơ ngắn sau đây để gởi đến cách đặc biệt cho bà cố ngõ hầu chúng ta cùng với bà cố tin tưởng, hy vọng và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, là Cha Nhân Từ và là Người Thầy Chí Thánh của chúng ta.  Bài thơ có tự đề: TRANG VỞ BỊ GẤP

Trên căn gác một ngôi nhà cổ

Khi hạt mưa từ mái nhà đổ xuống,

Tôi ngồi đó lật từng trang vở bị gấp nếp

Ghi dòng chữ của mình hồi nhỏ:

Thầy giáo bảo: tạm bỏ qua điều này

Vì hiện tại nó rất ư khó hiểu.’

Tôi liền dở nó ra và đọc,

Đoạn gục gặc đầu mỉm cười nói:

Thầy có lý, bây giờ tôi mới hiểu.”

Trong cuộc sống có nhiều trang khó hiểu,

Ta hãy gấp lại và viết lên:

Thầy giáo bảo: tạm bỏ qua điều này

Vì hiện tại nó rất ư khó hiểu.’

Rồi một ngày nào đó trên Nước Trời,

“Thầy có lý, bây giờ tôi mới hiểu.” (Vô danh).

Anh Giuse Đỗ Văn Chung thân mến, hãy cầu bầu cùng Chúa cho chúng tôi.

Ts. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.

Phụ Tỉnh Thánh Vinh Sơn Liêm Calgary, Canada.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay