Lm. Kiều công Tùng
Phục Vụ Trong Tự Hạ
Trình thuật về việc rửa chân chỉ được ghi lại duy nhất trong Tin Mừng Gio-an. Hình ảnh Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trước hết là một mặc khải rõ ràng về Thiên Chúa tình yêu. Nghiêng mình xuống là cách Cựu Ước dùng để diễn tả lòng nhân hậu thương xót của Thiên Chúa. Giờ đây, Thiên Chúa không những nghiêng mình mà còn quỳ gối, cúi xuống tận chân con người, để rồi phải ngẩng đầu lên trả lời khi Phê-rô phản đối. Thử hỏi còn có sự hạ mình nào hơn thế? Đấng toàn năng sáng tạo lại quỳ gối để ngước mắt nhìn lên thụ tạo của mình.
Thiên Chúa đã xóa mình đi để bước xuống, đến gần và bày tỏ lòng thương xót cho con người như thế đấy. Cử chỉ đó mãi là một tấm gương để cho tất cả các môn đệ của Đức Giê-su không ngừng học hỏi mà đối xử với nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Một tiêu chuẩn để người môn đệ Chúa Giê-su đến với người khác và phục vụ họ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Phục Vụ Bằng Tự Hiến
Câu chuyện rửa chân không đơn thuần là một tấm gương về bài học khiêm tốn phục vụ nhưng còn mang ý nghĩa biểu tượng, nói lên tất cả sứ mạng của Đức Giê-su đồng thời loan báo về sự chết và phục sinh của Người nữa.
Hình ảnh Đức Giê-su “cởi áo ngoài ra” rồi sau đó lại “mặc áo vào” khiến ta liên tưởng đến lời Người nói trước kia: “Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10, 18). Như thế, câu chuyện rửa chân là cách diễn tả tượng trưng cho cái chết tự nguyện của Đức Giê-su và cuộc phục sinh của Người.
Ở giữa hai hành động “cởi ra” và “mặc vào” trong trình thuật rửa chân là một cử chỉ tự hạ thẳm sâu. Còn ở giữa hai hành động “hy sinh” và “lấy lại” lại là sự tự hiến tuyệt vời: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Cái chết của Đức Giê-su ở trên thập giá chính là tuyệt đỉnh của một tình yêu phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).
Phục Vụ Cho Đến Cùng
Tin mừng Gio-an không nói đến việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng khung cảnh của bữa tiệc ly được bổ túc bằng đoạn thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô giúp chúng ta hiểu rằng tiếp theo hành động có tính biểu tượng nối kết sự tự hạ với tự hiến là việc Chúa ban chính thịt máu của Người làm lương thực dưỡng nuôi nhân loại cùng với lệnh truyền: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 25)
Việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh mục trong bữa Tiệc Ly chứng tỏ tình yêu của Người dành cho nhân loại. Yêu đến hiến mạng sống, yêu đến ban thân mình. Qua hai Bí Tích đó, Người muốn thực hiện lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Người yêu thương và yêu cho đến cùng. Dù không còn hiện diện cách hữu hình trên dương gian này, nhưng Người luôn có đó để trợ lực, để đồng hành với nhân loại qua phép Thánh Thể, qua con người linh mục với sứ mạng mục tử.
Như thế, qua Đức Giê-su Ki-tô, mỗi người chúng ta đã dược Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Chúng ta có bổn phận làm cho tình yêu đó triển nở và được nhân rộng trong môi trường của mình bằng việc xóa mình đi: xóa đi những thành kiến, ích kỷ, toan tính vụ lợi… Đồng thời, mỗi người cũng phải biết mở ra với những người chung quanh. Có như thế, tình yêu và sự sống mà chúng ta đón nhận được từ nơi Chúa Cha qua Đức Giê-su mới thực sự sinh hoa kết quả dồi dào.
Trong ngày kỷ niệm Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền chức hôm nay, ta bắt gặp một hình ảnh Chúa Ki-tô Linh Mục hoàn toàn trái ngược với hội chứng quyền bính đã được người ta nói đến: một Thiên Chúa hạ mình để phục vụ, một mục tử tự hiến cho đến cùng. Quyền bính được trao cho Giáo Hội, chức vụ tư tế thừa tác được trao cho các linh mục ngày nay không ngoài mục đích để cho tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô còn tiếp tục hiện diện giữa thế giới này. Chúng ta cùng cầu xin cho các linh mục của Chúa ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, vị Linh Mục đời đời.
Lm. Kiều công Tùng
From: Langthangchieutim