Thủ tục truy tố và kết tội một Tổng Thống diễn ra như thế nào?

Báo Tiếng Dân

Nhã Duy

31-3-2023

Sau các nguồn tin về phán quyết của đại bồi thẩm đoàn New York trong vụ án liên quan đến cựu tổng thống Mỹ, những đồng minh chính trị của ông ta cùng các hệ thống truyền thông cánh hữu đang lên án việc buộc tội này là một vụ “bức hại chính trị” hay có sự lạm dụng quyền lực, tấn công vào đối thủ chính trị và ứng viên tổng thống. Tất nhiên điều này đang được nhóm cử tri hậu thuẫn tin và lặp lại như vậy hiện nay.

Nhân vụ án này, thử tìm hiểu thêm về thủ tục tố tụng hình sự tại Mỹ được diễn ra như thế nào và nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền hành (check and balance) trong sự vận hành hệ thống pháp luật hay điều hành chính phủ nói chung của nước Mỹ, có dễ dàng cho phép tấn công các đối thủ chính trị và bị lạm dụng, thao túng hay không? Bài viết này được tác giả tham khảo theo các tài liệu pháp luật của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.

Xin nói ngay, văn phòng biện lý và các công tố viên New York không buộc tội nghi phạm mà chính đại bồi thẩm đoàn đã buộc tội, dựa theo các chứng cứ, nhân chứng trực tiếp và gián tiếp mà văn phòng biện lý đã thu thập chứng cứ trong cuộc điều tra kéo dài từ vài năm qua. Nhân chứng, vật chứng không đủ mạnh, không thể thiết lập một vụ án hình sự tại tòa liên bang và không đủ thuyết phục đại bồi thẩm đoàn đi đến việc buộc tội.

Đại bồi thẩm đoàn được thành lập và hoạt động theo hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ từ xưa nay. Các cơ quan công lực Hoa Kỳ, hay trong vụ án này là văn phòng biện lý New York thực hiện việc điều tra (investigation) trước các hành vi phạm tội trực tiếp hay gián tiếp của bị can để chuyển hồ sơ sang tòa án, nơi đại bồi thẩm đoàn sẽ quyết định các chứng cứ có đủ thuyết phục để đi đến quyết định buộc tội (indictment) bị cáo. Từ lúc bị buộc tội cho đến khi bị mang ra tòa xét xử (trial), là cả một quá trình dài và phức tạp.

Sau bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn, thông thường bị cáo sẽ bị bắt giữ hay tự nguyện ra đầu thú. Người này sẽ được lăn tay, chụp hình và bị còng tay ra hầu tòa (arraignment). Thẩm phán sẽ công bố các cáo trạng từ đại bồi thẩm đoàn, cho bị cáo biết được quyền hạn của mình và được phép có các luật sư riêng đại diện, hoặc có một luật sư chính phủ (public defender) hướng dẫn. Tùy theo tội danh (charges), nghi phạm có thể đóng tiền thế chân tại ngoại (bail bond) hay phải vào tù cho đến ngày bị đưa ra xét xử. Trong cuộc hầu tòa này, nghi phạm cũng có thể nhận tội hay không nhận tội.

Giai đoạn tiếp theo là cuộc chiến giữa các công tố viên cùng các luật sư đại diện phía bị cáo. Hai bên sẽ đối chất, gọi nhân chứng hữu thệ, trình ra tang chứng, vật chứng. Đây là giai đoạn khai thác vụ án (discovery) khá khó khăn cho các công tố viên khi họ buộc phải cung cấp các tài liệu và chứng cứ của mình theo yêu cầu phía luật sư thân chủ, thậm chí cả các bằng chứng ngoại phạm (exculpatory evidence) mà phía luật sư bị cáo có thể sử dụng để chứng minh là thân chủ mình vô tội.

Nếu chứng cứ phía công tố viên quá mạnh và phía luật sư đại diện nhắm rằng họ khó có thể thắng được vụ án mà bị cáo đã có hành vi phạm pháp thì hai bên có thể thỏa thuận nhận tội (plea bargain) nhằm tránh nguy cơ bị mức án cao hơn một khi bị đưa ra xét xử. Mức án cuối cùng sẽ do một thẩm phán quyết định và tuyên bố.

Trong trường hợp bị cáo không nhận tội thì một cuộc tiền nghị án hay điều trần (preliminary hearing), xem như một phiên tòa nhỏ do một thẩm phán nghe đối chất và chứng cứ giữa hai bên để quyết định có thể tiếp tục hay bác bỏ (dismiss) vụ án. Trước khi bị xét xử, hai bên công tố và luật sư sẽ đưa ra các kiến nghị hay thỉnh cầu khác nhau (motion) và được các thẩm phán quyết định đồng ý hay bác bỏ.

Sau hàng tháng trời, phiên toà xử án (trial) sẽ là giai đoạn cuối cùng và quyết định trong một vụ án hình sự. Phiên tòa này do một thẩm phán làm chủ tọa, là người điều hành và bảo đảm phiên toà được tiến hành công bằng và đúng theo trình tự pháp luật trước một bồi thẩm đoàn không thiên kiến do hai bên cùng chọn lựa. Phiên toà có thể kéo dài lâu mau tùy theo tính chất của vụ án và phán quyết cuối cùng (verdict) sẽ do bồi thẩm đoàn đưa ra. Trong một vụ án hình sự liên bang, nếu là phán quyết có tội (conviction) thì phải được sự đồng thuận của tất cả những bồi thẩm viên trong bồi thẩm đoàn.

Sau khi bị kết tội, kẻ phạm tội sẽ quay lại tòa để nhận mức án (sentence) nặng nhẹ tùy hành vi phạm tội của mình. Bản án này sẽ do các thẩm phán đưa ra, dựa theo các hướng dẫn và hồ sơ tội phạm, như chủ mưu, tòng phạm, tái phạm… của kẻ bị kết án. Bản án nặng nhất tại Mỹ hiện nay là tử hình trong các vụ án hình sự. Nếu kẻ tội phạm tin rằng mình đã bị oan, bị xét xử thiếu công bằng hay bản án quá nặng, họ có thể kháng án lên các tòa cấp trên. Cao nhất tại Mỹ là tòa Tối Cao Pháp Viện dù chỉ có một số nhỏ vụ án lên được đến tòa này.

Bên trên là sơ lược về thủ tục tố tụng một vụ hình án nói chung tại Hoa Kỳ. Với một nghi phạm từng cựu tổng thống Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có dăm thủ tục hành chính khác biệt bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ. Chưa từng có tiền lệ bởi cũng chưa từng có một tổng thống Hoa Kỳ nào có những hành vi và chứng cứ đủ để bị truy tố. Nói thêm là vụ hình án tại New York này chỉ là một trong bốn vụ điều tra khác mà cựu tổng thống Donald Trump đang đối diện với các tội danh có thể nặng nề hơn gấp bội.

Đây là một cột mốc lịch sử của nước Mỹ và hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Bất luận cảm xúc hay suy diễn của mỗi cá nhân như thế nào, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đã và đang diễn ra theo đúng trình tự của nó từ lâu nay. Nó dựa trên nguyên tắc công bằng và dân chủ để bảo vệ người vô tội hay trừng trị những kẻ phạm pháp, bất kể họ là ai.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay