TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Người Âu châu thường dùng biểu tượng con bướm để nói về sự phục hồi, tái sinh và phát triển. Thật là thú vị khi được ngắm những cánh bướm muôn màu vui đùa trong ánh nắng vàng mùa xuân, giữa những bồn hoa đang rực rỡ khoe sắc đua hương. Những cánh bướm tô điểm cho những đóa hoa vốn đã tươi đẹp càng thêm tươi đẹp hơn.
Nhìn cánh bướm lộng lẫy kiêu sa dưới ánh mặt trời, ít ai ngờ rằng tiền kiếp của con bướm là con sâu sù sì xấu xí khiến ai nhìn thấy cũng phải tránh. Để được hóa kiếp thành chú bướm xinh đẹp, con sâu phải đau đớn thoát ra khỏi xác thân xấu xí ấy. Khi còn là loài sâu, đối tượng phá hoại của nó cũng là những cây hoa. Cây hoa nào mà có sâu thì cành lá tan nát, đóa hoa héo tàn. Phải chăng vì muốn bù lại hành vi phá hoại ấy, mà nay, một khi hóa thân thành bướm, những chú bướm vuốt ve mơn trớn và tô điểm cho hoa thêm đẹp thêm xinh?
Mùa Chay là mùa biến đổi cuộc đời. Những hy sinh khổ chế của Mùa Chay nhằm tới sự sống mới, như con sâu lột xác thành con bướm. Lời Chúa hôm nay muốn nhắn gửi chúng ta sứ điệp của sự sống, để hướng chúng ta tới Đức Giê-su là nguồn sống đích thực.
Con người ngày càng cảm nhận sự mong manh của cuộc sống trần gian. Như đóa hoa nay còn mai mất, con người sống trên đời chẳng lấy gì bảo đảm mình còn sống đến ngày mai. Đức tin công giáo dạy chúng ta, người tín hữu, trong cuộc sống trần gian, phải lo tìm kiếm sự sống vĩnh cửu. Bởi lẽ sự sống không dừng lại ở đời này, nhưng còn tiếp tục sau khi chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế. Bên mộ của ông La-da-rô, Chúa Giê-su đã tỏ bày quyền năng thiên linh cao cả của Người. Người truyền cho người chết ra khỏi mồ trước sự chứng kiến của thân nhân gia đình và những người làng xóm. Trong khi Mác-ta, chị của người chết, nói về sự sống lại vào lúc tận thế, thì Đức Giê-su muốn nhấn mạnh tới sự sống lại ngay bây giờ. Sứ mạng của Chúa Giê-su khi đến trần gian là đưa con người đến sự sống mới. Sự sống mới ấy chúng ta có thể đạt được ngay ngày hôm nay, khi thành tâm đó nhận giáo huấn của Người. Sự sống trong ân sủng khi còn ở đời này là bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời trong Vương quốc của Chúa.
Tội lỗi giam cầm chúng ta trong những huyệt mộ, khép kín mình, ích kỷ trước tha nhân. Chúa Giê-su đã đến để thực hiện điều ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã loan báo: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi…” (Bài đọc I). Thánh Gio-an diễn tả một Đức Giê-su thực sự là “người.” Người chạm đến nỗi đau của con người, rơi lệ trước đau khổ của bạn hữu và giúp họ từ nấm mồ bước ra. Hình ảnh Chúa Giê-su được diễn tả không như một nhà phù thủy, nhưng một Thiên Chúa làm người có trái tim nhân loại, sẻ chia và mang lấy nỗi đau của con người, nhường cho con người hạnh phúc và vinh quang.
Để bước ra khỏi huyệt mộ của tội lỗi, mỗi chúng ta cần phải hy sinh cố gắng, nhiều khi đến mức anh hùng. Bởi lẽ, thay đổi đời sống, hướng cuộc đời sang một ngã rẽ khác cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, dứt bỏ mọi ràng buộc để được sống trong tự do của con cái Chúa, hướng về tương lai tươi sáng trong bình an. Nhờ cuộc sống mới, họ giống như người đang đi trong ánh sáng mặt trời, không sợ vấp ngã.
Trên con đường trở về với Chúa, nhiều khi chúng ta ngã lòng trông cậy, vì thấy mình tội lỗi thật nặng nề, vì thấy mình chìm sâu trong vũng lầy của sự yếu đuối. Bà Mác-ta, chị của La-da-rô, mặc dù tuyên xưng đức tin một cách quả quyết, cũng không hy vọng em mình có thể sống lại. Bà nói với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày.” Chính trong lúc không một tia hy vọng theo lý luận thông thường của con người, thì quyền năng Thiên Chúa đã được tỏ bày. Chúa Giê-su đem hy vọng cho con người vào lúc họ cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Một thân xác bắt đầu thối rữa, nhờ quyền năng của Chúa, vẫn có thể được hồi sinh. Một con người dù tội lỗi tràn trề, nếu biết dừng lại sám hối, vẫn có thể được tha thứ.
Đức Giê-su là nguồn sống của chúng ta. Phép lạ làm cho ông La-da-rô sống lại vừa là lời chứng minh quyền năng Thiên Chúa của Người, vừa báo trước cho chúng ta về sự phục sinh của Chúa. Từ cõi chết, người đã chỗi dậy vinh quang sáng láng, là bảo đảm sự sống lại cho những ai tin vào Người.
Những ai đã can đảm và dứt khoát bước ra khỏi huyệt mộ thì sẽ sống một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy không còn bị xác thịt chi phối nữa, tức là không còn bị những đam mê xác thịt ràng buộc và cản trở. Họ được tự do thanh thoát mặc dù vẫn sống trong thân xác còn mang nhiều yếu đuối. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đổi mới chúng ta, nhờ đó chúng ta có sức mạnh để vươn lên trong sự sống mới này (Bài đọc II).
Mùa Chay đang tiến dần đến chặng cuối. Tôi có nghe tiếng Chúa gọi để bước ra khỏi nấm mồ u tối không? Xin Chúa cho tôi sức mạnh, sự can đảm để vươn tới gặp gỡ Ngài là nguồn sống đích thực. Một khi được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa, tôi sẽ như chú bướm rực rỡ đem vẻ đẹp của mình để tô điểm cho đời, bù lại những tội lỗi của thời đã qua.
“Từ vực thẳm, con kêu lên Chúa…” Lời ca nói lên thân phận bi thảm của con người. Lời ca cũng diễn tả niềm hy vọng vào lòng từ bi của Chúa. Chính Người sẽ giải thoát chúng ta.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên