NHÂN ĐỨC ĐẦU TIÊN

NHÂN ĐỨC ĐẦU TIÊN

(Lm Phạm Quốc Hưng, CSsR)

 

Khi có người hỏi Thánh Augustinô: “Nhân đức đầu tiên con phải tập là nhân đức nào?” Thánh nhân trả lời: “Đó đức khiêm nhường!” Người ấy hỏi tiếp: “Nhân đức thứ hai là nhân đức nào?” Thánh nhân lập lại: “Đức khiêm nhường!” “Còn nhân đức thứ ba?” Thánh nhân vẫn nói: “Đức khiêm nhường!” Rồi ngài thêm: “Nếu anh tiếp tục hỏi về nhân đức ngàn lần, tôi vẫn cứ trả lời như thế. Vì khiêm nhường là sự thật, mà Thiên Chúa là sự thật nên ai thực sự có đức khiêm nhường là có Thiên Chúa ở cùng và có mọi nhân đức khác!” Nơi khác, thánh nhân quả quyết: “Không ai buớc vào Thiên Đường được nếu không nhờ đức khiêm nhường!”

Đức khiêm nhường, nhân đức đầu tiên và là mẹ mọi nhân đức mà Thánh Augustinô ân cần khuyên dạy chúng ta phải có để được cứu độ và nên thánh, là một trong những chủ đề dễ nhận thấy trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Thật vậy, ngay trong bài đọc một, tác giả sách Huấn Ca đã ân cần khuyên nhủ mọi người, nhất là những ai làm lớn, phải có đức khiêm nhường và tránh tội kiêu ngạo, để được đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chúc phúc: “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý trọng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa, vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa. Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan” (Hc 3:19-21,30-31).

Rồi trong Tin Mừng hôm nay, khi dự tiệc tại nhà một vị thủ lãnh và nhận thấy những thực khách chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về cách tham dự tiệc cưới và khuyên dạy mọi người: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lc 14: 8-11).

Một tác giả dựa vào Tin Mừng hôm nay ghi lại câu truyện sau: Có một người ghi nhớ lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay và quyết tâm thực hành. Một hôm, anh được mời tham dự một bữa tiệc mà chính Chúa Giêsu là Vị Thuợng Khách. Khi vào phòng tiệc, anh tìm ngồi vào chỗ cuối rốt. Các khách mời lần lượt bước vào. Anh hồi hộp chờ mong, nhưng chẳng ai mời anh lên chỗ cao hơn cả. Cuối cùng Chúa Giêsu đã đến. Có một chỗ danh dự ở trên dành cho Người. Nhưng lạ thay, Người không ngồi vào chỗ ấy, nhưng Người tiến về phía anh. Anh ngỡ rằng Chúa sẽ mời anh lên chỗ gần Người. Nhưng không phải thế! Chúa Giêsu đến và chọn ngồi vào chỗ bên cạnh anh. Và anh đã hiểu: Chỗ rốt hết là chỗ Chúa Giêsu chọn cho chính Người, vì Người chính là Hiện Thân của Sự Thật và của Đức Khiêm Nhường!

Linh mục Cajetan Mary da Bergamo (1672-1753) đã bắt đầu tác phẩm Khiêm Nhường Trong Lòng của ngài với nhận xét sau: “Trong Thiên Đàng có nhiều vị Thánh không bao giờ làm việc bố thí, vì các ngài quá nghèo. Có nhiều vị Thánh không hề hãm mình phạt xác bằng ăn chay, vì cơ thể các ngài quá yếu đuối bệnh tật. Có nhiều vị Thánh không đồng trinh, vì các ngài ở bậc kết hôn. Nhưng trong Thiên Đàng không có vị Thánh nào mà không khiêm nhường cả. Thiên Chúa đuổi các thiên thần ra khỏi Thiên Đàng vì kiêu ngạo; vậy nên làm sao chúng ta có thể đòi vào đó mà không lo giữ đức khiêm nhường?” Đây cũng là điều đã được Thánh Augustinô xác định khi người nhận xét:  Kiêu ngạo biến thiên thần thành ma quỷ, và khiêm nhường biến con người thành thiên thần!”

Cha Bergamo viết thêm: “Chúa Kitô mời gọi chúng ta vào trường học của Người, không phải để học làm phép lạ, cũng không phải để học làm cho thế giới phải ngỡ ngàng bằng những việc kỳ diệu, nhưng để học trở nên khiêm nhường trong lòng như chính Người đã phán Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng’ (Mt 11:29)”. Đây cũng chính là những lời của Chúa Giêsu mà Hội Thánh muốn chúng ta ghi nhớ khi cho lập lại trong phần tung hô Alleluia trong Phụng Vụ hôm nay.

Trong Kinh Magnificat, Đức Mẹ Maria cũng đã tuyên dương sự tuyệt đối cần thíêt và cao trọng của đức khiêm nhường khi Mẹ nói: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường(Lc 1:52). Sự cần thiết và quan trọng của đức khiêm nhường còn được Đức Mẹ khẳng định khi Mẹ hiện ra với Thánh Faustina-Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa- và dạy Chị rằng: “Nếu con muốn làm con gái hai lần của Mẹ, con phải có ba nhân đức: khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường, trong sạch và kính mến Chúa”.

Ghi nhớ lời dạy của Chúa Kitô, Thánh Phêrô-Vị Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh cũng đã ân cần khuyên nhủ những tín hữu đầu tiên phải thực hành đức khiêm nhường như sau: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn hco kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5:5b-6).

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong Tâm Hồn Nhật Ký của ngài, cũng từng ghi nhận: “Tôi cần khiêm nhường và mến yêu. Nhưng có lẽ tôi cần khiêm nhường hơn, vì không thể có mến yêu thực sự ngoài sự khiêm nhường”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Vị Thánh Sư của “đường thơ ấu thiêng liêng”, viết: “Tôi không biết mình có khiêm nhường không, nhưng tôi nhìn thấy sự thật trong mọi việc”.

Vì khiêm nhường là nhận biết và sống theo sự thật, nên chúng ta có thể noi gương Thánh Augustinô tập đức khiêm nhường bằng việc năng thưa cùng Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Biết Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, quyền năng và nhân hậu vô cùng, để ta yêu mến Chúa và theo Chúa. Biết mình chỉ là hư vô và hơn nữa còn là tội nhân để ta bỏ mình và sửa mình. Một lời nguyện tất rất quý giá và đẹp lòng Chúa giúp chúng ta ghi nhớ và thực hành đức khiêm nhường và gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là: “Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa”.

Ave Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết nỗ lực noi gương Chúa Giêsu Con Mẹ sống khiêm nhường để trở nên những người con yêu dấu của Mẹ. Amen.

From: hnkimnga &

Anh chị Thụ & Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay