FBI có thể làm gì để bắt tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh trong vụ rửa tiền 3 tỷ đô la?

VOA

17/03/2023

Ảnh chụp màn hình lệnh truy nã của FBI đối với ông Nguyễn Quốc Minh, công dân Việt Nam.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã hôm 16/3 đối với tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh, công dân Việt Nam, sinh năm 1973, quê ở Quảng Bình, cư trú ở Hà Nội, về tội điều hành một trang mạng rửa tiền Bitcoin lên tới 3 tỷ đôla. Trong số những kẻ sử dụng trang mạng này, có các hacker Triều Tiên và các tay gián điệp Nga.

FBI từng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đa dạng để bắt giữ một số nghi phạm người Việt và người Mỹ lẩn trốn ở Việt Nam sau khi họ vi phạm luật pháp Mỹ. Tới đây, FBI có thể làm gì để bắt ông Minh?

VOA tìm hiểu vấn đề này với một cựu công chức từng làm việc trong nhiều năm tại phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam và am hiểu hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thực thi luật pháp.

Chưa có hiệp định tương trợ tư pháp

Người này, hiện sống ở Mỹ và không muốn nêu danh tính, lưu ý rằng Mỹ và Việt Nam chưa ký kết một hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự nên các cơ quan thực thi luật pháp Mỹ gặp trở ngại lớn khi muốn bắt nghi phạm là công dân Việt Nam thuần túy và vẫn cư trú ở trong nước.

Một biện pháp nghiệp vụ để đi lách qua trở ngại này, đã chứng minh tính hiệu quả cao đối với FBI nhưng cũng đòi hỏi nhiều công sức lẫn chất xám để chuẩn bị và thực hiện, là giăng bẫy, dụ nghi phạm rời khỏi Việt Nam.

Một vụ như vậy đã được đông đảo công chúng Việt Nam biết đến là trường hợp hacker Ngô Minh Hiếu, sinh năm 1989 ở Gia Lai, bị FBI dụ đến đảo Guam và bắt ở đó hồi tháng 2/2013 sau khi ông Hiếu phạm tội đánh cắp danh tính của nhiều người Mỹ và bán cho bọn tội phạm, hưởng lợi hơn 3 triệu đô la.

Ông Hiếu đã phải ngồi tù ở Mỹ trong 7 năm trước khi được giảm án, trả tự do. Khi quay về Việt Nam, ông Hiếu trở thành chuyên gia tại Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia.

Tuy nhiên, theo cựu công chức của phái bộ Mỹ ở Việt Nam, xét đến việc FBI đã phát lệnh truy nã ông Nguyễn Quốc Minh, có thể xem như cơ quan điều tra này hầu như không còn tính đến phương án giăng bẫy, bắt ông Minh bên ngoài Việt Nam nữa.

Khi VOA hỏi liệu FBI có thể cử đặc vụ âm thầm vào Việt Nam, bí mật bắt và đưa một công dân Việt như ông Minh sang Mỹ được không, cựu công chức của phái bộ Mỹ nói rằng trong nhiều năm làm việc ở Việt Nam, người này chưa từng bao giờ thấy Mỹ làm như vậy. “Một hoạt động ngầm kiểu đó khi lộ ra sẽ là một sự cố, một tai tiếng về ngoại giao, về xâm phạm chủ quyền rất nghiêm trọng”, người này nói.

Vẫn cựu công chức của phái bộ Mỹ nhắc lại rằng giữa Mỹ và Việt Nam chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên việc Washington đề nghị Hà Nội bắt giữ nghi phạm là công dân Việt và giao cho Mỹ là một vấn đề mới mẻ, chưa có tiền lệ, dường như sẽ khó được Việt Nam chấp nhận do liên quan đến cả vấn đề chủ quyền lẫn thể diện quốc gia.

Đã từng làm: Mỹ truy vết, Việt Nam bắt công dân Mỹ

Mặc dù vậy, hai nước đã có nhiều hợp tác trong việc truy tìm, bắt giữ, bàn giao và đưa về Mỹ các nghi phạm là công dân Mỹ, trong số đó có những người gốc Việt, cựu công chức phái bộ Mỹ cho VOA biết.

Về quy trình điều tra, bắt giữ những trường hợp đó, cựu công chức phái bộ Mỹ mô tả rằng văn phòng của FBI ở Campuchia kiêm nhiệm cả Việt Nam sẽ gửi một đề nghị sang Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, tiếp đến, đại sứ quán sẽ gửi một công hàm đến Bộ Công an đề nghị hỗ trợ bắt giữ và các công việc khác theo sau.

Với hiểu biết của mình, cựu công chức phái bộ Mỹ cho hay khi Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Công an nhận được đề nghị của Mỹ, họ chuyển đến Văn phòng Interpol (Cảnh sát Quốc tế) của Việt Nam và Cục Cảnh sát Hình sự. Trên thực tế, Cục Cảnh sát Hình sự thường tiến hành việc bắt giữ nghi phạm cho phía Mỹ.

Sau khi bắt được nghi phạm, công an Việt Nam thông báo cho Đại sứ quán Mỹ để hai bộ phận An ninh và Dịch vụ Công dân Mỹ của đại sứ quán đến nhận nghi phạm, chủ yếu diễn ra tại một sân bay.

Trong hầu hết các trường hợp, nghi phạm sẽ bị nhân viên của Cảnh sát Tư pháp Liên bang Hoa Kỳ (US Marshals Service) áp giải về Mỹ. Trong một số ít những trường hợp khẩn cấp, các nhân viên cấp cao của bộ phận an ninh hoặc thực thi luật pháp thuộc phái bộ Mỹ ở Việt Nam sẽ áp giải.

Cựu công chức phái bộ Mỹ cho biết thêm rằng tuy không trực tiếp ra tay bắt giữ các nghi phạm là công dân Mỹ lẩn trốn ở Việt Nam, song các nhân viên thực thi luật pháp Mỹ đã nhiều lần điều tra, truy tìm, định vị chính xác một số nghi phạm, giúp phía Việt Nam rút ngắn thời gian điều tra và bắt giữ thành công.

“Có một số trường hợp phía công an Việt Nam ngần ngại, thoái thác, cho rằng rất khó khăn, không lần được dấu vết, nhưng phía Mỹ có các phương tiện, máy móc hiện đại, kinh nghiệm dày dặn đã tìm ra địa điểm chính xác của những tên tội phạm người Mỹ vì chúng vẫn liên lạc với thân nhân, và báo cho Việt Nam bắt”, cựu công chức phái bộ Mỹ nói.

Câu hỏi để ngỏ

Như VOA đã đưa tin, giới thực thi pháp luật Mỹ xác định rằng từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, có hơn 149.000 thông tin dữ liệu liên quan đến một tài khoản gmail do tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh sử dụng, cho thấy nghi phạm này ở xung quanh Hà Nội, Việt Nam.

Các dữ liệu đó, kết hợp với nhiều nguồn thu phát sóng khác nhau bao gồm điện thoại di động, GPS và WiFi, cho thấy ông Minh, nghi phạm trong vụ án rửa tiền trị giá 3 tỷ đô la, đã thực sự ở Việt Nam trong những thời điểm diễn ra hoạt động truy cập dữ liệu, theo FBI.

Nhưng tiến sĩ Minh là công dân Việt Nam, không phải công dân Mỹ như các nghi phạm khác mà Mỹ và Việt Nam đã phối hợp bắt giữ trong quá khứ. Vì vậy, liệu Việt Nam có sẵn lòng truy bắt ông Minh theo lệnh truy nã của Mỹ hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

VOA cố gắng liên lạc với Bộ Công an Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu quan điểm của họ về vấn đề này nhưng không có hồi đáp.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay