NHẬT KÝ CỦA NGƯỜI VỢ CÓ CHỒNG ĐI “HỌC TẬP CẢI TẠO “

Sau 1975, hầu hết những quân nhân phục vụ trong quân đội miền Nam đều “được “đi học tập cải tạo. Những đoạn nhật ký dưới đây của tôi chắc rằng cũng giống như của hàng vạn người vợ khác ở Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ .

Ngày… tháng… năm

Đã một tháng trôi qua, vẫn chưa được tin tức gì về anh, mặc dù ngày anh đi trình diện, họ nói mang theo quần áo và vật dụng cá nhân cho ba ngày? con gái ba tháng tuổi của mình chưa biết gì về sự vắng mặt của bố, nhưng em…

Ngày … tháng… năm

Thấm thoát đã ba tháng dài đằng đẵng, anh vẫn bặt tăm vô tín. Một ngày có 24 giờ, một tháng là 30 ngày, và 3 tháng tới 90 ngày, vậy là có bao nhiêu giờ em mong được tin anh?

Ba ngày và ba tháng nó cách xa nghìn trùng, xa vời vợi…

Em đi hỏi thăm các chị: Lệ kế bên, Nguyệt ở xóm trong, vợ anh Hải con bà Ngoạn… chưa một ai có tin tức gì về chồng của họ.

Con mình vẫn ngoan, vui cười khi chơi với em, chưa biết bố đã vắng nhà khá lâu.

Em vẫn ở nhà với ông bà nội, lo cơm nước và trông con, vậy mà cũng bận rộn hết ngày, vì chợ búa bây giờ phải xếp hàng cả ngày, viết tắt là XHCN

người ta nói vậy…

Ngày… tháng… năm

Em bắt đầu đi chợ trời bán đồ cũ với anh của em, anh Trung đó. Gửi con bà Nội giữ, em ra đường Huỳnh Thúc Kháng, mua và bán tại chỗ, đồng hồ, radio và các thứ linh tinh. Phần đông người mua là bộ đội, thứ gì cũng lạ lẫm đối với họ.

Chắc anh không thể tưởng tượng cái cảnh chợ mà người mua và bán chỉ đi tới đi lui cầm món hàng trong tay và trao qua, trao lại. Người muốn bán đem hàng ra đó, thường là người Miền Nam chồng đi học tập hoặc mất việc làm vì làm việc cho chế độ cũ, cứ bán dần các thứ mình có. Cũng có lúc em đi quanh xóm xem có ai bán gì thì mua.

Người ta nói thời thế tạo anh hùng hoặc đói thì đầu gối phải bò, đúng không? Em của anh đã phải lăn lộn ra đường kiếm sống, à phải bò ra đường để tìm cách sinh nhai, nói một cách hoa mỹ.

Ngày…tháng… năm

Hôm nay được thư anh, cả nhà mừng lắm. Phải cám ơn Bác và Đảng đã nuôi nấng và dạy dỗ anh để trở thành người tốt? mặc dù em chưa biết anh xấu ra sao? em chưa được học tập nên không rành cho lắm.

Cái thư không dài lắm, chỉ vài hàng cho biết là anh vẫn khỏe và sẽ có ngày em được thăm nuôi, vậy mà em đọc hàng giờ.

Chữ viết của anh đây mà, sao không kể gì hơn? trang giấy còn dài mà sao lời quá ngắn? có cái gì đó làm cay mắt em, chữ viết trong thư cứ nhoè đi…

Ngày… tháng…năm

Làm đơn đi thăm nuôi, về phường xác nhận, hẹn đến tháng sau! Họ làm việc đúng nội quy, đúng nguyên tắc. Đến giờ, cánh cửa mở, đến giờ, cánh cửa đóng. Danh sách đã lật qua, cánh cửa khép lại. Bao tháng nay anh không được nhận món gì, đó là việc riêng của anh. Một người tù phải biết chờ đợi. Tháng sau tên anh mới được lật ra, đúng với hệ thống, đúng với qui tắc.

Em có than khóc ư? có van xin ư? cái hệ thống máy móc không nghe thấy gì cả. Đành thôi!

Ngày….tháng… năm

Ba bốn hôm sửa soạn, sắp xếp thức ăn để thăm nuôi anh với bà nội và con. Chỉ được gặp anh 15 phút. Anh chỉ còn xương bọc da, em không dám nhìn lâu. Em nhìn xuống mặt bàn, nơi mà anh để hai bàn tay đầy ghẻ, lắng nghe anh nói với bà nội những gì cần thiết được phép mang cho khi thăm nuôi.

Con nhìn anh, như một người xa lạ.

Em lấy làm buồn khổ khi nghĩ rằng anh đang sống trong một cái phòng tương tự như chuồng khỉ, mà ở trong đó có những con người, nhìn không còn giống con người, suốt ngày họ làm quen với chấy rận, ghẻ lở và đói khát…

Em bổng thấy mình nghèn nghẹn nơi cổ. Khi ra về, vừa đi em vừa nhìn xuống chân, bóng nắng cứ chập chờn, nhòe dần…

Ngày….tháng… năm

Lần nào có giấy phép đi thăm nuôi , em và bà nội cũng hớn hở ghi chép, mua các thứ, xong nấu nướng, gói ghém, rồi lên đường tưởng chừng như đi hội chợ Tết du xuân. Nhưng khi đến cổng trại, xếp hàng ở ngoài chờ đợi, em lại thấy buồn. Chỉ cách cái hàng rào, và mấy bức tường kia, em với anh tuy gần mà xa.

Em chợt nhận thấy cuộc đời anh như một bức tranh hí họa trong tạp chí Tiền Phong. Đời người sau những chấn song. Lúc mới sinh ra người ta được nằm trong những chiếc giường có chấn song để khỏi té. Khi tới tuổi đi học, gởi vào nội trú. Chung quanh trường là những hàng rào song sắt. Lớn lên gia nhập quân đội, trong quân trường, lại là cái hình ảnh sau những hàng rào dây kẽm gai. Cho đến khi vào tù, luôn luôn con người ta ở sau những chấn song. Có thể khi chết, chung quanh ngôi mộ, xây hàng rào sắt kiên cố, để xác chết được nằm yên dưới mồ, khỏi bị trộm cắp đào lên.

Ngày…tháng… năm …

Nhanh quá mới ngày nào, khi anh đi, con nó chưa biết gì, nay đã bập bẹ kêu bà ăn cơm. Bà nội chỉ hình anh rồi bảo nó kêu bố nè. Xong bà còn dạy nó khi hỏi bố con đâu, thì trả lời, bố con đi học tập. Vậy là mỗi lần các bà hàng xóm gặp cứ hỏi, bố con đâu? để được nghe câu trả lời: “bố đi học bập” vì đã nói được rành đâu. Rồi họ cười.

Em dạo này không còn bán chợ trời nữa vì hàng họ đâu còn nhiều, người ta đòi giá cao rất khó mua bán, vả lại ở phường họ khuyến khích chị em phụ nữ không có việc làm nên đi vào làm ở Hợp Tác Xã Mây tre lá. Vậy là bọn em phải gia nhập thôi. Việc làm này không có lương, chỉ trả theo sản phẩm. Cả ngày làm được có 3 cái rổ, không đủ tiền mua ký khoai, ôi sao mà nản quá chừng!

Đi đến đâu cũng có những bảng hiệu Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, độc lập thì có rồi, đương nhiên hai miền không còn chia cá nhân của mình, còn tự do và hạnh phúc thì không dành cho những gia đình như gia đình mình.

Em không hề muốn kể lể hay than vãn với ai, để làm gì? mọi người nhìn nhau với đôi mắt đượm buồn và thông cảm. Không biết phải nói làm sao? diễn tả thế nào? cái bề ngoài câm nín đã bao bọc sự bừng bừng bên trong.

Ngày…tháng…năm …

Được tin anh chuyển trại, không biết em nên buồn hay vui?

nên cười hay mếu?

Anh và em chưa bao giờ được kể và cũng không có thời gian để kể về cuộc sống của mình trong những giờ phút thăm nuôi và những lá thư ngắn ngủi. Nhưng như vậy dường như đã đủ, thấy mặt nhau, bố đã nắm tay con, con đã nhận biết bố, còn thấy mặt nhau là quý lắm rồi.

Thế là an tâm sống với cái đời sống riêng rẻ của mình. Một đôi khi gặm nhấm nỗi ray rứt và tự an ủi rằng mọi sự tuần tự trôi qua. Nhiều lúc hai mẹ con em lủi thủi đi, về, em tưởng rằng đã đủ. Em quen như một người cụt cánh tay mặt, họ làm việc bằng cánh tay trái. Lâu dần mọi sự sẽ quen.

Ngày…tháng…năm …

Sáng nay em dậy sớm đi ra bến xe miền Đông với mẹ của Liễu và một vài người bạn, bọn em đi buôn đậu xanh từ Vỏ Đắc về Saigon. Chưa bao giờ làm việc này, nhưng đánh liều chứ không biết làm gì ra tiền?

Xe đến nơi khoảng 8 giờ, mua vội 5 ký đậu xanh, chia ra từng bọc nhỏ và ngụy trang ít rau cỏ lên trên. Cả bọn lên xe khoảng hơn 10 giờ để trở về Saigon, xe chạy khoảng nửa tiếng thì bị công an chặn lại xét. Thế là cả bọn vào đồn công an để lập biên bản phạt và tịch thu số đậu xanh.

Khi họ cho bọn em về là đã một giờ trưa, đâu còn chuyến xe nào để về Saigon.

Biết làm sao, những bộ mặt tiu nghỉu, dắt díu nhau, đành cuốc bộ trên con đường đồng không mông quạnh, từ trưa cho đến tối khoảng 11 giờ đêm mới thấy một cái nhà bên đường để gỏ cửa xin nước uống và nghỉ nhờ chờ sáng đón xe về.

Sáng ra trên chuyến xe về, họ bàn tán về số lượng thiệt hại, và lo ngại về cái bụng con cái đói khát ở nhà. Có người còn đùa rằng chỉ có cách em nên vớ đại anh bộ đội nào đó, để khỏi phải buôn bán, như có vài người đã đầu hàng với số phận.

Ra đời là phải vật lộn với cuộc sống. Chen đua từng bước một. Người yếu bị kẻ mạnh đè lên, dẫm lên không thương xót. Mẹ con em đang trong dòng thác lũ đó. Miếng cơm manh áo đã mua bằng đồng tiền, đồng tiền do mồ hôi và nước mắt. Em đã sống, em xin được sống. Em có tội tình gì? Xin chúa thương xót em, hàng đêm em vẫn cầu nguyện.

Ngày…tháng…năm

Một đôi người đàn ông thăm hỏi. Em bây giờ đâu còn là buổi sáng, mà em như đã tới chiều, như đã xế bóng. Một bông hoa sắp tàn. Phận em đã định. Đời em đã xong, tự giam cầm mình trong niềm kiêu hãnh cách biệt.

Mỗi người một phần số. Em chấp nhận và chịu đựng số phận mình. Em phải níu lấy cái bổn phận và trách nhiệm để đứng lên, đi với tất cả cố gắng. Dù có phải trèo qua cái dốc đá cuộc đời một mình.

Ngày …tháng…năm…

Thăm nuôi anh dịp Tết. Bà nội mua một ít và em làm thêm các món đồ khô dành riêng cho những người tù mà em rất rành làm, sau nhiều lần thăm nuôi, những món ăn đủ chất dinh dưỡng, để lâu không hư. Sau nhiều năm anh đã trải qua bao trại giam, anh đã quen với bao sự thiếu thốn, khổ sở. Em vẫn buồn cho anh không được về nhà. Riêng em dù không có anh ở bên cạnh thật sự, nhưng em cảm thấy dường như em vẫn có anh hiện hữu. Em chả thường thì thầm tính toán mọi công việc hằng ngày với anh là gì? Những bữa ăn dù ở nơi đâu, em vẫn thường nhắc với con hoặc với mọi người rằng những món nào anh thích. Đêm đêm, em vẫn yên tâm ngủ với cái khoảng trống của anh bên cạnh. Trong những lúc vui buồn em đều nghĩ đến anh. Em vẫn sống bên anh trong tâm tưởng. Cho nên dù ở bên nhau hay xa nhau, theo em không có gì…….

Ngày…tháng…năm…

Đã hơn tháng nay em lại theo anh Trung ra chợ trời bán quần áo cũ. Ông bà nội đã bán nhà và dọn đi chỗ khác. Em không biết ở đâu, đầu óc ngổn ngang, chất chồng cái gì không biết, có lẽ thần kinh căng thẳng quá. Ngủ cứ bị bóng đè liên miên. Những giấc mơ làm nặng đầu ghê gớm. Nhà cửa không có, việc làm không ổn định. Nhiều đêm đang ngủ chợt thức giấc rồi không ngủ lại được.

Thỉnh thoảng em nghĩ đến anh và những buồn phiền đã gặp, em chỉ biết thở dài

Ôi định mệnh!

Ôi cuộc đời!

Ngày … tháng… năm…

Đã từ lâu em chịu đựng, chấp nhận tất cả mọi sự đến với em. Hình như em chỉ còn biết đợi chờ. Em đã chờ đợi từng giờ, từng ngày rồi từng tháng, từng năm. Chờ đến mỏi mòn, em vẫn cứ chờ. Nếu em biết rằng không có cái gì đến nữa, em vẫn cứ chờ đợi mãi. Không còn giải pháp nào nữa là cố đợi chờ.

Ngày….tháng… năm…

Lại một mùa xuân đến. Mọi người đang rạo rực đón xuân. Sơn phết nhà cửa, chưng hoa quả, nào quần, nào áo, đầu tóc ….

Còn em, em đang cặm cụi với những bàn chân… (thêm nghề làm móng). Còn 10 phút đến giao thừa, em mới được đứng dậy. Đau cứng cái lưng, bàn tay mỏi nhừ vì cả ngày làm liên tục, mệt ăn không nổi, cũng may lúc 10 giờ tối bà ngoại sang cho miếng bánh chưng. Giờ này mọi người sửa soạn cúng giao thừa. Pháo lách tách nổ. Con ngủ gục bên ngoại, em đánh thức dậy và bế về.

Cho con ngủ, tắm rửa xong, lên giường nằm nhìn xung quanh, em cảm thấy mình trơ trọi quá. Chả có gì để chứng tỏ có mùa xuân ở đây, một cọng hoa cũng không. Em không có mùa xuân, có lẽ thế! Mệt mỏi quá mà sao mắt em cứ mở. Trong mấy năm xa anh, có lẽ năm nay là em cảm thấy cô đơn nhất, lo lắng nhiều nhất và sức khỏe kém hơn hết. Em đã sống với một cố gắng phi thường để chống trả mọi sự phiền toái trên đời này. Những mối lo lắng hình như không muốn rời xa em. Máu còn chảy, tim còn đập là em còn xoay vần với cuộc sống.

Buổi sáng ra đi vội vã, trưa vội vã ăn, buổi tối vội vã ngủ, để rồi ngày mai tiếp tục vội vã. Thì giờ phải chạy theo cho kịp, kẻo trễ.

Sáng cần đi sớm bán hàng, tối cần về sớm lo cơm nước, giặt giũ. Ngủ sớm để dậy sớm và đi sớm, đều đặn.

Năm nay con sẽ bắt đầu đi học, nó đã biết hỏi bố có dẫn nó đến trường không, em biết trả lời sao?

S.T.
From: Tu-Phung

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay