BỊNH TRẦM CẢM – Bs Lê Ánh

Bs Lê Ánh

       

III-Cách phòng ngừa và trị liệu bịnh trầm cảm

Những nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization) tiên đoán rằng tới năm 2020 thì bịnh trầm cảm (major depression) sẽ trở thành căn bịnh thứ nhì dẫn đến tàn tật (disability) trên toàn thế giới và căn bịnh thứ nhứt dẫn đến tàn tật ở những nước đang phát triển.

Bịnh trầm cảm là một bịnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bịnh này và xác suất bị bịnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%. Hiện thời chưa có những thống kê về bịnh trầm cảm ở người Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cuộc sống gây căng thẳng tinh thần hay những biến cố tạo khủng hoảng trong cuộc sống là nguyên nhân gây bịnh trầm cảm.

Theo kinh nghiệm của người viết thì bịnh trầm cảm xảy ra ở người Việt Nam có xác suất cao hơn người Mỹ bản xứ. Lý do là đa số người Việt Nam sống ở hải ngoại là người tị nạn và họ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng trong đời sống. Những khủng hoảng đó là chiến tranh Việt Nam, tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển, nhiều khó khăn đáp ứng với văn hóa nước ngoài và đời sống kinh tế không tốt đẹp.

Ta có thể ước lượng rằng xác suất của thế hệ thứ nhứt, sanh trưởng tại Việt Nam và di tản định cư ở hải ngoại, bị trầm cảm có thể gấp 2 hay 3 lần người bản xứ. Đây là thế hệ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng như đã kể trên. Một số người vì mưu sinh, sống còn đã vượt qua được những triệu chứng trầm cảm lần đầu tiên. Nhưng vài năm sau đó, hệ thống thần kinh bị suy nhược sẵn, chỉ có một biến cố nhẹ hơn trong cuộc sống (thí dụ như xích mích vợ chồng hoặc con cái rời nhà sống riêng) cũng có thể gây ra bịnh trầm cảm nặng (major depression).

Thế hệ thứ 1.5, sinh tại Việt Nam di tản và định cư theo cha mẹ ở nước ngoài lúc còn nhỏ, cũng có những căng thẳng riêng của họ. Đó là những mâu thuẫn về nguồn gốc của mình. Họ không hẳn là người Việt cũng không hẳn là người bản xứ hoàn toàn nên có nhiều khó khăn trong việc đáp ứng kết hợp văn hóa bản xứ với văn hóa của gia đình. Nếu theo phong tục của bạn thì về nhà phụ huynh không vừa lòng, còn theo phong tục gia đình thì khó đáp ứng được với bạn bè cùng trang lứa.

I-Những dấu hiệu của bịnh trầm cảm

Người Á châu ít chịu công nhận những triệu chứng của bịnh trầm cảm vì những lý do văn hóa. Hiện thời có rất nhiều sự hiểu lầm về bịnh trầm cảm. Xã hội tin rằng những người bị trầm cảm là những người lười biếng với ý chí bị suy kém. Người ta còn tin rằng bịnh trầm cảm là một bịnh tưởng tượng vì bác sĩ gia đình không tìm được nguyên do thể chất của những triệu chứng đau nhức của bịnh trầm cảm. Một số khác nghĩ rằng bịnh nhân trầm cảm có “tánh xấu” vì họ hay bực bội cau có gây gổ với mọi người.

Bịnh trầm cảm không giống như bịnh cảm, ta ngủ một đêm sáng thức dậy thấy mệt mỏi và nghẹt mũi. Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bịnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Đến lúc bịnh trầm cảm trở thành nặng, người bịnh không đi làm được hay không sinh hoạt bình thường trong gia đình thì mới tìm bác sĩ để trị bịnh.

Vì những lý do trên mà những bịnh nhân Á châu khi khai những triệu chứng trầm cảm, họ ít khi chịu khai những triệu chứng tâm lý mà liệt khai những triệu chứng thể xác đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì hai triệu chứng chính để chẩn đoán trầm cảm là: buồn sầu (depression) và mất sự hứng thú trong đời sống (anhedonia). Những triệu chứng này ít thấy những người bịnh nhân Á châu than phiền. Nếu có than phiền về sự mất hứng thú thì họ hay ghép vào đó một nguyên nhân chính đáng như cơ thể bị đau nhức kinh niên chẳng hạn. Vì thế một số đông bịnh nhân Á châu không được chẩn đoán và trị liệu đúng mức.

Những triệu chứng trầm cảm thường được thấy ở những bịnh nhân Á châu là những cơn đau nhức bất thường, giấc ngủ bị thay đổi (mất ngủ hay ngủ li bì), người hay mệt kinh niên, xáo trộn trong khẩu vị (ít ăn, xuống cân), hay quên, không tập trung tư tưởng được, người hay “tự ái”, dễ bực bội (irritability). Ngay cả triệu chứng bực bội cũng được che đậy qua những lý do như những căng thẳng ở sở làm, con cái không vâng lời, người hôn phối không đối xử tốt với mình. Chính vì thế mà khi mới nghe bịnh nhân kể lể, bác sĩ gia đình ít khi nghĩ đến bịnh trầm cảm. Thật ra những căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có, nhưng đối với người bị trầm cảm căng thẳng được cảm nhận nhiều hơn bình thường.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khoảng 60% bịnh nhân trầm cảm bị đau nhức trong người. Gần 1/3 (30%) bịnh nhân đau kinh niên bị bịnh trầm cảm. Ở nước Mỹ, hàng năm có khoảng 400 triệu chuyến khám bác sĩ (clinic visits) thì gần phân nửa là vì đau nhức. 90% những bịnh nhân có những triệu chứng tâm lý được chẩn đoán đúng mức. Nhưng chỉ có 50% bịnh nhân trầm cảm có triệu chứng thể xác được bác sĩ gia đình chẩn đoán và nhận ra bịnh trầm cảm. Nếu những bịnh nhân này có kèm theo những bịnh về thể xác thì xác suất nhận ra bịnh bịnh trầm cảm chỉ có 20% mà thôi.

Theo cách chẩn đoán của khoa Tâm Thần thì chỉ cần 2 tuần lễ có những triệu chứng trầm cảm kể trên thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội là hội đủ điều kiện của bịnh trầm cảm. Tuy nhiên trên thực tế, bịnh nhân chờ đợi rất lâu, cả tháng đến cả năm trời mới chịu đi khám bác sĩ. Thời gian chần chờ chữa trị lâu hơn ở bịnh nhân Á châu vì họ rất sợ bị gán cho cái bịnh tâm thần (mental illness). Khi chần chờ lâu thì hệ thống thần kinh bị suy thoái nhiều gây rắc rối cho việc chữa trị. Ngoài ra khi bịnh trầm cảm trở nên nặng thì bịnh nhân thường có những ý nghĩ chán đời, không muốn sống và thậm chí có ý định tự tử.

II-Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh học (neurology)

Những nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bịnh trầm cảm không phải là một bịnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cơ cấu thần kinh (brain structures) và mạch thần kinh (neural circuits) điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác được dùng chung với bịnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bịnh nhân có nhiều triệu chứng tâm lý lẫn thể xác. Cái khác biệt là bịnh nhân Á châu lọc ra những triệu chứng tâm lý, chỉ khai với bác sĩ những triệu chứng thể xác.

Những nghiên cứu chụp hình não bằng PET scan hay fMRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic (limbic system) hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ,… Hệ thống cortex (cortical system) hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ,… Khi bịnh trầm cảm được điều trị thì những mất quân bình kể trên đổi chiều và bình thường trở lại.

Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra những kích thích tố xấu (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh (Brain derived nerve growth factor, viết tắt BDNF). Khi glucocorticoids tăng và BDNF giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh. Nhóm tế bào thần kinh kết cấu tạo thành vùng hippocampus rất nhậy cảm với glucocorticoids. Khi những tế bào thần kinh chết dần, cấu trúc này bị thoái hóa (atrophy). Vùng hippocampus của óc rất quan trọng trong việc giúp ta có trí nhớ ngắn hạn. Vì thế khi bị căng thẳng hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Lạm dụng xì ke ma túy cũng có tác động tương tự lên vùng hippocampus.

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức. Nguy cơ ở cá nhân thì như đã kể ở bài trước, khi bị căng thẳng (stress) lâu ngày thì sẽ làm hư hỏng nhiều phần của não bộ. Mới đầu ta chỉ thấy sự xáo trộn trong sự phân phối hoạt động của các vùng trong não bộ, như vùng limbic hoạt động quá độ còn vùng cortex hoạt động kém hơn. Khi để lâu sự mất quân bình này dẫn đến sự xáo trộn về chất thần kinh giao nối (neurotransmitter imbalance) và sau đó dẫn đến sự xáo trộn về nội tiết (endocrine imbalance). Khi nội tiết bị xáo trộn thì hiện nay chưa có cách trị hữu hiệu vì khoa học chưa phát minh ra thuốc trị nội tiết mất quân bình.

Bịnh trầm cảm ảnh hưởng xấu đến các bịnh thể xác khác một cách gián tiếp và trực tiếp. Căng thẳng của chứng trầm cảm làm bịnh nhân cảm thấy đau nhức nhiều hơn người không bị trầm cảm. Khi uống thuốc thì họ bị phản ứng phụ nhiều hơn vì sự căng thẳng làm giảm sự chịu đựng của cơ thể họ, do đó mà các bịnh khác không được trị đúng mức. Khi bị trầm cảm nặng, bịnh nhân chán chường nên bỏ bê việc uống thuốc thường xuyên, không tập thể dục và ăn uống bất thường làm các bịnh như tiểu dường hay cao máu nặng hơn. Ngoài ra trầm cảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm (immune system), các bịnh tim mạch, đường ruột, hô hấp làm triệu chứng của các bịnh này nặng hơn.

Ở nam giới bịnh trầm cảm không được chữa trị dễ dẫn đến lạm dụng rượu, hút thuốc và xì ke ma túy. Sự nghiện ngập hút xách sẽ làm bịnh trầm cảm nặng hơn. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ gia đình rất nhanh. Những nghiên cứu cho thấy sự bạo hành gia đình tăng lên với người bị trầm cảm. Nguy cơ tử vong khi tự tử rất cao ở nam giới bị trầm cảm. Nguy cơ này cao hơn nữa nếu bịnh nhân trầm cảm hút xách và mất tự chủ. Ngoài ra còn có nguy cơ làm hại sinh mạng kẻ khác khi trong lúc say rượu và tuyệt vọng, bịnh nhân giết con cái hay hôn phối của mình.

Về gia đình thì người bịnh trầm cảm bỏ bê sinh hoạt gia đình, thích ở trong phòng một mình, hay gây gỗ với người thân, họ bị tự ái quá độ, tình cảm mất quân bình, dễ la lối khóc lóc vì thế mà quan hệ gia đình rất căng thẳng. Một số người mất sự thích thú tình dục, không thích chưng diện, không chăm sóc người phối ngẫu, làm quan hệ hôn nhân bị lung lay. Nếu là phụ huynh thì sự chăm sóc con cái bị suy giảm, khiến người phối ngẫu phải làm việc nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân đưa đến sự xung đột trong gia đình. Phụ huynh bị trầm cảm không dằn được cơn bực bội hay la mắng, thậm chí đánh đập con cái rồi sau đó họ bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Nguy cơ ly dị ở người bị trầm cảm cao hơn bình thường.

Người bịnh trầm cảm không đáp ứng được với những nhu cầu của công việc. Họ dễ bị căng thẳng khi bị đồng nghiệp hay chủ sở phê bình. Họ làm việc chậm hơn người thường vì thiếu chăm chú và hay quên. Họ hay mất ngủ và sáng vào sở uống cà phê thật nhiều. Lạm dụng cà phê sẽ làm cơ thể căng thẳng hơn và sau đó họ sẽ lâm vào trường hợp mệt mỏi và hay bị lo âu quá độ. Lâu ngày tinh thần sẽ sa sút càng nhiều và những căng bịnh thể xác như nhức mỏi, nhức đầu sẽ ngày càng nhiều. Đến mức độ nào đó họ sẽ mất khả năng làm việc hữu hiệu và bị đuổi sở. Khi mất việc làm thì bịnh trầm cảm sẽ qua giai đoạn nặng, có nguy cơ tự tử.

Nói tóm lại những cảnh địa ngục trần gian sẽ tránh được khi bịnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Bịnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bịnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết. Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, dành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học (units) lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ. Tránh lạm dụng cà phê hay rượu chè. Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF (Brain Derived Neutrophic Factor), giúp những tế bào thần kinh sống lâu hơn.

Tìm hiểu tôn giáo để học hỏi những cách sống cho tâm hồn thư thản cũng là một cách phòng ngừa trầm cảm. Những nghiên cứu cho thấy tâm tĩnh lặng (mindfulness) rất hữu hiệu trị lo âu và trầm cảm. Khi suy nghĩ lo âu nhiều quá thì ta tạo căng thẳng cho hệ thống thần kinh. Khi hệ thần kinh làm việc quá độ thì sẽ gây ra những triệu chứng lo ra và mất trí nhớ. Tâm tĩnh lặng tạo những thay đổi tốt cho não bộ và được thể hiện qua sơ đồ điện não (EEG) và chụp hình PET scan. Căng thẳng kinh niên sẽ gây ra bịnh trầm cảm. Tinh thần cạnh tranh, hơn thua tạo ra rất nhiều căng thẳng và không thích hợp với bịnh trầm cảm. Nếu người có di truyền trầm cảm, căng thẳng sẽ làm trầm cảm phát triển sớm hơn. Những pháp môn tôn giáo như niệm Phật, cầu nguyện Chúa, hay thiền là những cách giáng tiếp hay trực tiếp dẫn đến tâm tĩnh lặng.

Tâm lý học có những phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy), tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy) để giúp người bị trầm cảm đi qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Tâm lý trị liệu dùng tâm tĩnh lặng (mindful therapy) rất thành công ở những bịnh nhân bị ung thư và trầm cảm đi đôi. Ở những bịnh trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu phối hợp với thuốc men công hiệu hơn là trị thuốc men một mình.

Nói về cách trị liệu bằng thuốc thì hiện nay nhóm thuốc làm tăng Serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor-SSRI) rất phổ biến trong việc dùng trị bịnh trầm cảm. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa) và Escitalopram (Lexapro). Những loại thuốc trên có thể đều có công dụng bằng nhau nhưng khác về phản ứng phụ. Bác sĩ tùy triệu chứng của bịnh nhân mà chọn thuốc. Ngoài ra còn có nhóm thuốc ảnh hưởng Serotonin và Norepinephrine (Serotonin-Norepinephrine reuptake inhibitor- SNRI). Nhóm thuốc này gồm có Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta). Còn nhiều thuốc nữa không tiện liệt kê ra hết. Càng ngày càng có nhiều loại thuốc mới ra nên việc trị liệu bịnh trầm cảm tương đối hữu hiệu hơn lúc trước.

IV-Những điều cần quan tâm khi trị bịnh trầm cảm bằng thuốc men

Những nghiên cứu thuốc trầm cảm ở trẻ em cho thấy rằng loại thuốc này có thể tăng những ý muốn tự vận. Không có trường hợp hoàn tất tự tử (suicide completion). Con số này rất nhỏ tuy nhiên FDA vẫn ra thông báo để cho các bác sĩ đề phòng. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số những đứa trẻ có ý muốn tự vận bị chẩn đoán lầm. Những em này có thể bị bịnh tình cảm lưỡng cực (bipolar affective disorder), khi uống thuốc trầm cảm, trong người thấy bứt rứt khó chịu hay bực bội nhiều hơn mà không tự chủ được.

Những giai đoạn bác sĩ cần theo dõi bịnh nhân kỹ là giai đoạn khởi đầu uống thuốc và giai đoạn điều chỉnh thuốc liều cao hơn. Nếu bịnh nhân uống thuốc trầm cảm cảm thấy khó chịu, có những cơn vui quá độ (mania), cảm thấy năng lực tăng thật nhiều mà không cần ăn và ngủ, thì nên dừng thuốc và thông báo bác sĩ tức thời. Nói chung, thuốc trị trầm cảm rất an toàn.

V-Tóm lại

Bịnh trầm cảm không phải là một bịnh tưởng tượng như người ta thường nghĩ. Người bịnh trầm cảm không thể dùng ý chí để vượt qua căn bịnh này mà cần phải được trị liệu đúng cách. Bịnh này cũng không hẳn chỉ là bịnh tâm thần vì nó có nhiều triệu chứng về thể xác, và nó có cơ sở thần kinh sinh lý học (neurobiology). Nếu không trị đúng mức bịnh này sẽ gây tai hại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ LÊ ÁNH

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay