Chuyển trao Sự Sống-Kính nhớ Tổ Tiên Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Mồng Hai: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

TẾT NGUYÊN ĐÁN – NĂM QUÝ MÃO

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”.

Rudyard Kipling, một nhà thơ người Anh, nói, “Thiên Chúa không thể có mặt ở khắp mọi nơi; vì thế, Ngài đã tạo nên các bà mẹ!”.

Anh Chị em,

Rudyard Kipling không chỉ nói đến các bà mẹ, nhưng nói đến ‘người mẹ’ của tất cả mọi loài, ngay cả động vật và thảo mộc. Nói đến mẹ là nói đến sự sống; nói đến sự sống là nói đến Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự sống. Hôm nay, mồng hai Tết, Giáo Hội cho con cái dành một ngày để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên; đó là những con người chuyển trao; các ngài đón nhận mầm sống từ Thiên Chúa, làm cho những mầm ấy trổ sinh, nhân lên và trao về lại cho Ngài. Tắt một lời, các ngài là những con người được gọi để ‘chuyển trao sự sống’, chuyển trao đức tin!

Một cách hình tượng, thánh Augustinô đã viết về sự chuyển trao cũng như sự kế thừa của các thế hệ như thế này, “Hỡi các bạn! Các thế hệ trên mặt đất như những chiếc lá luôn xanh tươi trên cành; trái đất mang những con người như những thân cây mang đầy những chiếc lá. Địa cầu đầy đặc những con người kế tiếp nhau, người này khóc chào đời, người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ chiếc áo xanh của mình, nhưng xin các bạn hãy nhìn xuống gốc. Các bạn đang dẫm lên một tấm thảm vàng úa đầy những chiếc lá khô mục!”.

Sách Huấn Ca hôm nay gọi các ngài là những vĩ nhân, “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, các ngài đã sinh ra các vĩ nhân và các thánh nhân. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính mẹ cha!”. Chúa Giêsu cũng nhắc lại luật Cựu Ước vốn khá khắt khe trong Tin Mừng hôm nay, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử!”. Bởi lẽ, các ngài nhận trách nhiệm ‘chuyển trao sự sống’ từ Thiên Chúa.

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhắc lại một tập tục không mấy quen thuộc với người Kinh mà một số đồng bào thượng vẫn giữ, đó là tục “Bỏ mả”. Chẳng hạn người Êđê. Khi trong nhà có người chết, gia đình con cháu hàng ngày mang cơm nước ra mộ; cho đến khi có điều kiện, họ làm lễ bỏ mả. Đó là một bữa tiệc linh đình với heo bò; sau đó, họ vĩnh viễn chia tay người chết và không quan tâm đến ngôi mộ mà họ đã san bằng. Họ tin linh hồn người chết đã siêu thoát, không còn vướng bận cõi trần. “Bỏ mả”, “bãi mả” là tập tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những vĩ nhân của các vĩ nhân, những con người ‘chuyển trao sự sống’.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Công đức của ông bà cha mẹ chúng ta góp phần làm nên những gì chúng ta là và chúng ta có! Các ngài không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống ân sủng của con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta phải yêu thương kính trọng; đúng hơn, phải nâng niu, trân quý các ngài khi sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi. Xin Chúa thứ tha mọi bất xứng và vô tâm của chúng ta. Thánh Phaolô nói, “Hãy gánh lấy tuổi già của cha con!”. Gánh lấy tức là gánh cái nặng, không ai gánh cái nhẹ. Và chúng ta đừng quên làm gương sáng cho con cái trong việc kính trọng và kính nhớ các ngài; bởi lẽ, không tập cho con cái ngay từ bây giờ, bạn đừng ngạc nhiên với tục bỏ mả mai ngày của con cái!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho con có mẹ có cha; cho con biết quý trọng sự sống và đức tin Chúa ban qua các ngài; đừng để con phụ lòng ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’ đã ‘chuyển trao sự sống’ của Chúa cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Sưu Tầm: KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay