Choluteca Bridge còn được biết với một cái tên khác: “Bridge to Nowhere”- cây cầu dẫn đến hư không. Ảnh: Twitter
Ở Choluteca, Honduras, có một cây cầu khổng lồ tên Choluteca Bridge. Nó còn được biết với một cái tên khác: “Bridge to Nowhere”- cây cầu dẫn đến hư không, nghĩa là nó không dẫn đến đâu cả. Nó không có điểm đi vào cũng không có điểm đi ra, hoàn toàn không thực thi trọng trách của một cây cầu.
Vậy thì, vì sao “Bridge to Nowhere”nổi tiếng? Choluteca Birdge nổi tiếng không chỉ vì lịch sử ra đời của nó, mà còn ở ý nghĩa ẩn dụ người ta tìm được sau khi cây cầu tồn tại trên cõi đời này. Thậm chí, giám đốc của PatientBond – một bệnh viện chuyên về sức khoẻ tinh thần đã sử dụng câu chuyện cầu Choluteca như một liều thuốc để truyền cho bệnh nhân ý thức vượt lên chính mình. Những nhà kinh doanh thì dùng Choluteca như bài học về sự thay đổi liên tục và phải có trong đấu trường kinh tế.
Câu chuyện là…
Cầu Choluteca được xây dựng vào năm 1996, là một dự án nối dài thêm cây cầu cũ xưa đã có từ năm 1930. Chính phủ Honduras đòi hỏi cây cầu xây mới phải có khả năng đối mặt và chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tàn bạo của vùng đất này. Họ cần tìm những bộ óc kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới có thể đáp ứng điều kiện khắt khe này. Cuối cùng, một nhà thầu của Nhật Bản đã chấp nhận thử thách.
Choluteca Birdge được hoàn thành năm 1998, là thành tựu tự hào của đất nước Honduras. Nó được xem là cây cầu hiện đại nhất, một kỳ quan của kỹ thuật xây dựng và kiến trúc. Cây cầu hứa hẹn chịu được thời tiết khắc nghiệt, kể cả những cơn bão và các trận cuồng phong xảy ra liên miên ở khu vực, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dân Honduras. Từ nay, họ có thể đi qua lại con sông Choluteca mà không cần phải lo sợ.
Nhưng rồi, chỉ vài tháng sau, cơn bão Mitch ập vào Honduras. Mưa liên tiếp, ồ ạt và dồn dập trong bốn ngày bốn đêm, lượng nước mưa lên đến 1905mm, phá huỷ vô số hạ tầng kiến trúc của quốc gia. Khoảng 7.000 người đã chết trong cơn bão. Nhà cửa, đường phố, cả cây cầu Choluteca (cũ) cũng bị cuốn đi.
Duy nhất một thứ vẫn còn nguyên vẹn, đó là cây cầu Cholutea (mới) vừa hoàn thành. Nó vẫn hiên ngang đứng vững, nguyên vẹn, hoàn hảo cấu trúc. Nhà thầu của xứ sở mặt trời mọc đã chứng minh lời hứa của họ với đất nước Honduras.
Cơn bão Mitch đã làm cho sông Choluteca dịch chuyển dòng chảy, cuốn trôi cây cầu Cholutea cũ. Ảnh: Bernard Bisson/Sygma via Getty Images
Thế nhưng, cây cầu đúc còn đó, mà dòng sông thì không còn. Con sông Cholutea cũng bị “di dời” làm dòng chảy chệch sang hướng khác. Nước không còn chảy dưới chân cầu vì con sông Cholutea cao hơn 100 mét (300 ft) đã…dời sang vị trí KẾ BÊN cây cầu.
Cholutea Bridge đứng chơ vơ, lạc lõng, bị cô lập giữa không gian, không có đường để đi vào và cũng không thể đi ra. Tất cả chỉ vì nó quá kiên cố, quá hoàn hảo để rồi trở thành “cây cầu dẫn vào hư không”.
Câu chuyện buồn của cuộc đời Cholutea Bridge cho thấy một sự thật, đó là mọi thứ trên thế giới này đều vô thường. Không có gì trong vũ trụ có thể thoát được sự điều khiển của thời gian. Chúng ta không ít lần đã tự đặt bản thân mình vào một sự hoàn hảo tuyệt đối, bỏ rất nhiều thời gian để đi tìm một giải pháp “thập toàn thập mỹ”, mà quên mất rằng bất cứ vấn đề nào, dù lớn hay nhỏ, đều sẽ thay đổi.
Cây cầu Choluteca từng là niềm kiêu hãnh của cả một quốc gia vì sự hiện đại, an toàn tuyệt đối. Nhưng rồi, nó đã dần bị rơi vào quên lãng vì sự “vô dụng” gây ra bởi…ông trời. Mãi cho đến năm 2003, cây cầu được nối lại, xây dựng thành đường cao tốc.
Cầu Cholutea năm 2005. Ảnh: Wikipedia
Thế nên, có hay chăng mỗi chúng ta hãy tự cắt giảm sự đòi hỏi tuyệt đối, chấp nhận cái tương đối, để cho dù thành công (lớn/nhỏ) hay thất bại (ít/nhiều), chúng ta đều thấy sự hữu dụng của mỗi người?