January 1, 2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “… Lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành ngoại giao nỗ lực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đẩy mạnh nội dung kinh tế trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo đảng, nhà nước…”
Đây là trích đoạn trong bài tổng kết những thành tựu “ngoại giao cây tre” của Bộ Ngoại Giao Việt Nam năm 2022, được đăng trên báo Quốc Tế hôm 1 Tháng Giêng.
Ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, vừa bị Bộ Chính Trị “phê bình nghiêm khắc” vì dính vụ bê bối “chuyến bay giải cứu.” (Hình: Thế Giới và Việt Nam)
Trong bài báo, ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, kể lể dông dài về việc bộ của ông “đóng góp vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội đất nước năm 2022.”
Bộ Trưởng Sơn cũng khoe về công tác bảo hộ công dân “đã kịp thời sơ tán an toàn hơn 6,000 công dân, kiều bào tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1,200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Cambodia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở ngoại quốc.” Tuy vậy, ông này không nhắc gì về “thành tựu” của những “chuyến bay giải cứu” công dân từ Mỹ, Châu Âu…
Ở đoạn cuối bài, ông Sơn nhấn mạnh rằng Bộ Ngoại Giao Việt Nam “nỗ lực xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc.”
Mới chỉ năm ngày trước, theo tờ Người Lao Động, Bộ Trưởng Sơn bị Bộ Chính Trị “phê bình nghiêm khắc” vì dính vụ bê bối “chuyến bay giải cứu.”
Vi phạm của ông Sơn và các thuộc cấp bị cho là “đã gây hậu quả nghiêm trọng, bất bình trong xã hội, làm sai lệch chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành ngoại giao.”
Vụ “chuyến bay giải cứu” còn khiến người tiền nhiệm của ông Bùi Thanh Sơn là Phạm Bình Minh (trái), mất ghế phó thủ tướng. (Hình: VOV)
Tuy vậy, theo công luận, việc chỉ bị đảng “phê bình” chứ không phải các biện pháp kỷ luật khác như khiển trách, cảnh cáo cho thấy ông Sơn được ưu ái “giơ cao đánh khẽ” và vẫn có thể giữ được ghế bộ trưởng.
Trong khi đó, cùng dính vụ bê bối nêu trên, người tiền nhiệm của ông Bùi Thanh Sơn là ông Phạm Bình Minh mất ghế phó thủ tướng và chức ủy viên Bộ Chính Trị. Sự nghiệp chính trị của ông Minh chính thức kết thúc vào hôm 5 Tháng Giêng, khi ông này bị Quốc Hội Việt Nam bãi nhiệm và bầu người khác thay thế ngay theo lệnh của đảng. (N.H.K)