VẾT CHÉM !

VẾT CHÉM !

TIEU HO,

trích EPHATA số 568

Tai ương lắm lúc tựa như con dao sắc, chém chặt vào những mảnh đời, để lại những vết đau khôn lường. Nó dai dẳng làm tấy máu, bầm dập, lâu ngày tưởng lành nhưng vết thẹo còn sót lại lặn vào trong một nỗi đau sẵn sàng mưng mủ lở loét bất cứ lúc nào.

Con hẻm nhỏ bé này cứ mãi là những câu chuyện nối dài của những mảnh đời nghiệt ngã, nó khắc đậm một vết khắc của làng quê Việt Nam vốn dĩ hiền hòa chân chất, chân lấm tay bùn, chật vật ngoi lên giữa biển đời đầy giông bão luôn ập xuống.

Ngước mặt nhìn lên những tòa nhà cao ngất nơi phố thị để tận hưởng một chút phồn vinh rồi nhìn nhanh lại những mảnh đời rã nát nơi đây, lòng mênh mang từng sợi cảm xúc, có cái gì đó như thắt chặt, như đau nhói tận sâu thẳm con tim, nơi chất chứa những rung động, nơi khơi nguồn những xúc cảm để cùng chia sẻ với cuộc đời.

Bước chân chiều lòng vòng dẫn tôi ghé thăm nhà anh Trần Văn Quỳnh và chị Phạm Thị Bảy cùng sinh năm 1956, tại ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Anh Quỳnh và Chị Bảy trước đây là một gia đình nông dân chí thú làm ăn. Ngoài việc canh tác 6 công ruộng, chị Bảy còn hàng ngày chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, ngồi chợ để kiếm thêm đồng rau đồng cá bổ sung thêm cho bữa ăn gia đình. Anh chị sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Con cái anh chị do được thừa hưởng gien di truyền chăm chỉ làm ăn của anh chị, nên từ nhỏ đã biết cật lực làm việc. Con cái lớn, anh chị vui với niềm vui dựng vợ gả chồng cho con, cho con ra riêng, cơ ngơi lập nghiệp.

Chỉ còn duy nhất đứa con trai út, em Trần Thanh Dũng, sinh năm 1990. Học xong lớp 9 do cảm nỗi vất vả của cha mẹ già, cha em bị tai biến nhẹ nên không thể lao động, mẹ nặng vai gánh gồng, em đã xin phép cha mẹ cho nghỉ học và xin lên Sàigòn tìm việc làm và đã được nhận vào làm tại Công Ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam.

Niềm vui chưa tròn trịa, buổi sáng định mệnh ngày 15.12.2009 tai nạn ập xuống đời em khi đang trên đường từ nơi trọ đến công ty. Chị Bảy kể chuyện, đôi mắt như còn cô đọng lại vẻ thất thần, nhìn sâu vào đôi mắt người phụ nữ ấy tôi như sờ mó được những vết chém ngang dọc cuộc đời chị, để rồi hằn cộm lên vết đau. Tin dữ báo về con bị tai nạn xe, chị quơ vội nắm tiền chắt chiu, chân ướt chân ráo ngơ ngác lên bệnh viện tìm con. Tim chị co thắt lại khi nhìn con bất động cộng với lời khuyên của bác sĩ nên đưa con về. Chị gào khóc van xin các bác sĩ cứu con chị. Cảm thương với tấm lòng bao la như biển cả của người mẹ như chị.

Bác sĩ đã mời chị vào ký giấy cam kết vì tình trạng nguy cấp của con chị. Theo chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng trán đỉnh phải. Mười phần chết chín chỉ còn may mắn một phần. Giọng điệu chất phác chị kể: “Bác sĩ nói tui ký giấy, có gì chịu trách nhiệm. Còn nước còn tát. Còn 1% cũng cố gắng. Rồi người ta bóp bong bóng ba ngày ba đêm, con tui từ từ thở được…”

Hai mươi lăm ngày con chị nằm ở tầng 2 nhà thương Chợ Rẫy là khoảng thời gian đau khổ nhất trong cuộc đời chị, sinh mạng con chị như ngàn cân treo sợi tóc. Bao nhiêu tiền dành dụm phút chốc tan biến nhanh, bao nhiêu món đồ quí giá trong nhà lần lượt chia tay gia đình chị. Tình nghĩa máu mủ các con chị trút hết những giọt máu cuối cùng có thể được để san sẻ cho em mình. Sau 25 ngày em được chuyển sang Quận 8, ba tháng ở Quận 8, mỗi ngày ít nhất phải chi năm triệu tiền thuốc, cơm thì chị xin của hội từ thiện.

Một số tiền quá lớn, họ hàng rồi cũng chỉ biết ngồi nhìn mà ngậm ngùi. Anh chị bán dần 6 công ruộng, rồi bán luôn căn nhà hai trăm rưỡi triệu, cũng không thấm vào đâu. Con trai thứ của chị vì thương em cũng bán luôn căn nhà 150 triệu để phụ lo cho em. Cả nhà về tá túc ở ngôi nhà của bà nội. Bốn năm nay anh chị phải chuyển con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, cho đến bây giờ phế quản vẫn chưa đóng lại được.

Ngôi chợ chồm hổm buổi sáng cảm thương với gia đình chị, người chia sẻ bó rau, người cho miếng xương heo, người cho con cá giúp em Dũng. Thương vì em là đứa con có hiếu, biết nghĩ cho cha mẹ, thương vì chị phải gánh nỗi đau quá lớn. Nhà cửa tiêu tan, bốn năm nay chị kề cận chăm sóc Dũng, không làm gì ra tiền, gia đình lùi dần vào con đường bế tắc. Em Dũng còn đang chờ đợi để đương đầu với một cuộc phẫu thuật rút ống thông thanh quản ra. Đôi mắt chị xa xăm tìm kiếm một điều gì đó trong vô vọng…

Nhìn cách em Dũng bắt đầu bình phục, nghe hiểu rồi viết được tên mình, ai cũng vui mừng. Nhìn sâu trong mắt chị Bảy ai cũng đọc được sự hy sinh cao cả, tình mẫu tử thiêng liêng. Còn anh Quỳnh thì lặng lẽ âm trầm với nỗi đau quá lớn của gia đình. Anh thở dài vì anh cũng đang bệnh, mọi thứ chất hết lên vai chị. Các anh chị em Dũng thì cố sức làm việc, bên cạnh cái gánh gia đình còn cái gánh ruột thịt không bỏ vào đâu được. Sức nặng đang đè nặng trên vai mọi người, không ai nói với ai, nhưng tất cả đều cảm nhận từ nhịp đập con tim.

Tôi đưa tay bắt lấy tay Dũng hỏi em có muốn ngồi trên xe lăn tôi đẩy em ra khỏi con hẻm này cho vui không ? Em gật đầu vui vẻ, nhưng ngồi trên xe lăn đôi chân em run lên bần bật, em bấu chặt tay tôi. Chắc có lẽ tai nạn khủng khiếp vẫn còn ám ảnh trong em, nỗi sợ hãi run lên theo từng vòng bánh xe lăn. Tự dưng giọt nước mắt tôi rớt xuống, lòng tôi lại dậy lên niềm khao khát, không phải chỉ đẩy em ra khỏi con hẻm này để tìm nguồn vui mà luôn cầu mong mọi người hãy chung tay đẩy gia đình em thoát khỏi cơn khốn khó. Hãy cùng nhau dùng tình thương xoa dịu nỗi đau, tìm lại cho em nụ cười và tiếng nói trong trẻo. Hãy san sẻ với một người mẹ vì trái tim bà vẫn sáng như một kỳ quan của thế giới.

Chia tay gia đình anh chị Bảy, con hẻm nhỏ khuất sau lưng tôi nhưng hình ảnh thương tâm của em Dũng và ánh mắt sâu thẳm của anh Quỳnh và chị Bảy theo tôi, như thúc giục tôi hãy cố gắng làm một điều gì đó, ít ra là hãy đưa vào em vào thế giới yêu thương của mọi người. Để tình thương của mọi người đấp ấm làm lành vết chém mà cuộc đời vô tình đã đánh trúng vào gia đình em.

TIEU HO, 6.2013

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay