An Hòa
Nhật Bản là một đất nước luôn theo đuổi những điều hoàn mỹ, bởi vậy những việc thường ngày như cắm hoa, pha trà cũng có thể được nâng lên thành nghệ thuật mang hơi hướng tu hành, mang hơi thở của Đạo. Chất lượng sản phẩm, chất lượng môi trường Nhật Bản xưa nay cũng là nhất hạng. Nhưng có lẽ tất cả những theo đuổi ở mức độ cao nhất ấy chỉ có thể bắt nguồn từ chất lượng con người Nhật Bản, mà cụ thể là ở sự thành tín.
Thành tín được coi là phương châm sống của người Nhật Bản, vậy nên có nhiều chuyện thật khó mà tưởng tượng ra. Ví dụ như, cạnh một bến xe nhỏ ở thôn gần thành phố Osaka, người ta đặt một cái bàn, trên có từng túi từng túi rau quả tươi, bên cạnh lại đặt một tấm ván gỗ ghi rõ 100 yên/1 túi và không có ai trông coi. Tất cả những người mua hàng đều tới lấy tự nhiên, rồi tự giác thả tiền vào trong chiếc hộp đựng tiền ở bên cạnh.
Ở Nhật Bản, nếu như bị thất lạc đồ vật gì thì cũng không cần phải lo lắng, bởi vì người nhặt được đều sẽ mang đến giao lại cho nơi có trách nhiệm gần nhất. Ví dụ như, đồ vật thất lạc trên tàu điện ngầm thông thường sẽ có người giao cho nhà ga. Bỏ quên áo khoác trên tàu với ví tiền và đồ đạc giá trị, thì không chỉ tìm được, mà còn nhận được áo khoác được cất giữ phẳng phiu và ngay ngắn.
Ngày chủ nhật, nếu đến công viên bình thường chơi thì vé vào cửa là khoảng 800 yên. Trong một số công viên cũng có lối ra vào đặc biệt dành cho người tàn tật. Ở đó người ta đặt biển thông báo rằng: “Lối dành cho người tàn tật, người bình thường không được vào”. Chẳng có ai trông coi ở những lối này, mà người dân bình thường cũng không cho rằng mình nên đi bằng lối này để giảm được tiền vé vào cổng.
Thậm chí, việc xử lý vấn đề hộ tịch ở tòa thị chính là một việc đơn giản đến khó tin. Khi bạn đến đó, nhân viên công tác sẽ đưa ra một bản đồ được phóng to rõ đến từng nhà, rồi yêu cầu bạn chỉ nơi mà mình đang ở và coi như việc xác nhận đã được hoàn tất. Khi được hỏi: “Nếu như có người nói dối thì sao?” Nhân viên công tác đã dùng ánh mắt khó tin mà nói: “Tại sao lại nói dối? Nếu mà nói dối thì khi chúng tôi gửi trả giấy chứng nhận bảo hiểm y tế và các tài liệu khác, chẳng phải họ sẽ không nhận được sao?”
Người Nhật Bản không cho rằng họ sẽ ăn phải đồ ăn không sạch sẽ tại các quán ăn, nhà hàng. Chuyện thức ăn không sạch sẽ là rất hiếm. Còn nhớ trước đây có một nhà hàng thịt nướng ở thành phố Osaka đã khiến cho 4 khách hàng của họ bị tiêu chảy cấp. Sau đó, nhà hàng này đã phải đóng cửa. Ông chủ của nhà hàng này đã bị cấm, không được phép kinh doanh đồ ăn uống.
Người Nhật Bản cũng không chịu làm hàng giả. Mà một khi đã làm giả thì hậu quả mà người làm hàng giả phải chịu sẽ vô cùng nghiêm trọng. Trong kinh doanh ở Nhật Bản cũng ngẫu nhiên có hiện tượng làm hàng giả. Ví dụ như đem sản phẩm của nước ngoài giả mạo là sản phẩm của Nhật Bản. Trước đây từng xuất hiện sự kiện, một ông chủ dùng lươn của Trung Quốc giả mạo là lươn của Nhật Bản. Kết quả: Thứ nhất là ông chủ phải công khai xin lỗi mọi người, thứ hai là ngân hàng ngừng việc cho vay, thứ ba là các đối tác ngừng quan hệ làm ăn, cuối cùng việc kinh doanh đành phải đóng cửa.
Ở Nhật Bản có khế ước xã hội bất thành văn là người làm hàng giả không nên thực hiện bất kỳ lời bào chữa nào mà nên thành khẩn nhận lỗi. Sau khi nhận lỗi rồi người ta sẽ không đào sâu vào chi tiết của lỗi lầm ấy. Nhưng người làm hàng giả sau này cơ bản sẽ không còn có khả năng tham gia vào ngành sản xuất đó nữa. Cho nên, tại Nhật Bản, đôi khi làm hàng giả là một việc còn nghiêm trọng hơn việc ngồi tù, bởi người chịu hình phạt ngồi tù xong lại là người bình thường, người khác không kỳ thị, nhưng người làm hàng giả mà bị sạt nghiệp thì có nhiều trường hợp sẽ chọn cách tự tử. Vậy mới thấy, tại Nhật Bản, hai chữ “thành tín” là vô cùng quan trọng.
Nhật Bản là một dân tộc vô cùng thành tín, nghiêm khắc và cẩn thận. Có thể nói, Người Nhật Bản có một đức tính, một nét văn hóa trời sinh, đó là “đã tốt lại muốn tốt hơn”. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Nhật Bản trở thành một cường quốc của thế giới.
An Hòa biên tập