Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam vừa triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 16/11 giữa bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào tình trạng giảm mạnh nhất thế giới trong thời gian qua, với vốn hoá thị trường mất gần 20 tỷ đô la chỉ trong 2 tuần lễ.
Báo Nhà Đầu Tư dẫn văn bản hoả tốc số 143 của UBCKNN vào sáng 16/11 cho biết cuộc họp diễn ra vào chiều cùng ngày với nội dung “bàn về tình hình thị trường chứng khoán trong thời gian qua”, với sự tham dự của ban lãnh đạo Uỷ ban và đại diện lãnh đạo của Sở Giao dịch Chứng khoá Việt Nam (VNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Sở Giao dịch Chứng khoá Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm chỉ số chứng khoán VN-Index liên tục sụt giảm mạnh chưa từng có trong những tháng gần đây và xu hướng này kéo dài trong lúc các đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiếu giữa lo ngại về tình trạng thiếu thanh khoản lan rộng trong lĩnh vực bất động sản.
Phiên giao dịch ngày 16/11 chứng kiến sắc xanh hiếm hoi sau nhiều tuần lễ thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong “chảo lửa” đỏ rực, nhưng áp lực bán tháo vẫn chưa dừng lại. Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, dòng tiền liên tục rút ra khiến chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng giao dịch đầu ngày 16/11 đã có tới 240 mã nằm sàn xanh lơ.
Tờ báo cho biết hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng bị rớt giá đang kéo thị trường đi xuống, trong đó bao gồm VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)…
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản như VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), DXG (Đất Xanh), DIG (Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng), và các doanh nghiệp có vốn hóa lớn khác như VNM (Vinamilk), MWG (Thế giới di động), FPT (FPT)… cũng bị nhà đầu tư bán ra mạnh.
Nhìn chung, chỉ số VN-Index đã giảm đến 12% nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, và giảm 40% nếu tính từ đầu năm. Theo đó, vốn hoá thị trường đã mất đến hơn 19,6 tỷ đô là chỉ trong vòng nửa tháng qua, khiến cho hàng loạt cổ phiếu rớt xuống dưới mệnh giá.
Giải thích về những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, UBCKNN hôm 11/11 cho rằng nguyên nhân xuất phát từ “tâm lý thận trọng của nhà đầu tư” trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế, chính trị thế giới và điều này “có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới”.
Uỷ ban này cho biết sẽ tiếp tục “theo dõi sát” diễn biến tình hình và động thái chính sách của các nước trên thế giới, để kịp thời có các giải pháp phù hợp bảo đảm cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.
Trước đó, vào ngày 12/11, truyền thông Việt Nam cho biết Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chính phủ cần có “giải pháp đặc biệt cứu nguy cho doanh nghiệp” và nền kinh tế.
Ban này đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp.