28/10/2022
Tân thủ tướng Anh Quốc, Rishi Sunak.
Nước Anh đã thay đổi: Ông vua vẫn là người lãnh đạo Thiên Chúa Giáo, ông thủ tướng theo Ấn Độ Giáo, đô trưởng thành phố London là tín đồ Hồi Giáo, và vị lãnh tụ đối lập kết hôn với một người theo Do Thái Giáo. Người sau cùng thuộc một sắc dân thiểu số lên làm thủ tướng Anh là Benjamin Disraeli, nhưng ông đã bỏ đạo gốc Do Thái từ trước.
Rishi Sunak còn là một người Ấn Độ hay không? Rất khó nói, dù khi tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng tài chánh ông đã là người đầu tiên không đặt tay trên Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo mà dùng cuốn Bhagavad Gita, một Thánh thi Ấn Độ Giáo. Gia đình Sunak, bên nội cũng như bên ngoại, đều di cư từ Ấn Độ qua Phi châu từ nhiều đời, trước khi sang lập nghiệp ở Anh. Ông lên làm thủ tướng đúng ngày thánh lễ Diwali, một dịp cho dân chúng Ấn Độ reo mừng. Ông cũng là vị thủ tướng “da đen” đầu tiên ở Anh quốc, 14 năm sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ. Sunak trở thành thủ tướng mà không cần do dân bầu, sau khi được các đại biểu đảng Bảo Thủ trong quốc hội tín nhiệm bầu làm lãnh tụ đảng. Ông cũng là vị thủ tướng trẻ nhất, 42 tuổi, trong vòng 200 năm.
Ông mới được bầu vào quốc hội bảy năm trước, một thời gian quá ngắn để chuẩn bị lên nắm quyền cao nhất. Ông đã được Boris Johnson mời làm bộ trưởng tài chánh vì kinh nghiệm hoạt động trong ngành đầu tư, với công ty Goldman Sachs. Tháng Bảy vừa qua, khi Johnson bị nhiều tai tiếng, ông từ chức, cùng với bộ trưởng Y tế Sajid Javid, lôi kéo theo 50 bộ trưởng và thứ trưởng cùng rút lui trong hai ngày.
Khi Johnson phải từ chức, Rishi Sunak giành vai lãnh tụ đảng Bảo Thủ với bà Liz Truss, bị thua với tỷ số 57 – 43 phần trăm. Ông chỉ trích chính sách của bà Truss là mơ mộng như “kể chuyện thần tiên.” Quả nhiên, bà Liz Truss chống lạm phát bằng cách cắt giảm thuế, đồng tiền Anh tụt giá, thị trường chứng khoán sụp đổ, chính phủ của bà chỉ thọ được 45 ngày. Đảng Bảo Thủ, gần 200 trong số 357 đại biểu, bỏ phiếu đưa Sunak lên thay.
Rishi Sunak tiêu biểu cho một người di dân đầy tham vọng và sẵn sàng hội nhập, đồng hóa vào xã hội Anh, trong truyền thống đảng Bảo thủ. Bố là một bác sĩ, mẹ là dược sĩ, cả hai đều di cư từ Phi châu qua Anh. Ông học Winchester College, một ngôi trường trung học của “giới quý tộc” từ sáu thế kỷ nay, với học phí $52,000 một năm; học Đại học Oxford rồi đậu MBA tại Đại học Stanford bên Mỹ.
Sunak thú nhận rằng ông chỉ có bạn bè trong giới quý tộc (aristocrats) và thượng lưu (upper class), không ai thuộc giới lao động (not working class), mặc dù hồi trẻ ông cũng làm bồi bàn trong một tiệm ăn Ấn Độ và đi giao hàng cho tiệm thuốc.
Sau khi xảy ra vụ George Floyd, một người Mỹ da đen chết khi bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ trong vòng 9 phút khiến cả thế giới xúc động, biểu tình phản đối, Sunak đã kể kinh nghiệm của chính bản thân cũng từng bị kỳ thị vì gia đình ông là những di dân sống ở nước Anh, và họ đã vượt qua tất cả những chướng ngại đó.
Một cuộc phỏng vấn hỏi dân chúng Anh khi nghe tên ông thủ tướng thì nghĩ tới điều gì, đa số trả lời là nghĩ tới chữ “rich, giàu!” Nhưng nói Sunak “giàu” không đủ, phải gọi là “giàu quá xá” (super rich). Tài sản của ông lên tới 730 triệu đồng bảng Anh, $830 triệu mỹ kim. Nữ hoàng Queen Elizabeth II khi tại thế cũng chỉ làm chủ 370 triệu đồng bảng, $420 triệu mỹ kim. Sunak có nhiều tiền là nhờ bà vợ ông, Akshata Murty, là con gái một tỷ phú Ấn Độ, người sáng lập công ty Infosys thuộc hàng lớn nhất nước. Vợ chồng ông có ít nhất ba ngôi biệt thự ở nước Anh.
Dân chúng Anh đã quen thấy người giàu có lên nắm quyền, không coi đó là một chướng ngại, miễn là những người đó không đặt ra các luật lệ thiên vị cho chính mình. Đầu năm 2022, báo chí đã phanh phui một tin lạ: Bà vợ ông bộ trưởng tài chánh Sunak không đóng thuế cho chính phủ Anh trong lúc ông chồng đang bắt dân đóng thêm thuế! Lý do là vì nước Anh không phải là địa chỉ “cư ngụ chính thức” của bà Murty; bà không bắt buộc phải khai báo những lợi tức kiếm được ở nước ngoài, dù rất cao! Tương tự, báo chí cũng tìm ra rằng ông Sunak là một “di dân hợp pháp ở Mỹ” với một ngôi nhà trị giá $6 triệu đô la ở Santa Monica, California. Sunak đã trả lại “thẻ xanh” cho chính phủ Mỹ.
Dân Anh có vẻ tin tưởng Rishi Sunak là người có khả năng đối phó với tình trạng kinh tế suy yếu sau trận đại dịch Covid 19. Một phần cũng vì họ thấy ông đã tiên đoán trúng những hậu quả do chính sách của bà Truss gây ra. Ông được lòng mọi người vì trong thời gian bệnh dịch vẫn giữ được nền kinh tế không suy sụp, nhờ chính phủ chịu trả tiền lương cho nhân viên các công ty bị sa thải vì bệnh dịch, với tiền trợ cấp cho các xí nghiệp trị giá hàng tỷ mỹ kim. Trong khi đó Sunak vẫn theo chủ trương như cựu thủ tướng Margaret Thatcher, không muốn nhà nước can thiệp vào kinh tế.
Đó là một chủ trương khó theo đuổi trong thời gian này. Chính phủ Anh sẽ phải can thiệp nhiều hơn, khi hầu như không có gì “chạy” trong cả xã hội. Hệ thống Y tế Quốc gia (N.H.S.National Health Service) không chạy, đường xe lửa đình đốn, lương bổng tăng nhưng lạm phát lên cao hơn.
Đó là cơ hội để lãnh tụ đảng Lao Động đối lập Keir Starmer yêu cầu hãy tổ chức bầu cử ngay. Sau khi đảng Bảo Thủ đã nắm quyền suốt 12 năm, còn ba năm nữa mới đến ngày dân được bầu quốc hội mới, cuộc nghiên cứu dư luận của tổ chức YouGov cho biết 63% dân Anh muốn tổ chức bầu quốc hội sớm.
Nếu dân Anh bỏ phiếu ngay bây giờ, đảng Lao Động hy vọng được 56% dân ủng hộ, sẽ chiếm đa số áp đảo và lên nắm quyền. Ông Keir Starmer đã đề nghị một chương trình tranh cử: Đầu tư thêm tiền cho N.H.S., sẽ quốc hữu hóa hệ thống đường xe lửa, lập một công ty quốc doanh phát triển “năng lượng sạch.”
Nhưng Rishi Sunak còn cầm quyền được trong ba năm, ông sẽ không chấp nhận bầu cử sớm. Nếu số ông vẫn may mắn như trong quá khứ, trong thời gian tới ông có thể xoay chuyển tình trạng kinh tế nước Anh vì tình trạng “cùng tắc biến,” cái gì xuống mãi sẽ có lúc phải đi lên!